Virus gây COVID-19 còn tồn tại sâu trong phổi người khỏi bệnh

Một nghiên cứu mới đây của Trung Quốc phát hiện ra rằng: Bằng các phương pháp xét nghiệm truyền thống không thể phát hiện ra virus SARS-CoV-2 vì chúng nằm sâu trong phổi của những bệnh nhân đã bình phục khỏi COVID-19, theo tờ South China Morning Post.

Phát hiện này, được đăng trên tạp chí Cell Research của Trung Quốc hôm 28-4, phần nào lý giải nguyên nhân có sự gia tăng bệnh nhân tái dương tính với COVID-19 sau khi họ đã bình phục.

TS Bian Xiuwu, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu từ Đại học Quân y Trùng Khánh (Trung Quốc), nói rằng: “Công trình của chúng tôi đã cung cấp bằng chứng bệnh lý đầu tiên về virus SARS-CoV-2 còn tồn tại trong phổi của một bệnh nhân được xuất viện với kết quả ba lần âm tính".

Virus ẩn sâu và không gây ra triệu chứng

Theo tờ South China Morning Post,  nghiên cứu này dựa trên việc kiểm tra một cụ bà 78 tuổi đã tử vong vì COVID-19.

Ngày 27-1, cụ bà này được đưa vào Bệnh viện Trung tâm Tam Hiệp ở TP Trùng Khánh. Bà đã dương tính với COVID-19 và sau đó xuất hiện các triệu chứng của bệnh.

Đến ngày 13-2, bà xuất viện sau khi được điều trị và ba lần cho kết quả âm tính với COVID-19. Mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm COVID-19 được lấy từ mũi và họng của bà. Tuy nhiên, một ngày sau, cụ bà bị ngưng tim và tử vong.

Các bác sĩ quan sát phổi bệnh nhân nhiễm COVID-19 hồi tháng 2-2020 tại TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc). Ảnh: TÂN HOA XÃ

Qua vụ việc trên, TS Bian và các đồng sự kết luận trong nghiên cứu rằng: “Cần phải nhanh chóng hiểu rõ cơ chế sinh bệnh trên bệnh nhân COVID-19. Giới y tế vẫn chưa xác định virus đã ảnh hưởng thế nào đến cơ thể của người đã bình phục khỏi COVID-19”.

Sau khi khám nghiệm tử thi, các nhà nghiên cứu không tìm thấy COVID-19 trong gan, tim, ruột, da hoặc tủy xương của cụ bà trên. 

Tuy nhiên, họ lại phát hiện một chủng virus hoàn toàn mới nằm trong các mô sâu trong phổi của bà. Quan sát trên kính hiển vi, họ thấy virus vẫn còn tồn tại trong một lớp vỏ bọc như vương miện.

Các chủng mới ẩn sâu này không gây bất kỳ triệu chứng rõ rệt nào. Chính vì thế, các phương pháp xét nghiệm hàng loạt mà mẫu xét nghiệm không lấy từ trong phổi thì sẽ không thấy được.

Nhóm của TS Bian đề nghị cần phải xem xét kỹ càng phổi bệnh nhân trước khi cho họ xuất viện để phát hiện ra các chủng còn sót lại trong đó.

Để làm được điều này thì phải dùng kỹ thuật rửa phế quản (BL), tức là đưa một ống chứa chất lỏng vào phổi bệnh nhân qua đường miệng và tiến hành bơm rửa. Thủ tục chẩn đoán như vậy vô cùng phức tạp, tốn nhiều thời gian và cả chi phí.

“Đây là một điều không thực tế. Bệnh nhân sẽ phải chịu đựng quá nhiều và không gì đảm bảo cho độ chính xác 100%” - một bác sĩ giấu tên tại một bệnh viện ở Bắc Kinh nói.

Đi tìm nguyên nhân

South China Morning Post dẫn tin từ cơ quan y tế Hàn Quốc từ đầu tháng 4 cho hay nước này đã phát hiện 160 bệnh nhân hồi phục lại cho kết quả dương tính lần hai với COVID-19. Các báo cáo tương tự cũng xuất hiện ở Trung Quốc đại lục, Đài Loan và Hong Kong, cũng như tại các nước như Philippines và Việt Nam.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang điều tra lý do tại sao một số người đã khỏi COVID-19 thì dương tính trở lại với COVID-19. Tuần trước, WHO nói rằng không có bằng chứng cho thấy người đã nhiễm COVID-19 thì không tái nhiễm nữa.

Một số nhà khoa học suy đoán việc tái dương tính với COVID-19 là do có sai sót trong xét nghiệm. Họ nói một số dụng cụ cho kết quả sai vì có ít mẫu bệnh phẩm dính trên bộ dụng cụ, hoặc cũng do dụng cụ bị vấy bẩn.

Các nhà khoa học nói rằng vẫn có những sai sót trong lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: SOUTH CHINA MORNING POST

Ngoài ra, tháng trước, một nhóm nghiên cứu ở Trung Quốc phát hiện trong một số người sau khi khỏi bệnh, nhất là người trẻ, có quá ít kháng thể. Vì thế, những người này có thể bị tái nhiễm và sức đề kháng không thể chống lại virus còn sót trong người.

Giáo sư Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan), chuyên gia hàng đầu về bệnh hô hấp, cố vấn khoa học của chính phủ Trung Quốc, nói rằng hầu hết các kết quả xét nghiệm dương tính trở lại từ các bệnh nhân đã bình phục có thể là do các gen trong virus đã phân mảnh.

Ông Chung cũng nói rằng hiện vẫn chưa có bằng chứng trực tiếp liệu người tái dương tính với COVID-19 có thể lây nhiễm cho người khác hay không.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm