Việt Nam-Malaysia: Ba điểm tương đồng quan trọng về biển Đông

Bộ tài liệu 80 trang với chủ đề “Thay đổi liên tục” đề cập: “Về cơ bản, biển Đông phải là vùng biển của hợp tác, kết nối và xây dựng cộng đồng, không phải nơi đối đầu hay xung đột. Điều này phù hợp với tinh thần của Tuyên bố khu vực hòa bình, tự do và trung lập (gọi tắt là ZOPFAN). Malaysia sẽ tích cực thúc đẩy tầm nhìn này ở ASEAN” - theo tờ South China Morning Post.

Các bộ trưởng ngoại giao ASEAN ký ZOPFAN vào năm 1971, khẳng định các nước thành viên quyết tâm xúc tiến những cố gắng cần thiết để có được sự công nhận và tôn trọng Ðông Nam Á như một khu vực hòa bình, tự do và trung lập, không có sự can thiệp dưới bất cứ hình thức và phương cách nào của các nước ngoài khu vực.

Malaysia cũng bày tỏ thái độ không đứng về phe này chống phe kia trong quan hệ nước lớn. Ngoài ra, Thủ tướng Mahathir còn đề nghị phi quân sự hóa biển Đông để vùng biển này trở thành khu vực hòa bình và thương mại.

Như vậy, có thể rút ra ba thông điệp quan trọng từ tuyên bố của chính quyền Mahathir: (i) Không liên minh với bên này để chống lại bên kia; (ii) Không chấp nhận sự can thiệp quân sự bất hợp pháp, gây căng thẳng từ bên ngoài vào biển Đông; (iii) Thúc đẩy hợp tác đa phương, thu hút các quốc gia đến biển Đông vì mục tiêu hòa bình như thương mại.

Các thông điệp này không chỉ phù hợp với lập trường chung của ASEAN mà còn rất sát với các quan điểm của Việt Nam thời gian qua. Rõ ràng nhất là thông qua các tuyên bố của Việt Nam trước sự kiện tàu địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc nhiều lần xâm phạm trái phép vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam gần đây.

Thứ nhất, dù đối mặt sức ép và sự đe dọa từ Bắc Kinh ở biển Đông thời gian qua nhưng Việt Nam tiếp tục duy trì chính sách “ba không”: Không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia.

Thứ hai, Việt Nam nhiều lần khẳng định kịch liệt phản đối hành động quân sự của Trung Quốc hay bất kỳ nước nào trái luật pháp quốc tế, điển hình là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Đối với tất cả hành vi quân sự hóa hay can dự quân sự trái phép, điển hình như Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo, huấn luyện quân sự trái phép ở Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), Bộ Ngoại giao Việt Nam luôn lên tiếng phản đối, tiến hành giao thiệp và trao công hàm cương quyết phản đối cách hành xử không “thượng tôn pháp luật”.

thứ ba, Việt Nam nhiều lần tuyên bố chào đón và sẵn sàng hợp tác với các nước khác cũng như cộng đồng quốc tế nhằm duy trì hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực biển Đông. “Quan điểm của Việt Nam về tự do hàng hải và hàng không trên biển là rõ ràng nhất quán và đã được thể hiện nhiều lần. Theo đó, các hoạt động trên biển cần tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế như được thể hiện trong UNCLOS” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhiều lần nhắc lại trước báo chí và cộng đồng quốc tế.

Tuyên bố của Malaysia và ba điểm tương đồng giữa Việt Nam và Malaysia nói trên rất quan trọng, nhất là khi ASEAN đang đàm phán Bộ quy tắc ứng xử về biển Đông với Trung Quốc trong bối cảnh Philippines có xu hướng ngày càng xích lại gần Bắc Kinh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm