Vatican bắt giữ nhiều quan chức cấp cao để điều tra tài chính

Cảnh sát đã bắt giữ khẩn cấp các quan chức của Phủ Quốc vụ khanh và Cơ quan Thông tin tài chính (AIF) vào ngày 1-10, thu giữ những tài liệu và thiết bị điện tử liên quan đến một vụ điều tra những bất thường về mặt tài chính, một tuyên bố của Tòa thánh Vatican cho biết.

Đây là lần đầu tiên hai bộ phận này bị điều tra để tìm kiếm bằng chứng liên quan đến các cáo buộc tài chính bất thường. 

Tòa thánh Vatican nhìn từ trên cao. Ảnh: WIRED

Phủ Quốc vụ khanh là cơ quan quyền lực cao nhất của thực thể đặc biệt này, là trung tâm của bộ máy quan chức và ngoại giao, là trung tâm hành chính của Giáo hội Công giáo toàn cầu. Còn AIF là tổ chức kiểm soát tài chính, có quyền quản lý đối với tất cả bộ phận, cơ quan của Vatican.

Chính quyền Vatican đã không đưa ra bất kỳ thông tin chi tiết nào, ngoại trừ việc hoạt động này là sự tiếp nối các khiếu nại đối với ngân hàng và Văn phòng Tổng kiểm toán Vatican, liên quan đến "các hoạt động tài chính được thực hiện trong suốt thời gian qua".

Một quan chức cấp cao Vatican cho biết ông tin rằng cuộc điều tra đã được các công tố viên Vatican cấp phép là nhắm vào các giao dịch bất động sản.

Kể từ năm 2013, Giáo hoàng Francis đã có nhiều nỗ lực nhằm làm trong sạch bộ máy chính quyền trước tai tiếng về những bất thường trong vấn đề tài chính của tòa thánh.

Năm ngoái, một cựu lãnh đạo ngân hàng Vatican và một luật sư người Ý đã phải đối mặt với những phiên tòa, mà hiện tại vẫn đang được tiến hành, vì tội rửa tiền và biển thủ công quỹ qua các giao dịch bất động sản.

Vào tháng 5, AIF cho biết báo cáo về những hoạt động tài chính bất thường ở Vatican đã giảm đến mức thấp nhất trong sáu năm qua, thể hiện xu hướng cải cách đang được thực hiện tốt.

Trong nhiều thập niên, ngân hàng Vatican, với tên gọi chính thức là Viện Giáo vụ (IOR), đã bị vướng vào nhiều bê bối tài chính khi cho phép người Ý mở các tài khoản ngân hàng liên quan đến những vấn đề tham nhũng phức tạp, dù họ không được quyền mở tài khoản ở đây.

Hàng trăm tài khoản ở IOR đã bị khóa, với mục đích được nêu ra là để quản lý các quỹ của tòa thánh, các nhân viên Vatican, các viện tôn giáo và các quỹ từ thiện Công giáo.

Năm 2017, Ý đã thêm Vatican vào "danh sách trắng" các quốc gia hợp tác tài chính, kết thúc thời gian dài thiếu lòng tin giữa hai chính quyền.

Cũng trong năm 2017, Moneyval, cơ quan quản lý của Hội đồng châu Âu, đánh giá những cải cách tài chính ở Vatican đã mang lại những ảnh hưởng tích cực. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm