Tướng Iran nguy hiểm thế nào mà Mỹ thù đến phải tận diệt?

Thiếu tướng Qassim Soleimani - một nhân vật quan trọng của quân đội Iran vừa thiệt mạng sáng nay (3-1) trong một vụ không kích do Mỹ thực hiện ở thủ đô Baghdad (Iraq).

Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ thì chính Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ đạo thực hiện vụ không kích này với quyết tâm “ngăn chặn các kế hoạch tấn công của Iran trong tương lai”.

Nhân vật quyền lực nhất Trung Đông

Tướng Soleimani là ai mà lại bị Mỹ thù đến nỗi phải theo đuổi tận diệt đến thế?

Thiếu tướng Qassim Soleimani là chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm Quds thuộc Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), là người chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động quân sự bí mật bên ngoài lãnh thổ Iran.

Ông Soleimani vào Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979 sau cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran và thăng tiến nhanh chóng. Ông Soleimani từng cầm quân đánh đuổi quân Iraq dưới thời Tổng thống Iraq Saddam Hussein kéo vào Iran năm 1980.

Một trong những nhân vật quyền lực nhất Trung Đông - Tướng Soleimani (giữa) vừa bị Mỹ tiêu diệt. Ảnh: SPUTNIK

Một trong những nhân vật quyền lực nhất Trung Đông - tướng Soleimani (giữa) vừa bị Mỹ tiêu diệt. Ảnh: SPUTNIK

Giữa thập niên 1980, khi chưa được 30 tuổi, ông Soleimani đã tổ chức các chiến dịch bí mật bên trong Iraq để phá hoại thể chế Hussein, xây dựng quan hệ với người Kurd ở Iraq.

Sau chiến tranh Iraq, ông Soleimani trở thành chỉ huy Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran ở tỉnh Kerman - quê nhà ông.

Năm 1999, khi sinh viên biểu tình ở Tehran, ông Soleimani đích thân viết thư gửi tổng thống Iran khi đó là ông Mohammad Khatimi và đe dọa sẽ đảo chính lật đổ chính phủ, tuyên bố quân đội sẽ làm điều chính phủ không làm được là giải tán biểu tình.

Năm 2002, vài tháng trước khi Mỹ đưa quân vào Iraq đánh ông Hussein, ông Soleimani được bổ nhiệm vào vị trí chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm Quds. Lực lượng Đặc nhiệm Quds có khoảng 20.000 binh sĩ, báo cáo trực tiếp hoạt động cho lãnh đạo Tối cao Iran Ali Khamenei - bạn thân của ông Soleimani.

Năm 2011, ông Soleimani được lãnh đạo Khamenei phong hàm thiếu tướng. Ông Khamenei mô tả ông Soleimani là một “vị thánh sống”.

Tướng Soleimani (phải) trong một sự kiện cùng Lãnh đạo Tối cao Iran Ali Khamenei (trái). Ảnh: AAWSAT

Tướng Soleimani (phải) trong một sự kiện cùng lãnh đạo Tối cao Iran Ali Khamenei (trái). Ảnh: AAWSAT

Ảnh hưởng của ông Soleimani ở Trung Đông mạnh tới nỗi khó hình dung. Những năm gần đây, tướng Soleimani dần rút vào hoạt động kín đáo. Tuy hoạt động kín đáo hơn nhưng độ nổi tiếng của nhân vật này ở khu vực vẫn ngày càng lớn. Tại Iran, ông Soleimani rất được sùng bái, là chủ đề của rất nhiều bộ phim tài liệu và thậm chí được đưa cả vào âm nhạc. Tháng 3-2015, từng có một video do các tay súng dân quân người Shia ở Iraq thực hiện quay cảnh nhiều binh sĩ sơn chân dung ông Soleimani lên một bức tường và rồi diễu hành trước hình ảnh này.

Telegraph thừa nhận tướng Soleimani được xem là một trong những nhân vật quyền lực nhất Trung Đông.

Cái gai trong mắt Mỹ

Về công khai, nhiệm vụ của Lực lượng Đặc nhiệm Quds là bảo vệ thành quả của cách mạng Iran nhưng về không chính thức, lực lượng này được cho là công cụ thực hiện các chính sách của Iran khắp khu vực.

Và hoạt động của Lực lượng Đặc nhiệm Quds lâu nay làm Mỹ rất đau đầu vì làm tổn hại đến chính sách Mỹ ở khu vực. Mỹ cáo buộc Lực lượng Đặc nhiệm Quds chịu trách nhiệm truyền bá cách mạng Hồi giáo Iran, ủng hộ khủng bố và phát động các cuộc chiến tranh với các nước khác. Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ - tướng Ray Odierno từng nói với Fox News năm 2015 rằng tướng Soleimani là người thiết kế các hoạt động ác ý ở khắp Trung Đông.

Thiếu tướng Qassim Soleimani - Chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm Quds thuộc Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (giữa) trong một cuộc họp ở Tehran (Iran). Ảnh: AP

Thiếu tướng Qassim Soleimani - Chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm Quds thuộc Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran trong một cuộc họp ở Tehran (Iran). Ảnh: AP

Tướng Soleimani được cho là người thiết kế của các chiến dịch gần đây của Iran tại Iraq, Syria, Lebanon. Ông Soleimani huy động sự ủng hộ từ các nhóm Hồi giáo Shia, Sunni, cả Hamas, và cả Hezbollah.

Và vì thế, nhân vật này trở thành một cái gai của Bộ Quốc phòng Mỹ. Tướng David Petraeus - cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ từng nói năm 2011 rằng ông Soleimani và Lực lượng Quds đã hủy hoại rất nhiều thành quả mà Mỹ đã đạt được với bộ phận người Hồi giáo Shia ở Iraq. Ông Soleimani và Lực lượng Quds cũng như đã đảo ngược các nỗ lực ngoại giao và quân sự của Mỹ ở Lebanon. Cuộc chiến của Mỹ ở Iraq phần lớn đã trở thành cuộc chiến chống lại các lực lượng đồng minh của Lực lượng Quds ở Iraq.

Mỹ gặp khó khăn đến nỗi tướng Petraeus từng phải thốt lên rằng Mỹ không thể sử dụng các biện pháp ngoại giao truyền thống với Bộ Ngoại giao Iraq vì thực chất đây là “một công cụ an ninh” đã bị Iran lũng đoạn.

Chủ trương của Iran trong nội chiến Syria là ủng hộ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Lực lượng Quds được cho có liên quan đến hoạt động trấn áp lực lượng nổi dậy. Và Mỹ đã trừng phạt ông Soleimani vì điều này.

Telegraph mô tả Tướng Soleimani là người rất có sức hút, dù trầm tĩnh và ít nói. Ảnh: JP

Telegraph mô tả tướng Soleimani là người rất có sức hút, dù trầm tĩnh và ít nói. Ảnh: JP

Năm 2018, ông Soleimani từng tranh cãi với Tổng thống Mỹ Donald Trump, đe dọa một cuộc chiến tranh với Mỹ mà Iran sẽ “hủy hoại toàn bộ những gì người Mỹ có”.

“Các người bắt đầu cuộc chiến này nhưng chúng tôi sẽ là người kết thúc. Vì thế hãy cẩn thận khi sỉ nhục người dân Iran và tổng thống nước cộng hòa chúng tôi” - tướng Soleimani từng đe dọa ông Trump.

“Chúng tôi ở gần các người, ở những nơi mà các người thậm chí không thể tưởng tượng ra được” - tướng Soleimani cảnh báo về sự nguy hiểm của sức mạnh Iran.

Mỹ định danh ông Soleimani là một tên khủng bố khét tiếng. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng ví tướng Soleimani nguy hiểm tương đương với thủ lĩnh tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo Abu Abkr al-Baghdadi, người đã bị Mỹ tiêu diệt hồi tháng 10. Và thực tế nhân vật này đã là một kẻ thù mạnh nhất của Mỹ tới tận những giây phút cuối đời.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm