Trung Quốc yêu cầu nghị sĩ Mỹ không can thiệp vào Hong Kong

Trung Quốc đã yêu cầu các nhà lập pháp Mỹ ngay lập tức dừng thúc đẩy một dự luật lưỡng viện về nhân quyền và dân chủ ở Hong Kong, nói rằng tình hình ở TP này không liên quan đến họ.

Theo tờ South China Morning Post (SCMP), Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra yêu cầu trên một ngày sau khi Trưởng Đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) ngày 4-9 thông báo bà sẽ rút dự luật dẫn độ gây tranh cãi, điều đã khơi mào làn sóng biểu tình suốt 13 tuần qua trên khắp TP này.

 Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Ảnh: BLOOMBERG

Tình hình này cũng làm gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ, với việc Bắc Kinh cáo buộc “những bàn tay đen” nước ngoài đứng sau tình trạng bất ổn này trong lúc ngày càng nhiều các nhà chính trị Mỹ bày tỏ lo ngại về hướng đi của Hong Kong.

Các quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Donald Trump được cho cũng đang tìm cách trừng phạt Trung Quốc trong trường hợp Bắc Kinh trấn áp biểu tình ở Hong Kong, theo SCMP.

Trong một tuyên bố ngày 4-9, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi nói rằng bà hoan nghênh việc rút dự luật dẫn độ, song hối thúc giới lãnh đạo TP này làm hơn nữa để thực hiện “nguyện vọng hợp pháp” của người dân Hong Kong, bao gồm bầu cử phổ thông và điều tra hành vi bạo lực của cảnh sát.

Bà Pelosi cho hay các thành viên Quốc hội Mỹ “mong muốn đẩy nhanh Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong của lưỡng viện nhằm tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với nền dân chủ, nhân quyền và luật pháp trước sự trấn áp của Bắc Kinh”, thêm rằng cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa “đoàn kết” trong việc ủng hộ người dân Hong Kong theo đuổi dân chủ.

Dự luật này do thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio đồng tài trợ cùng với sự ủng hộ từ lưỡng đảng, sau khi bắt đầu các cuộc biểu tình rầm rộ ở Hong Kong từ tháng 6.

Những áp phích và giấy ghi chú được dán ở thang cuốn ủng hộ các cuộc biểu tình chống chính quyền Hong Kong. Ảnh: REUTERS

Dự luật bao gồm các biện pháp trừng phạt các quan chức được phát hiện hạn chế nhân quyền hoặc “tự do cơ bản” ở Hong Kong và yêu cầu tổng thống rà soát tình hình kinh tế đặc biệt của Hong Kong mỗi năm.

Ông Rubio ngày 4-9 nói rằng việc rút dự luật dẫn độ là “bước đi đáng hoan nghênh nhưng không đủ”, đồng thời kêu gọi Trung Quốc “duy trì những cam kết của nước này đối với quyền tự trị của Hong Kong và ngừng làm trầm trọng thêm tình hình bằng các đe dọa bạo lực”.

Khi được yêu cầu bình luận về tuyên bố của bà Pelosi, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho hay các nghị sĩ Mỹ nên chấm dứt can thiệp vào các vấn đề Hong Kong và từ bỏ dự luật.

“Vấn đề Hong Kong hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Không lực lượng nước ngoài nào có quyền can thiệp. Chúng tôi yêu cầu các chính trị gia Mỹ có liên quan tôn trọng luật pháp và quy tắc quốc tế, tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc, ngay lập tức chấm dứt mọi hình thức can thiệp vào vấn đề Hong Kong, ngay lập tức dừng việc xem xét dự luật liên quan tới Hong Kong nhằm tránh làm phương hại quan hệ Trung-Mỹ cũng như sự thịnh vượng và ổn định của Hong Kong” - ông Cảnh nói.

Các nhà phân tích Trung Quốc nói rằng việc rút dự luật dẫn độ, trong đó cho phép đưa người phạm tội sang Trung Quốc đại lục xét xử, sẽ giúp xoa dịu một số lo ngại của các chính trị gia Mỹ về Hong Kong.

“Miễn Trung Quốc không đưa quân tới Hong Kong thì sẽ không có lý do gì Quốc hội Mỹ thông qua dự luật” - Shi Yinhong, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại ĐH Renmin và là cố vấn cho chính phủ Trung Quốc, nhận định.

Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cũng hoan nghênh việc lãnh đạo Hong Kong rút dự luật dẫn độ.

“Đây là bước đi xây dựng lòng tin đáng hoan nghênh. Tôi hy vọng điều này đưa tới một cuộc đối thoại ý nghĩa giữa chính quyền Hong Kong và người dân” - ông Raab nói.

Trưởng Đặc khu Hong Kong Carrie Lam tại buổi họp báo hôm 5-9. Ảnh: REUTERS

Về phía Trưởng Đặc khu Hong Kong Carrie Lam, theo hãng tin Reuters, bà Lam ngày 5-9 nói rằng Trung Quốc “hiểu, tôn trọng và ủng hộ” động thái chính thức rút dự luật dẫn độ của chính quyền Hong Kong - một phần trong các biện pháp bà hy vọng sẽ giúp TP này “tiến lên” sau nhiều tháng bất ổn.

Tại cuộc họp báo ngày 5-9, bà Lam nhiều lần được hỏi tại sao phải mất một khoảng thời gian dài bà mới rút dự luật dẫn độ, tuy nhiên bà không trả lời trực tiếp, chỉ nói: “Mô tả điều này là sự thay đổi suy nghĩ thì thật không chính xác”.

Bà Lam nói thêm rằng việc rút hoàn toàn dự luật là quyết định do chính quyền bà đưa ra với sự ủng hộ của Bắc Kinh.

“Xuyên suốt toàn bộ quá trình, chính phủ Nhân dân trung ương đã đứng vào vị trí này để hiểu tại sao chúng tôi phải làm điều này. Họ tôn trọng quan điểm của tôi và họ ủng hộ tôi suốt chặng đường” - bà Lam nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm