Trung Quốc: Tiếp tục duy trì 'zero COVID' để đối phó Omicron

Tờ South China Morning Post cho biết trong bối cảnh dư luận quốc tế quan ngại về sự xuất hiện và lây lan của biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2, các chuyên gia và quan chức Trung Quốc khẳng định sẽ tiếp tục chiến lược "zero COVID" (quét sạch F0 trong cộng đồng). 

Cụ thể, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu của Trung Quốc - TS Chung Nam Sơn phát biểu trong một hội thảo khoa học ngày 28-11 đã cho biết Trung Quốc đến thời điểm hiện tại không có kế hoạch thay đổi đáng kể chiến lược chống dịch để ngăn ngừa biến thể mới. 

TS Chung Nam Sơn phát biểu tại hội thảo khoa học ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 28-11. Ảnh: RHTK

"Omicron là biến thể còn mới. Chúng ta cần phải đánh giá kỹ lưỡng xem độc tính của nó như thế nào, tốc độ lây lan ra sao, có cần bào chế vaccine mới để chống lại nó hay liệu nó có làm cơ thể người nhiễm phát bệnh nặng hơn hay không. Còn quá sớm để đưa ra các kết luận cuối cùng, do đó lúc này vẫn cần tập trung phát hiện và cách ly người từ Nam Phi về hơn" - ông Chung nói. 

Trưởng nhóm dịch tễ học của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc (CCDC) - TS Ngô Tôn Hữu trong một hội thảo khác cùng ngày cũng cho hay sẽ chờ và quan sát thêm diễn biến, song song với việc ban hành các biện pháp kiểm soát chặt biên giới. 

TS Ngô Tôn Hữu trong một cuộc họp báo của CCDC hồi tháng 5-2020. Ảnh: CGTN

"Lúc này tình hình dịch nghiêm trọng nhất vẫn tập trung ở châu Âu với biến thể lây lan chủ đạo từ mùa đông năm nay đến mùa xuân năm sau là Delta. Liệu Omicron có thể phát triển thành biến thể thống trị hay không vẫn cần điều tra thêm" - ông Ngô nói. 

Quan chức này còn khẳng định việc quét sạch F0 và kiểm soát chặt các nguồn lây nhiễm từ nước ngoài hiện vẫn là chiến lược chống dịch hiệu quả nhất của Trung Quốc. Nếu không sớm áp dụng và duy trì chiến lược đó thì chiếu theo tỉ lệ lây nhiễm và tử vong toàn cầu, Trung Quốc lúc này có thể đã ghi nhận gần 48 triệu ca nhiễm và hơn 950.000 ca tử vong.  

"Nếu Trung Quốc có chiến lược chống dịch như của các nước châu Âu hoặc Mỹ và cho phép du khách nước ngoài đã tiêm chủng và đã xét nghiệm âm tính trong 3 ngày gần nhất nhập cảnh, thì dịch bệnh sẽ bùng phát lại và không thể kiểm soát. Mọi công sức chống dịch suốt hai năm qua xem như đổ bỏ" - ông Ngô nói thêm. 

Trên thực tế, nhiều quốc gia trong khu vực mà ông Ngô kể tên đã nhanh chóng đã phát lệnh hạn chế đi lại với Nam Phi và một số nước châu Phi khác như Botswana, Eswatini, Lesotho, Namibia, Zambia, Mozambique, Malawi và Zimbabwe. Người từ các quốc gia này quay về cũng bị cách ly theo dõi bắt buộc. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm