Trung Quốc đi bước rắn tăng áp lực thương mại lên Úc

Sau khi chịu thuế chống bán phá giá 212,1%, nhiều loại rượu vang Úc nhập khẩu vào Trung Quốc sẽ tiếp tục bị áp thêm thuế chống bảo hộ, hãng tin Reuters cho hay.

Ngày 10-12, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo bắt đầu từ ngày 11-12, rượu vang nhập khẩu từ Úc sẽ chịu thêm mức thuế chống bảo hộ tạm thời trong thời gian giới chức Bắc Kinh tiếp tục điều tra cáo buộc thương mại không công bằng này.

Theo đó, những đơn vị nhập khẩu các hãng rượu đang bị điều tra phải nộp trước khoản thuế này cho cơ quan hải quan Trung Quốc mới có thể tiếp tục nhập hàng. Sau đó, nếu cơ quan chức năng không chứng minh được dấu hiệu bảo hộ của phía Úc thì phần thuế này sẽ được hoàn trả.

Văn phòng của Bộ trưởng Thương mại, du lịch và đầu tư Úc Simon Birmingham cho biết phía Canberra đã nắm được thông tin này nhưng từ chối bình luận về động thái của Bắc Kinh. 

Rượu vang nhập khẩu từ Úc được bày bán tại TP Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: REUTERS

Hồi tháng 8, Trung Quốc đã khởi động cuộc điều tra về các chương trình bảo hộ rượu vang sau khi nhận được yêu cầu từ Hiệp hội Công nghiệp rượu Trung Quốc.

Ngày 27-11, Trung Quốc đã áp thuế chống bán phá giá lên tới 212,1% đối với rượu vang Úc. Từ ngày 11-12, rượu của các hãng Treasury Wine Estates, Casella Wines và Swan Vintage sẽ chịu thêm mức thuế chống trợ cấp tạm thời 6,3%, trong khi mức thuế tương tự cho hãng Pernod Ricard là 6,4%.

Ông Tony Battaglene, giám đốc điều hành của Tập đoàn Rượu và nho Úc (AGW), cho rằng Trung Quốc sẽ không có cơ sở nào để chứng minh ngành rượu vang Úc đang được bảo hộ.

Bộ trưởng Birmingham thì cho biết Canberra sẽ tiếp tục bảo vệ quyền lợi của mình, kháng cáo và hướng tới mục tiêu cuối cùng là loại bỏ hành vi trừng phạt thương mại này của Bắc Kinh.

Ngoài rượu vang, nhiều loại hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Úc như lúa mạch, hải sản, gỗ, than, bông... đang bị coi là đối tượng mà Trung Quốc nhắm tới nhằm gây áp lực về thương mại.

Nhiều loại thịt bò và thịt cừu Úc cũng bị hạn chế nhập khẩu vào Trung Quốc với lý do Bắc Kinh đưa ra là lo ngại về nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19.

Ông Birmingham cáo buộc Trung Quốc không tuân thủ hiệp định thương mại tự do song phương của hai nước, cũng như các nghĩa vụ khi tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Úc đã nêu quan ngại về vấn đề này tại cuộc họp WTO.

Những biện pháp thương mại này càng làm căng thẳng thêm quan hệ vốn đang rất xấu giữa Trung Quốc và Úc, kể từ khi Úc cấm công ty công nghệ Trung Quốc Huawei tham gia vào chương trình 5G của Canberra (năm 2018).

Úc liên tục chỉ trích Trung Quốc ở hàng loạt vấn đề về đại dịch COVID-19, Biển Đông, Đài Loan, Hong Kong, Tân Cương... Trong khi Bắc Kinh cho rằng Canberra đang hùa theo Mỹ chống Trung Quốc. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm