Trung Quốc âm thầm tăng gấp đôi quân số ở Hong Kong?

Tháng trước, Bắc Kinh đã điều chuyển hàng ngàn binh lính qua biên giới, tiến vào Khu vực Hành chính Đặc biệt Hong Kong, theo một bài điều tra ra ngày 30-9 của tờ South China Morning Post. Binh lính được đưa đến trên những chiếc xe tải và xe bọc thép, bằng cả xe buýt và tàu biển.

Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã mô tả đây là một hoạt động điều chuyển "xoay vòng" bình thường lực lượng Trung Quốc đồn trú ở Hong Kong kể từ khi tiếp nhận vùng lãnh thổ này. Tân Hoa Xã cũng không đề cập thông tin về các vụ biểu tình chống chính quyền vốn kéo dài từ tháng 6. 

Các binh sĩ Hải quân Trung Quốc tham gia một hoạt động tại đảo Stonecutters, Hong Kong. Ảnh: REUTERS

Trung Quốc cho rằng họ luôn duy trì một lực lượng ổn định ở vùng lãnh thổ này trong nhiều năm, thường xuyên trao đổi và "xoay vòng" binh sĩ. Trước đó, hãng tin Reuters dẫn lời Đặc khu trưởng Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết Trung Quốc "hoàn toàn không có kế hoạch" sử dụng quân đội để xử lý biểu tình.

Trong khi đó, các đặc phái viên từ các nước châu Á và phương Tây lại cho rằng những động thái quân sự cuối tháng 8 vừa rồi không phải là luân chuyển binh sĩ mà là sự củng cố lực lượng quân đội. Reuters dẫn nguồn tin từ các đặc phái viên quốc tế, cho biết không có một nhóm binh sĩ đáng kể nào được điều chuyển ngược về đại lục sau khi thông báo được đưa ra.

Họ cho rằng đội ngũ quân nhân Trung Quốc tại Hong Kong đã tăng gấp đôi về quy mô, kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu. Quân số hiện tại ở Hong Kong rất có thể đang ở mức 10.000-12.000 quân, so với số liệu 3.000-5.000 quân trong những tháng trước đó.

Do đó, các đặc phái viên này tin rằng Trung Quốc đã tập hợp lực lượng và trang bị chống bạo động ở quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở Hong Kong.

Đáng chú ý, một số nguồn tin ngoại giao cho biết, những binh sĩ được điều chuyển tới bao gồm Cảnh sát Vũ trang Nhân dân (PAP), một lực lượng an ninh nội địa và chống bạo động bán quân sự ở đại lục. Phần lớn binh sĩ PAP trước đó nhiều khả năng đã phục vụ trong hàng ngũ Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA). 

Bộ Quốc phòng, Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện và Văn phòng Các vấn đề Hong Kong và Macau của Trung Quốc chưa đưa ra bình luận về những thông tin này. Hồi đầu tháng 9, phát ngôn viên Văn phòng Các vấn đề Hong Kong và Macau cho biết, Bắc Kinh "sẽ không ngồi yên" nếu tình hình ở đặc khu này trở nên xấu đi và đe dọa "chủ quyền quốc gia" của Trung Quốc.

Văn phòng Đặc khu trưởng và đại diện lực lượng PLA đồn trú ở Hong Kong cũng chưa đưa ra bình luận nào. Người phát ngôn cảnh sát Hong Kong nói với Reuters rằng lực lượng cảnh sát "có khả năng duy trì luật pháp và trật tự, cũng như quyết tâm khôi phục an ninh công cộng ở Hong Kong".

PAP là một lực lượng nòng cốt để chính phủ Trung Quốc củng cố quyền kiểm soát đất nước. Quân số PAP đã lên tới 1.000.000 quân, theo một báo cáo nghiên cứu được Đại học Quốc phòng Mỹ công bố hồi tháng 4.

Vai trò chính của lực lượng này là chống lại những kẻ thù tiềm năng, chống biến động trong nước và bảo vệ các lãnh đạo cấp cao. Trong những năm gần đây, lực lượng này cũng đồn trú ở Tân Cương và Tây Tạng. Họ được huấn luyện chống khủng bố, bảo vệ các công trình hạ tầng quan trọng, cứu trợ thảm họa và gìn giữ hòa bình quốc tế.

Tin tức về lực lượng PLA bổ sung ở Hong Kong xuất hiện khi giới chức đặc khu này chuẩn bị đối phó với các cuộc biểu tình lớn có thể xảy ra trong dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc (ngày 1-10). Trong khi đó, các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình đã xuất hiện trong vài tuần gần đây.

Trong một phát biểu cá nhân hồi tháng 8, Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga cho biết bà không đề cao khả năng Bắc Kinh triển khai lực lượng PLA ở Hong Kong. Kết quả điều tra của tờ South China Morning Post cũng cho thấy Trung Quốc không ưu tiên sử dụng quân đội trong trường hợp này.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn sẵn sàng hành động nếu chính quyền Hong Kong mất quyền kiểm soát thành phố. Bản thân bà Lâm cũng lo ngại về khả năng kiểm soát của cảnh sát, khi mà quân số của lực lượng này đang ít hơn nhiều so với số người tham gia biểu tình, khiến cho việc thực thi pháp luật là "cực kỳ khó khăn". 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm