Triều Tiên, Mỹ nói gì sau cuộc đàm phán thất bại ở Stockholm?

Tối 6-10, Bộ Ngoại giao Triều Tiên ra thông cáo liên quan cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ ở Stockholm (Thụy Điển) ngày trước đó.

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNAdẫn lời một nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cáo buộc Mỹ cố gắng lừa dối mọi người và “lan truyền một câu chuyện hoàn toàn không có thật rằng hai bên cởi mở với khả năng gặp lại lần nữa”.

Triều Tiên: Bóng đang ở bên sân Mỹ

Theo Bộ Ngoại giao Triều Tiên, phái đoàn Mỹ đã đến cuộc đàm phán mà không hề có sự chuẩn bị gì ngoài việc chỉ muốn giữ các mục tiêu chính trị của mình. Triều Tiên nói rõ đàm phán ở Stockhokm “khiến chúng tôi nghĩ họ không hề có thiện chí chính trị cải thiện quan hệ và có thể lợi dụng quan hệ song phương cho các quyền lợi đảng phái của chính họ” ở nhà.

Trung tâm hội nghị Villa Elfvik Strand ở Stockholm (Thụy Điển), nơi diễn ra cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều ngày 4-10 (trái), và trưởng đoàn đàm phán phía Triều Tiên Kim Myong-gil (phải). Ảnh: REUTERS

Trung tâm hội nghị Villa Elfvik Strand ở Stockholm (Thụy Điển), nơi diễn ra cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều ngày 4-10 (trái) và trưởng đoàn đàm phán phía Triều Tiên Kim Myong-gil (phải). Ảnh: REUTERS

Triều Tiên tuyên bố sẽ không gặp Mỹ để tiếp tục “các cuộc đối thoại phát ốm” như cuộc đàm phán ở Stockholm thêm lần nào nữa trừ khi Mỹ có bước đi thực chất nhằm rút bỏ hoàn toàn và không đảo ngược “chính sách thù địch” với Triều Tiên. Tuyên bố của Triều Tiên không nói rõ mình bất mãn với chính sách nào của Mỹ. Tuy nhiên, trước đó Triều Tiên có cáo buộc Mỹ âm mưu xâm lược mình và cho rằng các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu đang khiến kinh tế Triều Tiên "khó thở".

“Số phận tương lai đối thoại với Mỹ tùy thuộc vào thái độ của Mỹ và cuối năm nay là thời hạn cuối” - hãng tin AP dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Triều Tiên ra thời hạn cho Mỹ thay đổi quan điểm.

Tuy nhiên, Triều Tiên cũng nói dù "quả bóng đang ở bên sân Mỹ" nhưng trong hai tuần tới Mỹ không cách nào có thể đưa ra kế hoạch thay thế cho cuộc đàm phán hạt nhân đang bị ngưng trệ.

Cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều ở Stockholm ngày 5-10 là lần đầu tiên hai bên nối lại đàm phán sau bảy tháng ngưng trệ. Theo AP, cuộc đàm phán thất bại do hai bên có quá nhiều bất đồng.

Kết thúc cuộc gặp với phía Mỹ, trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Triều Tiên Kim Myong-gil nói đàm phán thất bại “hoàn toàn vì không từ bỏ quan điểm và thái độ cũ của mình” và đến bàn thương lượng với “bàn tay trắng”.

Theo ông Kim Myong-gil, kể từ cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Singapore tháng 6-2018 đến nay, Mỹ vẫn đe dọa Triều Tiên với các lệnh trừng phạt đơn phương và các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc.

Ông Kim Myong-gil nói Triều Tiên hoãn đối thoại đến tháng 12 để Mỹ đưa ra được đề xuất hai bên có thể chấp nhận được để cứu vãn ngoại giao hạt nhân. Quan chức này còn nói rõ hai nước sẽ chỉ có thể bàn các bước giải trừ hạt nhân Triều Tiên tiếp theo nếu Mỹ “phản hồi một cách chân thành” các bước đi trước đó của Triều Tiên trong đó có việc ngưng thử hạt nhân và tên lửa cũng như đóng cửa một điểm thử hạt nhân trong lòng đất.

Mỹ: Sẽ tiếp tục gặp hai tuần tới

Triều Tiên đã ngưng thử hạt nhân, tên lửa trong suốt 20 tháng đối thoại với Mỹ. Từ giữa năm nay đầu tuần rồi, khi đàm phán ngưng trệ, Triều Tiên đã thử gần 20 tên lửa và mới nhất là vụ thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Nhiều chuyên gia cho rằng động thái này nhằm với Mỹ trong quá trình đàm phán với Triều Tiên.

Phái đoàn Triều Tiên do ông Kim Myong-gil dẫn đầu đã rời Đại sứ quán Triều Tiên ở Stockholm để sang Nga, sau đó sang Trung Quốc và về nước, theo hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap. Khi được hỏi liệu phái đoàn có quay lại Thụy Điển hay không, ông Kim đề nghị nên hỏi phía Mỹ.

Nhà báo chờ đưa tin bên ngoài Trung tâm hội nghị Villa Elfvik Strand ở Stockholm (Thụy Điển), nơi diễn ra cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều ngày 4-10 (trái). Ảnh: REUTERS

Về phía Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Morgan Ortagus nói phát ngôn của ông Kim Myong-gil “không phản ánh nội dung hay tinh thần” của cuộc “bàn bạc tốt” đã diễn ra trong hơn 8 giờ rưỡi. Bà Ortagus nói phái đoàn Mỹ đã xem xét lại một số sáng kiến để có thể thực hiện được bốn điểm quan trọng trong tuyên bố chung được thông qua sau cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước ở Singapore năm 2018.

Bà Ortagus nói Mỹ chấp nhận lời mời từ Thụy Điển sẽ sang Stockholm trong hai tuần nữa để tiếp tục đối thoại. Thụy Điển là nơi trung gian đàm phán vì Mỹ và Triều Tiên không chính thức có quan hệ ngoại giao.

Nói với đài SVT (Thụy Điển), Ngoại trưởng nước này Ann Linde ngày 5-10 nhận định cuộc đàm phán tích cực và Thụy Điển sẵn sàng tiếp tục làm trung gian nếu đàm phán diễn ra trong hai tuần hoặc thậm chí hai tháng tới.

Hãng tin Reuters dẫn ý kiến nhiều chuyên gia cho rằng Triều Tiên có thể sử dụng chiến lược đàm phán để có được sự nhượng bộ từ phía Mỹ. Theo chuyên gia Mintaro Oba - cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ chuyên về bán đảo Triều Tiên, Triều Tiên tạo hình ảnh một nước Mỹ cứng nhắc, buộc Mỹ hoặc quay lại bàn đàm phán với nhiều nhượng bộ hơn hoặc buộc ông Trump phải có một cuộc gặp thượng đỉnh nữa để duy trì ngoại giao hạt nhân.

Chuyên gia hạt nhân Vipin Narang tại Viện Công nghệ Massachusetts thậm chí còn nghi ngờ Triều Tiên đang kéo dài thời gian để tiếp tục mở rộng, cải tiến sức mạnh tên lửa và hạt nhân, rồi sau đó buộc Mỹ thương lượng trên nền tảng công nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm