Tranh cử trễ, ông Bloomberg làm gì để bắt kịp đối thủ?

Cựu thị trưởng New York, tỉ phú Michael Bloomberg ngày 24-11 thông báo ông chính thức chạy đua vào vị trí đề cử ứng viên tổng thống bên đảng Dân chủ để cạnh tranh với đương kim Tổng thống Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020.

Trong thông báo chính thức tham gia tranh cử, ông Bloomberg cáo buộc ông Trump là “một sự đe dọa hiện hữu với đất nước và giá trị của chúng ta”.

“Tôi sẽ chạy đua để đánh bại ông Trump và xây dựng lại nước Mỹ. Chúng ta không thể chịu đựng thêm bốn năm với những hành động thiếu thận trọng và vô nguyên tắc của Tổng thống Trump. Nếu ông ta thắng thêm một nhiệm kỳ nữa, chúng ta có thể chẳng bao giờ hồi phục được những tổn hại” - ông Bloomberg tuyên bố khi thông báo tư cách ứng viên của mình ngày 24-11.

Phương châm hành động: Kiểm soát súng

Ông Bloomberg năm nay 77 tuổi, là nhà sáng lập và sở hữu lớn nhất Tập đoàn Bloomberg LP, tập đoàn mẹ của Bloomberg News. Ông từng làm thị trưởng New York trong ba nhiệm kỳ và rất nổi tiếng với vai trò là một nhà từ thiện.

Tỉ phú Michael Bloomberg chính thức tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020. Ảnh: GETTY IMAGES

Tỉ phú Michael Bloomberg chính thức tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020. Ảnh: GETTY IMAGES

Trong đoạn video thông báo tham gia tranh cử, ông Bloomberg thể hiện mình là một nhà kinh doanh và một lãnh đạo chính trị thẳng thắn, người vừa tạo việc làm cho người dân thông qua tập đoàn của mình, vừa giúp tái thiết TP New York sau khi bị tấn công khủng bố ngày 11-9-2001.

Trong thông báo của mình, ông Bloomberg nói ông đã dành 10 tỉ USD cho hoạt động từ thiện và tổ chức từ thiện Bloomberg hoạt động ở 129 quốc gia.

Ông Bloomberg đề cập các thách thức lớn nhất hiện nay mà nội bộ nước Mỹ đang phải đối mặt, trong đó có kiểm soát súng và biến đổi khí hậu. Bản thân ông Bloomberg từng sáng lập một tổ chức chủ trương kiểm soát súng (Mỗi thị trấn vì sự an toàn súng ống) và một tổ chức chống biến đổi khí hậu (Ngoài tầm Carbon).

Trang web chiến dịch tranh cử của ông Bloomberg ra mắt ngày 24-11 với một video nói về tiểu sử và các hành động nhằm chấm dứt bạo lực súng ống, chống biến đổi khí hậu của ông.

Khó khăn không nhỏ vì tham gia trễ

Vài tháng trước, ông còn nói sẽ không tham gia chạy đua trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 nhưng rồi cân nhắc lại quyết định tháng trước khi nhìn thấy bên đảng Dân chủ không có ứng viên nào nổi trội có khả năng sẽ thắng được ông Trump.

Ông Bloomberg chính thức tham gia tranh cử bên hàng ngũ đảng Dân chủ khi chỉ còn chưa đầy ba tháng nữa là đến kỳ bầu cử sơ bộ hình thức họp kín bên đảng này, bắt đầu ở bang Iowa. Sự tham gia trễ sẽ có phần bất lợi cho ông vì không có nhiều thời gian xây dựng hạ tầng tranh cử và vận động sự ủng hộ ở các bang chủ chốt, như các ứng viên đã tham gia trước.

Tuy nhiên vì tham gia trễ, không có nhiều thời gian vận động nên ông Bloomberg định bỏ qua chặng đầu tiên ở bốn bang Iowa, New Hampshire, Nevada, South Carolina - con đường truyền thống để có được vị trí đề cử tổng thống bên đảng Dân chủ. Thay vào đó, ông Bloomberg sẽ tập trung giành thắng lợi ở bang California và một số bang giàu khác.

Ông Bloomberg (trái) trong một lần gặp ông Trump. Ảnh: WP

Một khó khăn nữa của ông Bloomberg là phải đối mặt với câu hỏi tại sao một tỉ phú đã và đang có sự nghiệp tốt tại phố Wall và từng là một thành viên của đảng Cộng hòa lại đứng về phía đảng Dân chủ. Chưa kể ông Bloomberg sẽ không dễ chinh phục được bộ phận cử tri trẻ, đa dạng, thường bi quan với khả năng điều hành đất nước của các tỉ phú.

Đổ tiền vào truyền thông

Là tỉ phú, ông Bloomberg nói thẳng sẽ tự lo phần tài chính tranh cử của mình. Tuần rồi, đội tranh cử của ông Bloomberg đã mua một chiến dịch quảng cáo tranh cử cho ông giá tới 34 triệu USD.

Chưa hết, ông Bloomberg có kế hoạch chi 100 triệu USD cho chiến dịch quảng cáo kỹ thuật số để đánh bại ông Trump ở các bang chiến trường như Arizona, Michigan, Pennsylvania, Wisconsin. Ông Bloomberg cũng thông báo kế hoạch chi từ 15 đến 20 triệu USD để vận động cử tri ở các bang cạnh tranh.

Ông Bloomberg từng chi hơn 100 triệu USD giúp đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018.

Tuy nhiên, không nhận tiền đóng góp tranh cử cũng có nghĩa không đủ tư cách tham gia bất kỳ cuộc tranh luận nào ở phía đảng Dân chủ, vốn yêu cầu các ứng viên phải huy động một khoản đóng góp nhất định. Vì thế, có khả năng ông Bloomberg sẽ vẫn phải huy động đóng góp.

Các ứng viên Dân chủ khác và phía ông Trump nói gì?

Ông Bloomberg sẽ phải cạnh tranh với các ứng viên khác trong đảng Dân chủ như cựu Phó Tổng thống Joe Biden, các thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, Bernie Sanders.

Ông Biden (trái) và ông Bloomberg (phải). Ảnh: MATZAV

Nếu chưa tính tới ông Bloomberg thì ứng viên được xem là sáng giá nhất bên đảng Dân chủ là ông Biden. Tuy nhiên, tình huống của ông Biden cũng không phải dễ dàng: Tuổi khá cao (77 tuổi), thường mắc lỗi khi nói và vướng một số thông tin bất lợi. Hai ứng viên Warren và Sanders cũng mang lại cảm giác không chắc chắn.

Ngay sau thông báo của ông Bloomberg, ứng viên Sanders viết trên Twitter: “Chúng tôi không cho là các tỉ phú có quyền mua cuộc bầu cử. Đó là lý do các tỉ phú như ông Michael Bloomberg sẽ không đi xa được trong cuộc bầu cử này”.

Từ hai ngày trước, ông Biden đã nói trên đài CNN về đối thủ mới của mình rằng ông hoan nghênh sự cạnh tranh.

Phía ông Trump phản ứng thế nào? Bà Kellyanne Conway, cố vấn của ông Trump, nghi ngờ viễn cảnh đi xa được của ông Bloomberg. Dù nói cuộc bầu cử sẵn sàng chào đón sự gia nhập của ông Bloomberg nhưng bà Conway cũng đặt câu hỏi liệu ông Bloomberg có đi xa được đến cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ hay không.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm