Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói chuyện hợp tác S-500, Mỹ khó để yên

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recept Tayyip Erdogan cho biết nước này có thể sẽ thảo luận với Nga về khả năng cùng hợp tác sản xuất hệ thống tên lửa đất đối không - tên lửa chống đạn đạo S-500 Prometey. Việc hợp tác này sẽ diễn ra sau khi Nga chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không di động chiến lược tầm cao S-400 Triumf cho Thổ Nhĩ Kỳ, hãng Sputnik đưa tin.

“Thỏa thuận S-400 đã hoàn tất. Theo hợp đồng, việc chuyển giao sẽ bắt đầu từ tháng 6 hoặc có thể sẽ sớm hơn. Nga đề nghị với chúng tôi những điều kiện rất tốt. Sau đó chúng tôi sẽ bàn về S-500, bao gồm khả năng cùng hợp tác sản xuất, như S-400” – Sputnik dẫn lời ông Erdogan ngày 18-5.

Thổ Nhĩ Kỳ dòm ngó S-500, Mỹ khó để yên

Trước đây Thổ Nhĩ Kỳ cũng từng thể hiện sự quan tâm đến việc cùng sản xuất S-400. Tuy nhiên hồi tháng 4 người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rõ không có cuộc thảo luận nào về việc hai nước cùng hợp tác sản xuất S-400. Dù thế ông Peskov cũng không loại trừ khả năng hai nước sẽ cùng hợp tác sản xuất một số bộ phận của S-400.

Chưa rõ Mỹ sẽ có thái độ thế nào về khả năng Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác với Nga sản xuất S-500, trong bối cảnh căng thẳng hai nước quanh chuyện nước này mua S-400 vẫn rất cao.

Căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ quanh chuyện Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 của Nga vẫn rất cao. Ảnh: SPUTNIK

Căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ quanh chuyện Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 của Nga vẫn rất cao. Ảnh: SPUTNIK

Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ký thỏa thuận mua bán S-400 từ tháng 12-2017. Thỏa thuận này bị Mỹ và các nước Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phản đối mạnh. Lý do Mỹ và NATO đưa ra là lo ngại hệ thống S-400 của Nga không tương thích với các hệ thống phòng không của NATO, gây rủi ro cho an ninh phương Tây.

Mỹ đe dọa trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì kế hoạch mua S-400 của Nga, cảnh cáo sẽ hoãn thậm chí hủy bán F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ nói chuyện mua S-400 là vấn đề chủ quyền của mình, khẳng định sẽ không từ bỏ thỏa thuận này.

Ngày 18-5 ông Erdogan cũng cho biết Mỹ đã chuyển giao năm chiếc tiêm kích tàng hình đa năng F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Erdogan tự tin Mỹ sẽ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình trong chương trình F-35 đã ký với Thổ Nhĩ Kỳ.

S-500 – hệ thống phòng không đầu tiên chống được tên lửa siêu thanh

Hồi tháng 4, trao đổi với báo Krasnaya Zvezda của quân đội Nga, Trung tướng Yuri Grekhov - Phó Tư lệnh lực lượng Hàng Không Vũ Trụ Nga cho biết tiến trình phát triển S-500 đã đến giai đoạn cuối.

S-500 là hệ thống phòng không thế hệ mới, nối tiếp các hệ thống S-400, S-300. Đến thời điểm này các chi tiết kỹ thuật của hệ thống S-500 vẫn đang bảo mật, tuy nhiên theo thông tin từ Sputnik thì S-500 có thể phá hủy các mục tiêu cách 600 km, ở độ cao trên 95 km – đồng nghĩa có khả năng bắn được các vệ tinh và các vũ khí không gian tầm thấp của kẻ thù.

S-500 có thể truy đuổi máy bay do thám, tên lửa hành trình siêu thanh, và bắn đến 10 mục tiêu đạn đạo đang di chuyển ở vận tốc 7km/giây. Như vậy S-500 là hệ thống phòng không duy nhất trên thế giới tính đến thời điểm này có khả năng chống lại các mục tiêu siêu thanh, theo Sputnik.

Hệ thống tên lửa phòng không di động chiến lược tầm cao S-400 Triumf của Nga trong một cuộc tập trận. Ảnh: SPUTNIK

Hệ thống tên lửa phòng không di động chiến lược tầm cao S-400 Triumf của Nga trong một cuộc tập trận. Ảnh: SPUTNIK

S-500 dự kiến sẽ ra mắt vào năm 2020 và sẽ là loại vũ khí chính trong mạng lưới phòng không của Nga. Tướng Grekhov cho biết các lực lượng vũ trang Nga sẽ sớm được trang bị hệ thống phòng không thế hệ mới nhất này. Hiện Nga đã bắt tay đào tạo nhóm chuyên gia điều khiển S-500 đầu tiên.

Đầu tiên, S-500 dự kiến sẽ được bổ sung vào các hệ thống phòng không di động S-400 và hệ thống chống tên lửa đạn đạo cố định A-135 đặt ở xung quanh thủ đô Moscow. Một số hệ thống S-500 cũng sẽ được triển khai ở miền Trung nước Nga.

Tướng Grekhov cũng cho biết các lực lượng vũ trang cũng sẽ sớm nhận được hệ thống phòng không S-350. Hệ thống S-350 có nhiệm vụ bảo vệ các trung tâm hành chính chính trị, các mục tiêu và các khu vực thuộc hàng quan trọng nhất, các nhóm lực lượng vũ trang khỏi các trận không kích quy mô lớn bao gồm không kích bằng tên lửa đạn đạo tầm ngắn.

“Tất cả hệ thống vũ khí tôi nhắc đến đều đặc sắc và được thiết kế thực hiện nhiều nhiệm vụ nhằm đảm bảo độ tin cậy trong phòng thủ không gian đất nước” – theo Tướng Grekhov.

Theo Tướng Grekhov, các hệ thống phòng không S-500, S-350 và các hệ thống radar mới có tính di động cao, có thể triển khai và hoạt động tại các địa điểm vốn chưa được chuẩn bị trước.

Tướng Grekhov cũng cho biết Nga đã phát triển một số lượng hệ thống radar mới phục vụ phòng thủ tên lửa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm