Tình hình dịch COVID-19 tính đến trưa 5-3

Tính đến 13 giờ 30 trưa 5-3, tờ South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ghi nhận toàn thế giới có 3.286 người tử vong vì bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới gây ra (tên chính thức là dịch COVID-19), 95.488 ca nhiễm. Như vậy, so với sáng cùng ngày, số ca tử vong tăng 37 người, số ca nhiễm tăng 736 người.

Đến nay đã có 273 ca tử vong được ghi nhận ngoài lãnh thổ Trung Quốc đại lục, đứng đầu là Ý 107 ca, tiếp đó là Iran với 92 ca, Hàn Quốc 35 ca, Nhật 12 ca (tính cả du thuyền Diamond Princess), 11 ca ở Mỹ, bốn ca ở Pháp, hai ca ở Iraq, hai ca ở Tây Ban Nha, hai ca ở đặc khu Hong Kong, một ca ở Philippines, một ca ở Thái Lan, hai ca ở Úc, một ca ở San Marino.

Nhân viên y tế khử trùng đường phố thủ đô Seoul (Hàn Quốc) ngày 4-3. Ảnh: AFP

Các cơ quan y tế Trung Quốc cũng cho biết có 53.689 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19, tăng 2.991 người so với sáng cùng ngày. 

Dịch diễn biến nghiêm trọng ở Ý

Cơ quan Bảo vệ dân sự của Ý đến trưa 5-3 xác nhận số ca COVID-19 tử vong ở nước này đã lên tới 107 người, tăng thêm 28 ca chỉ trong 24 giờ. Với số liệu này, Ý đã trở thành quốc gia có số trường hợp tử vong cao thứ hai thế giới sau Trung Quốc đại lục. 

Trước tình trạng dịch bệnh lây lan, Bộ trưởng Y tế Ý Lucia Azzolina thông báo tất cả trường học phổ thông và trường đại học khắp nước này sẽ đóng cửa từ ngày 5-3 đến ít nhất ngày 15-3.

Động thái đóng cửa trường học của quốc gia châu Âu này cũng được đánh giá là biện pháp ngăn chặn dịch COVID-19 mạnh nhất hiện nay, thậm chí so với Nhật (chỉ đóng cửa các trường dưới bậc đại học).

Hiện Bắc Ý là khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất. Nhiều TP và thị trấn tại đây đang bị phong tỏa, cấm người dân ra vào các vùng bị ảnh hưởng, đình chỉ các sự kiện cộng đồng và đóng cửa các điểm tham quan du lịch như viện bảo tàng, thắng cảnh công cộng. Giới chức ước tính khoảng 100.000 người đang chịu ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa này.

Chính phủ Ý cùng ngày cũng ban hành nhiều nghị định nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch, như ra lệnh tạm dừng các sự kiện đông người và kêu gọi mọi người tôn trọng giữ khoảng cách an toàn ít nhất 1 m, không nên bắt tay hay ôm nhau.

California tuyên bố tình trạng khẩn cấp, Mỹ thông qua gói hỗ trợ khẩn

Đài BBC ngày 5-3 đưa tin California đã có ca tử vong đầu tiên vì COVID-19, nâng tổng số người thiệt mạng vì dịch ở Mỹ lên 11 tính đến trưa cùng ngày. Nạn nhân là một bệnh nhân 71 tuổi ở một bệnh viện ở TP Sacramento và đã có bệnh lý nền từ trước.

Sau khi thông tin trên được công bố, Thống đốc California Gavin Newsom đã công bố tình trạng khẩn cấp. Theo BBC, động thái của ông Newsom nhằm cho phép bang California sử dụng thêm nhiều nguồn lực để chuẩn bị ngăn chặn virus lây lan rộng hơn.

Ông Newson khẳng định “tiền không phải là vấn đề” khi thông báo quyết định trên, mà mục đích chính là nhằm đưa bang California sẵn sàng hơn trong việc ứng phó với bệnh dịch.

Thống đốc Newsom cho biết việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp sẽ nới lỏng môi trường pháp lý tại bang, cho phép chính quyền bang sử dụng nhiều quyền hơn cho mục đich chống dịch. Việc chia sẻ thông tin và dữ liệu để quá trình ngăn dịch cũng được tiến hành hiệu quả hơn.

Theo ông Newsom, hiện bang California đang theo dõi 9.400 người liên quan tới dịch COVID-19, tăng 1.000 so với con số ở lần thông báo gần nhất.

Cũng trong ngày 5-3, Hạ viện Mỹ đã thông qua một gói ngân sách hỗ trợ chống dịch COVID-19 ở Mỹ trị giá 8,3 tỉ USD. 

Theo đài CNN, gói ngân sách này được thông qua với 415 phiếu thuận và hai phiếu chống. Văn bản đã được gửi tới Thượng viện, và các lãnh đạo cơ quan này dự kiến sẽ thông qua chậm nhất vào cuối tuần.

Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell nhấn mạnh mục tiêu của Thượng viện là thông qua văn kiện phân bổ ngân sách khẩn cấp nói trên trong tuần này. "Mục tiêu của chúng tôi là thông qua gói ngân sách trong tuần này nếu chúng tôi nhận được sự hợp tác" - ông McConnell nêu rõ. 

Gói ngân sách trên cao hơn ba lần so với đề nghị ban đầu của Nhà Trắng là 2,5 tỉ USD. Hiện Nhà Trắng chưa có bình luận chính thức nào. 

Ông Putin: Tin giả về COVID-19 được tung vào Nga để gây hỗn loạn 

Theo đài TASS (Nga) ngày 5-3, Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây đã khẳng định tin giả liên quan đến đợt bùng phát COVID-19 đã được tung vào Nga một cách có chủ đích để lan truyền sự hoảng loạn. Do đó, ông Putin kêu gọi chính quyền phải đảm bảo công dân Nga được nhận những thông báo chính xác về tình hình dịch bệnh trong nước.

Một ngày trước đó, Moscow đã ban lệnh cấm xuất khẩu khẩu trang, đồ bảo hộ và thiết bị hô hấp nhằm đảm bảo đầy đủ trang thiết bị phục vụ công dân và người bệnh ở Nga. Lệnh cấm này được áp dụng đối với 17 loại trang thiết bị y tế khác nhau, với mục đích "bảo vệ lợi ích của công dân Nga". 

Nước này hiện cũng ban hành lệnh cấm một phần đối với du khách Trung Quốc, công dân Iran và những người từng du lịch đến Hàn Quốc. Dù vậy, hãng hàng không Aeroflot vẫn vận hành các chuyến bay đến và đi đối với Trung Quốc.

Tính đến trưa 5-3, Nga ghi nhận sáu ca lây nhiễm COVID-19, không có trường hợp tử vong. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm