Tình hình dịch COVID-19 tính đến trưa 3-3

Tính đến 13 giờ 30 trưa 3-3, tờ South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ghi nhận toàn thế giới có 3.119 người tử vong vì bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới (tên chính thức là COVID-19) gây ra, 90.933 ca nhiễm. Như vậy, so với sáng cùng ngày, số ca lây nhiễm tăng 751 người, số ca tử vong tăng 90 người.

Đến nay, đã có 175 ca tử vong được ghi nhận ngoài lãnh thổ Trung Quốc đại lục, gồm 66 ca ở Iran, 28 ca ở Hàn Quốc, 13 ca ở Nhật Bản (tính cả du thuyền Diamond Princess neo ở cảng Yokohama), hai ca ở đặc khu Hong Kong, 52 ca ở Ý, một ca ở Đài Loan, ba ca ở Pháp, một ca ở Philippines, sáu ca ở Mỹ, một ca ở Thái Lan, một ca ở Úc và một ca ở San Marino. 

Các cơ quan y tế Trung Quốc cũng cho biết có 42.626 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính với COVID-19, tăng 3.207 người so với sáng cùng ngày.

Một nhóm chuyên gia y tế trong phòng thí nghiệm của ĐH Seoul (Hàn Quốc) ngày 1-3. Ảnh: AFP 

Mỹ: sẽ cung cấp thuốc đặc trị COVID-19 vào mùa hè hoặc mùa thu 2020

Phát biểu trong họp báo ngày 2-3 (giờ địa phương), Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố: "Vaccine có thể không xuất hiện cho tới cuối năm nay hoặc đầu năm sau nhưng thuốc đặc trị cho những người nhiễm COVID-19 có thể xuất hiện vào mùa hè hoặc mùa thu", theo đài CNN.

Được biết loại thuốc dự kiến tung ra hàng loạt là thuốc remdesivir chống virus được Hãng dược phẩm Gilead phát triển. Loại thuốc này đang được dùng điều trị một bệnh nhân Mỹ nhiễm COVID-19 và dự kiến sẽ trải qua hai giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng tại châu Á.

Đến trưa 3-3, Mỹ xác nhận 103 ca lây nhiễm COVID-19 với sáu trường hợp tử vong. Ít nhất bốn trong số sáu bệnh nhân tử vong là người cao tuổi hoặc có tiểu sử bệnh nền hoặc cả hai. 

Thống đốc bang Washington Jay Inslee đã khuyến nghị người dân nên ở nhà khi không có việc cần thiết để tránh lây lan dịch bệnh.

Ông Inslee cho biết ông có quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp và yêu cầu hủy bỏ tất cả sự kiện có quy mô lớn nhưng ông nghĩ rằng hiện tại chưa cần thiết phải sử dụng tới biện pháp này.

Thống đốc Inslee nói ông cũng có quyền nhờ tới sự giúp đỡ của quân đội nếu cần thêm các nhân sự y tế và an ninh. Ông cho biết ông đã bàn luận vấn đề này trong cuộc điện thoại với Phó Tổng thống Mike Pence, người chịu trách nhiệm chính trong lực lượng phòng, chống dịch COVID-19. 

Tình hình COVID-19 ở Hàn Quốc tiếp tục diễn biến phức tạp 

Tính đến trưa 2-3, Hàn Quốc ghi nhận 4.812 ca lây nhiễm COVID-19 với 28 trường hợp tử vong. 

Theo hãng tin Yonhap, Ủy ban đối sách phòng dịch Trung ương Hàn Quốc cho biết có 2.418 bệnh nhân nước này liên quan tới nhà thờ của giáo phái Tân Thiên Địa (Shincheonji) ở thành phố Daegu, chiếm khoảng 57,4% tổng số ca nhiễm khi đó là 4.212 người.

Những bệnh nhân tử vong ngày 2-3 vừa qua đều ở độ tuổi từ 60 đến 80 hoặc những người mắc bệnh từ trước. Ngoài ra có bốn trường hợp bị tử vong trong quá trình điều trị tại các bệnh viện ở Daegu hoặc xung quanh tỉnh Bắc Gyeongsang.

Ngoài ra, có 119 bệnh nhân liên quan đến bệnh viện Daenam ở huyện Cheongdo, tỉnh Bắc Gyeongsang, chiếm 2,8% và 33 bệnh nhân nhiễm virus từ nước ngoài, chiếm 0,8%. Xét theo độ tuổi, có 29% bệnh nhân ngoài 20 tuổi, 20% ngoài 50 tuổi và 15% ngoài 40 tuổi.

Hiện có 19 bệnh nhân đang ở trong tình trạng nguy kịch phải thở máy, 15 người tình trạng khá nặng, phải dùng mặt nạ oxy hoặc sốt trên 38,5 độ C.

Chính phủ Hàn Quốc mới đây quyết định tiếp tục lùi thời gian khai giảng năm học mới (2020-2021) đến ngày 23-3 tới đối với tất cả cấp học trên toàn quốc để huy động “sức mạnh toàn diện” đối phó với sự lây lan chóng mặt của dịch COVID-19, trong đó có việc triển khai áp dụng biện pháp xét nghiệm nhanh.

Bên cạnh hai ổ dịch Daegu và Bắc Gyeongsang, các trường hợp nhiễm COVID-19 lây lan trong cộng đồng không rõ nguồn gốc đang dần gia tăng. Các trường hợp được xác nhận của Seoul đã tăng lên 91, với hàng chục trường hợp được cho là có liên quan đến Bệnh viện của Nhà thờ Eunpyeong St. Mary ở quận Eunpyeong.

Trung Quốc dự kiến sẽ kiểm soát được COVID-19 vào tháng 4

Theo hãng tin Sputnik ngày 3-3, Chủ tịch của ĐH Y học Cổ truyền Thiên Tân Zhang Boli khẳng định người dân có thể đi lại trên đường phố mà không cần đeo khẩu trang vào khoảng cuối tháng 4-2020. 

Trong khi đó, ông Zhong Nanshan, chuyên gia về bệnh hô hấp hàng đầu của Trung Quốc, cũng là người phát hiện ra dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) năm 2003, cho biết nhiều khả năng nước này sẽ có được quyền "kiểm soát cơ bản" dịch COVID-19 vào cuối tháng 4. Theo ông, đỉnh dịch đã đến vào giữa cuối tháng 2-2020, thời gian tới là lúc chính quyền Trung Quốc giành quyền kiểm soát dịch bệnh.

Dù vậy, cơ quan chức năng Trung Quốc cùng ngày vẫn yêu cầu người Trung Quốc ở nước ngoài cân nhắc hoặc giảm thiểu các kế hoạch đi lại để ngăn lây lan COVID-19. Song song đó, một số nơi ở Trung Quốc tăng cường kiểm soát dịch. 

Chẳng hạn những người đi từ các nước chịu ảnh hưởng nặng do COVID-19 phải trải qua cách ly 14 ngày khi tới Quảng Đông. Còn TP Đan Đông thuộc tỉnh Liêu Ninh thông báo sẽ xét nghiệm tất cả du khách đến thành phố này từ ngày 12-2. 

Tại tỉnh Chiết Giang, chính quyền đã ghi nhận bảy ca COVID-19 gần đây sau khi đi Ý về. Chính quyền địa phương nói rằng việc di chuyển qua lại giữa nhiều nơi là cách dễ nhất dẫn tới lây lan, do đó ở tại chỗ là "hình thức bảo vệ tốt nhất".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm