Tình hình đại dịch COVID-19 tính đến trưa 19-3

Tính đến 13 giờ 30 trưa 19-3, tờ South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ghi nhận toàn thế giới có 8.845 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), 210.926 ca nhiễm.

Như vậy, so với sáng cùng ngày, số ca tử vong tăng 81 người, số ca nhiễm tăng 4.700 người. Hiện đại dịch đã lan ra 176 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Các cơ quan y tế Trung Quốc cũng cho biết có 84.215 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính, tăng 1.353 người so với sáng cùng ngày.

Nhân viên y tế làm việc trong một khu cách ly ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh chụp ngày 4-3). Ảnh: REUTERS

Hàn Quốc bất ngờ bùng phát ổ dịch mới

Hãng tin Yonhap ngày 19-3 dẫn nguồn Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) ghi nhận nước này ghi nhận thêm 152 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số người dương tính với COVID-19 của Hàn Quốc lên 8.565 trường hợp.

Đây là ngày thứ tư liên tiếp, quốc gia Đông Á nói trên có số ca nhiễm mới một ngày dưới 100 người.  

Dù vậy, một ổ dịch mới ở Hàn Quốc vừa được phát hiện ở một viện dưỡng lão thuộc tâm dịch Daegu. KCDC thống kê ít nhất 74 ca nhiễm COVID-19 mới ở đây trong tuần qua.

Tuy nhiên, cơ quan này không nêu rõ có bao nhiêu ca ở viện dưỡng lão này nằm trong số 152 ca vừa ghi nhận. 

Sau khi phát hiện ổ dịch mới, chính quyền Daegu đã nhanh chóng tiến hành kiểm tra và xét nghiệm toàn diện các nhà dưỡng lão khác trên địa bàn thành phố. Khoảng 30.000 người cao tuổi sống trong các cơ sở này. 

Về số ca tử vong, Hàn Quốc đến trưa 19-3 có 84 nạn nhân. Hầu hết người qua đời là người lớn tuổi với nhiều bệnh lý nền.

Theo thống kê của KCDC, 71,43% ca tử vong là người trên 70 tuổi, 18,68% là người 60-70 tuổi. Chưa có người nào dưới 29 tuổi thiệt mạng ở Hàn Quốc do COVID-19. Tỉ lệ tử vong của Trung Quốc hiện vào khoảng 1,06%, tuy nhiên tỉ lệ này ở nhóm trên 80 tuổi lại vọt lên đến 9,66%.

Trung Quốc lần đầu tuyên bố không còn ca nhiễm trong nội địa

Tờ China Daily dẫn thông báo ngày 19-3 của cơ quan y tế Trung Quốc cho hay Trung Quốc trong 24 giờ qua ghi nhận 34 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, tuy nhiên không còn ca nhiễm mới nội bộ nào.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi dịch bệnh bùng phát từ cuối năm ngoái, Trung Quốc không ghi nhận ca lây nhiễm COVID-19 ở trong nước.

Cụ thể, toàn bộ 34 ca nhiễm mới đều là người từ nước ngoài nhập cảnh vào Trung Quốc, còn gọi là ca bệnh “ngoại nhập”. Trong số này, 21 ca được ghi nhận ở Bắc Kinh, 9 ở Quảng Đông, 2 ở Thượng Hải, 1 ở Hắc Long Giang và 1 ở Chiết Giang. Đến nay, tổng số nhiễm dạng này ở đại lục là 189 trường hợp. 

Theo tờ The New York Times, đây là cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống dịch của Trung Quốc suốt nhiều tháng qua.

Hiện khó khăn lớn nhất của giới chức Bắc Kinh là phải vực dậy nền kinh tế bị dịch bệnh tác động trong khi phải tiếp tục kiểm soát các ca nhiễm bệnh từ nước ngoài đi vào quốc gia này.

Dù vậy, các chuyên gia cảnh báo đại lục vẫn chưa hoàn toàn an toàn với các ca lây nhiễm nội bộ và cần duy trì liên tục 14 ngày không có thêm ca lây nhiễm trong nước thì mới có thể được xem là đã kiểm soát được bệnh dịch lây lan.

“Rõ ràng là các biện pháp mà Trung Quốc triển khai trong thời gian qua đã chặn lại được đợt lây nhiễm đầu tiên. Câu hỏi là điều gì sẽ xảy ra tiếp theo nếu có một đợt lây nhiễm khác, vì giải pháp của Bắc Kinh dường như không có tính bền vững trong thời gian dài” - chuyên gia Ben Cowling thuộc ĐH Hong Kong nhận định.

Tính đến trưa, Trung Quốc ghi nhận 3.245 ca tử vong do COVID-19 và 80.928 trường hợp dương tính với virus gây dịch COVID-19. 

WHO: Châu Phi phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất

Đài ABC ngày 19-3 dẫn tuyên bố Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus khuyến nghị châu Phi nên “chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất” và “chuẩn bị ngay từ hôm nay”. 

Theo đó, ông Ghebreyesus cho biết tính đến ngày 18-3, khu vực phía nam Sahara ghi nhận 233 ca nhiễm COVID-19, trong đó có bốn người tử vong. Đây hiện là khu vực ít bị ảnh hưởng nhất trong đại dịch toàn cầu.

Tuy nhiên, tổng giám đốc WHO vẫn khuyến nghị châu Phi nên “tỉnh táo” vì con số chính thức có thể không phản ánh đầy đủ toàn diện tình hình dịch. Có thể còn có các trường hợp chưa được phát hiện, hoặc các trường hợp không được báo cáo.

Cũng theo ông Ghebreyesus, ngay cả khi số người mắc COVID-19 ở nam Sahara hiện là 233 trường hợp, nhưng con số này có thể sẽ tăng lên nhanh chóng ở thời điểm bùng phát như kinh nghiệm đã từng thấy ở các nơi khác. Vì thế, lời khuyên tốt nhất cho châu Phi là cần chuẩn bị ngay từ bây giờ.

Các chuyên gia y tế trên thế giới đã nhiều lần cảnh báo về mức độ rủi ro cực lớn với châu lục này nếu đại dịch COVID-19 lan tới đây, bởi châu Phi vẫn đang có một hạ tầng y tế yếu kém. Bên cạnh đó là tình trạng nghèo đói, xung đột, môi trường vệ sinh kém và mức độ tập trung dân số cao tại các vùng đô thị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm