Tình hình đại dịch COVID-19 tính đến trưa 18-3

Báo South China Morning Post (SCMP) dẫn số liệu từ Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết tính đến 13 giờ 50 ngày 18-3, tổng số ca tử vong trên toàn cầu vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (đại dịch COVID-19) là 7.865 (tăng 75 ca so với sáng cùng ngày). Tổng số ca nhiễm là 193.174. Có 81.743 ca chữa khỏi.

Trung Quốc có 80.894 ca nhiễm, trong đó có 3.237 ca tử vong.

Số liệu COVID-19 báo SCMP lấy từ nguồn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc.

Số ca tử vong ngoài Trung Quốc đại lục tính đến lúc này là 4.628. Trong đó, Ý cao nhất với 2.503 ca, Iran 988 ca, Tây Ban Nha 491 ca, Pháp 175 ca, Mỹ 103 ca.

Hàn Quốc 84 ca, Anh 60 ca, Nhật 36 ca, Hà Lan 24 ca, Thụy Sĩ 19 ca, Philippines 14 ca, Đức 12 ca, San Marino 11 ca.

Bỉ và Iraq cùng 10 ca.

Các nước và vùng lãnh thổ có số ca tử vong một con số là Indonesia (7); Canada (8); Hy Lạp - Úc (5), Đan Mạch - Ai Cập - đặc khu Hong Kong - Algeria (4); Na Uy - Thụy Điển - Áo - Lebanon - Ba Lan - Ấn Độ (3); Ireland - Bulgaria - Argentina - Ecuador - Morocco - Malaysia (2).

Brazil, Slovenia, Bahrain, Pakistan, Thái Lan, Luxembourg, lãnh thổ Đài Loan, Panama, Albania, CH Dominican, Hungary, Ukraine, Guyana, Sudan, Guatemala, Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ cùng có 1 ca tử vong.

Riêng tại Việt Nam có 68 ca nhiễm COVID-19, trong đó 16 ca đã chữa khỏi hoàn toàn.

Tất cả 50 bang của Mỹ xuất hiện COVID-19

Tây Virginia tối 17-3 (giờ địa phương) ghi nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, trở thành bang thứ 50 của Mỹ xuất hiện dịch bệnh này. Thống đốc bang Tây Virginia - ông Jim Justice cho hay ca nhiễm này được phát hiện ở Eastern Panhandle - một khu vực gần thủ đô Washington, DC. Ông Justice không tiết lộ nơi xảy ra bệnh.

Các thành viên của đơn vị phản ứng đặc biệt thuộc cảnh vệ Tây Virginia cung cấp hướng dẫn cho đội ngũ y, bác sĩ tại BV Cabell Huntington, Tây Virginia. Ảnh: REUTERS

Phát biểu trên truyền hình, ông Justice cũng ra lệnh đóng cửa các quán bar, nhà hàng, sòng bạc, ngoại trừ những dịch vụ thực phẩm.

Số người tử vong ở Mỹ đã vượt mốc 100 vào ngày 17-3, cụ thể là 103 ca.

Bang Washington ngày 17-3 báo cáo thêm 6 ca tử vong mới và là bang có số người chết cao nhất vì COVID-19 tại Mỹ với 54 ca. 30 ca trong số này liên quan tới một viện dưỡng lão ở ngoại ô Seattle.

Bang New York ngày 17-3 lần đầu tiên ghi nhận số ca nhiễm mới nhiều hơn bang Washington. New York hiện có 1.300 ca nhiễm, trong khi bang Washington hơn 1.000 ca.

BS Anthony Fauci, Giám đốc Viện Quốc gia về dị ứng và bệnh truyền nhiễm Mỹ, cho hay chìa khóa ngăn chặn COVID-19 là thuyết phục những người trẻ - những người theo các nhà nghiên cứu là ít có khả năng biểu hiện triệu chứng của COVID-19 nhưng có khả năng lây virus cho những người dễ bị tổn thương hơn - tránh những nơi đông người như quán bar, nhà hàng.

Ông Trump đề xuất gửi 1.000 USD cho mỗi người Mỹ

Theo Reuters, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang theo đuổi thông qua gói kích cầu kinh tế trị giá 1.000 tỉ USD, trong đó bao gồm khoản chi 1.000 USD cho mỗi người dân Mỹ nhằm hỗ trợ họ vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19. Trong buổi họp báo tại Nhà Trắng hôm 17-3, ông Trump cho biết kế hoạch có thể diễn ra trong vòng hai tuần tới và các chi tiết đang được hoàn thiện.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết những người có thu nhập cao sẽ không được nhận hỗ trợ. Gói cứu trợ 1.000 tỉ USD sẽ bao gồm 50 tỉ USD cho các hãng hàng không chịu ảnh hưởng của đại dịch, cùng 250 tỉ USD hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ.

Hàn Quốc: Thứ trưởng Y tế tự cách ly, lây nhiễm theo cụm tiếp tục

Thứ trưởng Y tế Hàn Quốc Kim Ganglip đã tự cách ly sau khi tham dự một cuộc họp chính phủ hồi tuần trước, trong đó có một người hôm nay được xác nhận nhiễm COVID-19.

Người bị nhiễm bệnh nói trên là giám đốc BV Bundang Jesaeng ở TP Seongnam, tỉnh Gyeonggi. Tỉnh này có các cụm lây nhiễm tại một nhà thờ và một bệnh viện.

Nhân viên sân bay theo dõi màn hình một máy quét nhiệt để kiểm tra thân nhiệt những hành khách đang đến tại sân bay quốc tế Bandaranaike ở Sri Lanka. Ảnh: CNN

Các quan chức chính phủ và những người tham gia cuộc họp hôm 13-3 cũng đã tự cách ly.

Thông tin trên đến khi việc lây nhiễm theo cụm tiếp tục diễn ra tại nước này.

Hàn Quốc ngày 18-3 ghi nhận thêm 93 ca nhiễm và 84 ca tử vong, vẫn tiếp tục đà giảm tỉ lệ nhiễm. Tuy vậy, dịch COVID-19 bùng phát tại nước này vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt với các cụm lây nhiễm mới được xác định trong tuần này.

Một cụm lây nhiễm mới vẫn là ở phía nam TP Daegu - tâm điểm của dịch COVID-19 tại Hàn Quốc. Tại một bệnh viện ở Daegu, 74 ca nhiễm mới đã được xác nhận.

Bác sĩ Trung Quốc kêu gọi bảo vệ nhân viên y tế ở phương Tây

Các bác sĩ Trung Quốc đã kêu gọi bảo vệ nhân viên y tế khi tâm điểm dịch COVID-19 đã chuyển từ Trung Quốc sang châu Âu và Mỹ.

“Các đồng nghiệp châu Âu của chúng tôi đang nhiễm bệnh do công việc hằng ngày của họ và cường độ công việc khá giống với tình hình trước đó ở Vũ Hán. Chúng ta cần bảo vệ đội ngũ y tế” - ông Wu Dong, giáo sư dự bị tại BV ĐH Y Liên minh Bắc Kinh, nói với các nhà báo tại Bắc Kinh hôm 17-3.

Dịch COVID-19 đang lây lan nhanh chóng tại Iran. Ảnh: AP

Số ca nhiễm COVID-19 bên ngoài Trung Quốc đã vượt số ca nhiễm tại Trung Quốc đại lục. Ý và Mỹ nằm trong những quốc gia ảnh hưởng nặng nhất.

Chỉ tuần trước, hai nữ bác sĩ khoa cấp cứu ở Washington và New Jersey đã nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Theo một quan chức cấp cao của chính phủ Trung Quốc, hơn 3.000 trong số gần 40.000 nhân viên y tế được huy động chống dịch COVID-19 đã nhiễm bệnh. Người này cho hay 40% nhân viên y tế đã đổ bệnh trong khi điều trị cho bệnh nhân tại các bệnh viện và số còn lại bị nhiễm trong cộng đồng của họ.

Phong tỏa hai tháng ở Trung Quốc cứu được 50.000-70.000 người?

Đài CNN dẫn lời trợ lý GS Marshall Burke tại ĐH Stanford (Mỹ) cho rằng việc Trung Quốc thực thi các biện pháp quyết liệt trong thời gian bùng phát đại dịch COVID-19 tại nước này đã làm giảm đáng kể tình trạng ô nhiễm không khí và có khả năng cứu sống hàng chục ngàn người.

Hai người dân đi bộ qua Công viên Jiangtan vắng vẻ hôm 2-1 ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: GETTY

Cụ thể, theo chuyên gia Burke, chất lượng không khí tốt hơn từ việc phong tỏa ở Trung Quốc có thể đã cứu được 50.000-75.000 người có nguy cơ chết sớm.

Ông Burke tính toán rằng hai tháng phong tỏa ở Trung Quốc khiến không khí sạch hơn và đã cứu được 1.400-4.000 trẻ em dưới năm tuổi và 51.700-73.000 người già trên 70 tuổi tại Trung Quốc.

“Như vậy có phải đại dịch tốt cho sức khỏe không? Không. Thay vào đó, điều đó có nghĩa là cách các nền kinh tế chúng ta vận hành khi không xuất hiện đại dịch đã tiềm ẩn tác hại rất lớn đến sức khỏe và chỉ khi có đại dịch thì mới giúp chúng ta nhận ra điều đó” - chuyên gia Burke nhận định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm