Tình hình đại dịch COVID-19 tính đến tối 24-4

Tính đến 19 giờ 20 ngày 24-4 (giờ Việt Nam), trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận toàn thế giới đã có 192.022 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), trong tổng số2.748.126 ca nhiễm.

Như vậy, so với sáng cùng ngày, số ca tử vong tăng 1.627 ca, số ca nhiễm tăng 33.184 ca.

Một buổi cầu nguyện buổi tối đánh dấu đêm đầu tiên của tháng ăn chay Ramadan của đạo Hồi ở Indonesia hôm 23-4. Ảnh: AP

Ngoài ra, thế giới ghi nhận 757.634 bệnh nhân COVID-19 được chữa khỏi.

10 quốc gia có số người tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới gồm: Mỹ (50.243), Ý (25.549), Tây Ban Nha (22.524), Pháp (21.856), Anh (18.738), Bỉ (6.679), Đức (5.575), Iran (5.574),Trung Quốc (4.632), Hà Lan (4.289).

10 quốc gia có số người nhiễm COVID-19 cao nhất thế giới: Mỹ (886.709), Tây Ban Nha (219.764), Ý (189.973), Pháp (158.183), Đức (153.393), Anh (138.078), Thổ Nhĩ Kỳ (101.790), Iran (88.194), Trung Quốc (82.804), Nga (68.622).

Châu Á: Singapore vượt Hàn Quốc về số ca nhiễm

Singapore ngày 24-4 thông báo thêm 897 ca nhiễm COVID-19 mới, giảm nhẹ so với con số hơn 1.000 ca nhiễm mỗi ngày trong bốn ngày qua.

Con số trên đưa tổng ca nhiễm COVID-19 tại đảo quốc sư tử lên 12.075. Singapore cũng là nước có số ca nhiễm cao nhất Đông Nam Á và bỏ qua cả Hàn Quốc - nước từng có dịch bùng phát mạnh. Hàn Quốc hiện có 10.708 ca nhiễm và những ngày gần đây ghi nhận chưa tới 20 ca nhiễm mỗi ngày.

Những khu ký túc xá dành cho người lao động nước ngoài trở thành mặt trận mới trong cuộc chiến chống COVID-19 ở Singapore. Ảnh: CNA

Tại châu Á, Singapore giờ chỉ xếp sau Iran (88.914 ca), Trung Quốc (82.804 ca), Ấn Độ (23.502 ca) và Nhật (12.368 ca) về số ca nhiễm.

Dữ liệu sơ bộ từ Bộ Y tế Singapore cho thấy phần lớn ca nhiễm mới là người lao động nước ngoài sống trong các ký túc xá.

Số người tử vong do COVID-19 tại Singapore hiện dừng ở con số 12.

Nhà chức trách dự báo số ca nhiễm sẽ tăng lên khi họ tích cực xét nghiệm hàng trăm ngàn người lao động có mức thu nhập thấp sống trong các điều kiện chật chội. Những người này đã trở thành thách thức mới nhất của Singapore trong cuộc chiến chống COVID-19 khi chiếm tới 81% tổng ca nhiễm của nước này.

Singapore gần đây đã kéo dài lệnh phong tỏa một phần tới ngày 1-6.

Nga sẽ có vaccine trị COVID-19 vào cuối năm 2020

Ông Vladimir Chulanov, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu y khoa quốc gia về bệnh phổi thuộc Bộ Y tế Nga, cho hay nước này sẽ có vaccine ngừa COVID-19 vào cuối năm 2020. Theo ông, các cuộc thử nghiệm vaccine trên tình nguyện viên có thể hoàn tất vào mùa thu này, theo hãng tin Sputnik.

“Tôi chắc chắn rằng điều này (có vaccine vào cuối năm nay - PV) sẽ diễn ra. Cả nước ngoài và một số viện nghiên cứu hàng đầu của Nga với kinh nghiệm dày dạn đang tích cực tham gia phát triển (vaccine). Tôi gần như chắc rằng vào mùa thu này chúng tôi nhất định sẽ có hơn một nguyên mẫu vaccine tiềm năng, vốn sẽ vượt qua các cuộc kiểm tra lớn trong phòng thí nghiệm và thậm chí là các cuộc thử nghiệm trên các tình nguyện viên” - ông Chulanov nói.

Tổng thống Trump nêu giả thuyết tiêm “chất khử trùng” để chữa COVID-19

Theo báo Financial Times, Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa đề xuất các nhà khoa học y khoa nghiên cứu ý tưởng tiêm chất khử trùng vào người bệnh nhân COVID-19 để tẩy sạch virus trong phổi họ và giúp họ khỏi bệnh.

“Tôi thấy chất khử trùng tiêu diệt virus trong một phút, một phút thôi. Và có cách nào để chúng ta làm điều tương tự bằng cách tiêm vào bên trong cơ thể để tẩy sạch chúng không? Bởi vì như các bạn biết virus xuất hiện ở phổi và lây lan số lượng lớn trên phổi. Sẽ rất thú vị khi thử tới khả năng đó. Sẽ phải nhờ sự trợ giúp của các bác sĩ y khoa nhưng tôi thấy nó rất thú vị" - ông Trump nêu ý tưởng trong cuộc họp báo về ứng phó COVID-19 hôm 23-4 tại Nhà Trắng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại buổi họp báo về ứng phó COVID-19 tại Nhà Trắng hôm 23-4. Ảnh: GETTY

Ông Trump đưa ra ý tưởng trên sau khi ông Bill Bryan - người dẫn đầu bộ phận khoa học và công nghệ tại Bộ An ninh nội địa Mỹ trình bày công trình nghiên cứu do nhóm ông thực hiện. Kết quả nghiên cứu cho thấy virus SARS-CoV-2 dường như suy yếu nhanh khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và nhiệt độ cao.

Nghiên cứu cũng cho thấy chất khử trùng có thể giết chết virus trong nước bọt hoặc chất lỏng trong phổi trong vòng 5 phút và cồn isopropyl thậm chí có thể tiêu diệt virus nhanh hơn, theo đài BBC.

Các bác sĩ đã rất nhanh phản ứng với đề xuất của ông Trump.

BS Vin Gupta, một chuyên gia về phổi nói với kênh NBC News, rằng: "Đề xuất ý tưởng tiêm hoặc cho bệnh nhân bất kỳ loại sản phẩm tẩy rửa nào cũng là vô trách nhiệm và nguy hiểm. Đây là phương pháp mà người ta thường dùng khi họ muốn tự sát”.

GS Linda Bauld về y tế công cộng tại ĐH Edinburgh (Anh) nói rằng có thể có hệ quả khá nghiêm trọng từ những gì ông Trump nói. Theo GS Bauld, chất khử trùng chỉ để giết chết virus bên ngoài cơ thể.

Theo đài BBC, chất khử trùng là những chất độc hại và có thể gây hại nếu nuốt phải. Ngay cả chất khử trùng tiếp xúc ngoài da cũng có thể gây hại cho da, mắt và hệ hô hấp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm