Tình hình đại dịch COVID-19 tính đến tối 21-4

Tính đến 18 giờ 20 ngày 21-4 (giờ Việt Nam), trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận toàn thế giới có 171.335 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19). Toàn thế giới ghi nhận 2.499.011 ca nhiễm.

Như vậy, so với sáng cùng ngày, số ca tử vong tăng 1.111 ca, số ca nhiễm tăng 21.314 ca.

Lực lượng cảnh sát tuần hành qua khu phố Kandivali ở TP Mumbai, Ấn Độ trong thời gian phong tỏa toàn quốc. Ảnh: GETTY

Ngoài ra, thế giới ghi nhận 657.947 bệnh nhân COVID-19 được chữa khỏi.

10 quốc gia có số người tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới gồm: Mỹ (42.518), Ý (24.114), Tây Ban Nha (21.282), Pháp (20.265), Anh (16.509), Bỉ (5.998), Iran (5.297), Đức (4.862), Trung Quốc (4.632), Hà Lan (3.751).

10 quốc gia có số người nhiễm COVID-19 cao nhất thế giới: Mỹ (792.938), Tây Ban Nha (204.178), Ý (181.228), Pháp (155.383), Đức (147.065), Anh (124.743), Thổ Nhĩ Kỳ (90.980), Iran (84.802), Trung Quốc (82.758), Nga (52.763).

Ca nhiễm giảm dần tại Tây Ban Nha

Tây Ban Nha ngày 21-4 thông báo có thêm 3.968 ca nhiễm COVID-19 và 430 ca tử vong trong 24 giờ qua. Ngoài ra, ít nhất 82.514 bệnh nhân đã hồi phục tại nước này.

Với các con số trên, Tây Ban Nha hiện có 204.178 ca bệnh và 21.282 ca tử vong.

Tây Ban Nha đặt trong tình trạng phong tỏa kể từ ngày 14-3. Tuy nhiên, tại một số khu vực, bao gồm thủ đô Madrid, nhà chức trách Tây Ban Nha đã nới lỏng một số hạn chế. Giới chức khẳng định việc nới lỏng hạn chế sẽ không làm tăng vọt các trường hợp nhiễm bệnh.

Thủ tướng Pedro Sanchez trước đó lưu ý rằng Tây Ban Nha không phải đang bước vào giai đoạn xuống thang, vẫn còn duy trì tình trạng khẩn cấp quốc gia.

Trong khi đó, số ca nhiễm mới đang giảm dần ở Tây Ban Nha. Vào cuối tháng 3, nước này chứng kiến 6.000-8.000 ca nhiễm mới mỗi ngày.

Nga tăng mạnh ca nhiễm

Ngày 21-4, Nga thông báo thêm 5.642 ca nhiễm, đưa tổng số ca bệnh COVID-19 tại đây lên 52.763.

Số người qua đời do COVID-19 tại Nga hiện là 456 sau khi tăng thêm 51 người.

Nhân viên y tế điều trị một bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện lâm sàng TP Pirogov ở Moscow (Nga). Ảnh: GETTY

Moscow là nơi có dịch nghiêm trọng nhất tại Nga. Tổng thống Vladimir Putin ngày 20-4 cảnh báo rằng đỉnh dịch “vẫn còn ở phía trước”.

Nhà chức trách Moscow nói rằng còn sớm để bàn về việc gỡ bỏ hạn chế trước ngày 30-4.

Đông Nam Á: Singapore tăng vọt ca nhiễm

Tại Indonesia, ngày 21-4, Bộ Y tế nước này thông báo thêm 375 ca nhiễm, nâng tổng ca bệnh COVID-19 tại đây lên 7.135. Ngoài ra, Bộ Y tế Indonesia cũng ghi nhận thêm 26 ca tử vong, đưa số người chết do COVID-19 tại nước này lên 616. Đây cũng là nước có số người tử vong cao nhất Đông Nam Á.

Hơn 46.700 người đã được xét nghiệm và 842 người đã hồi phục tại Indonesia.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 21-4 thông báo nước này sẽ cấm người dân trở về quê sau tháng chay Ramadan của Hồi giáo nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan. Sau sự kiện diễn ra vào tháng 5 này, thông thường người dân tại các TP lớn tại Indonesia sẽ đổ về quê nhà để ăn mừng.

Một khu chợ ở Jakarta, Indonesia trong mùa COVID-19. Ảnh: EPA

Tại Philippines, nước này ngày 21-4 thông báo thêm chín ca tử vong do COVID-19 và 140 ca nhiễm. Bộ Y tế nước này cho biết tính đến nay, nước này có 6.599 ca nhiễm COVID-19, trong đó 437 người đã tử vong. Có 654 bệnh nhân đã hồi phục tại nước này.

Tại Singapore, ngày 21-4, Bộ Y tế nước này thông báo thêm 1.111 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng ca bệnh tại đây lên 9.125.

Các trường hợp nhiễm bệnh có liên quan tới các ký túc xá dành cho người lao động nước ngoài chiếm gần 80% tổng ca bệnh tại Singapore.

Thủ tướng Lý Hiển Long đã thông báo kéo dài lệnh phong tỏa tới ngày 1-6. Singapore áp dụng các biện pháp phong tỏa từ ngày 7-4 và ban đầu dự kiến kết thúc vào ngày 4-5. Các biện pháp bao gồm đóng cửa hầu hết nơi làm việc và trường học.

Những người lao động nước ngoài đeo khẩu trang mua thực phẩm ở Singapore. Ảnh: GETTY

Tại Thái Lan, ông Taweesin Wisanuyothin - phát ngôn viên Trung tâm quản lý tình hình COVID-19 của chính phủ ngày 21-4 cho biết nước này ghi nhận thêm 19 ca nhiễm mới, mức tăng thấp nhất theo ngày tại nước ngày trong hơn một tháng.

Một tài xế 50 tuổi được xác nhận là ca tử vong mới nhất tại nước này.

Quốc gia Đông Nam Á này hiện có 2.811 ca bệnh, trong đó 48 người đã tử vong. Có 2.108 bệnh nhân đã hồi phục tại nước này.

Tại Malaysia, chiều 21-4, Bộ Y tế nước này thông báo thêm 57 ca nhiễm, tiếp tục xu hướng ca nhiễm mới theo ngày ở mức hai con số. Hiện nước này có 5.482 ca bệnh.

Ngoài ra, Bộ Y tế Malaysia còn ghi nhận thêm ba người tử vong do COVID-19, nâng tổng ca tử vong tại nước này lên 92.

Virus SARS-CoV-2 có thể tấn công mạch máu trên khắp cơ thể

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí y khoa The Lancet hôm 17-4 cho biết virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có thể tấn công các mạch máu trên khắp cơ thể và cuối cùng dẫn đến suy đa tạng, theo báo South China Morning Post.

 “Virus này không chỉ tấn công phổi mà còn tấn công các mạch máu khắp nơi” - chuyên gia Frank Ruschitzka tại BV ĐH Zurich (Thụy Sĩ), tác giả của nghiên cứu trên, cho biết.

Ông Ruschitzka cho hay các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng virus chết người này không chỉ gây viêm phổi.

Virus Corona chủng mới không chỉ tấn công phổi mà còn tấn công mạch máu trên khắp cơ thể. Ảnh: SHUTTERSTOCK

“Nó xâm nhập vào lớp tế bào nội mô, vốn là tuyến phòng thủ của mạch máu. Vì vậy, nó phá vỡ hàng rào tự vệ của cơ thể và gây ra vấn đề ở vi tuần hoàn hay còn gọi là mao mạch” - ông Ruschitzka cho biết.

Điều này khiến lượng máu đi tới các bộ phận giảm và cuối cùng dừng tuần hoàn máu. Vì vậy, bệnh nhân gặp vấn đề ở tất cả cơ quan như tim, thận và ruột non, theo chuyên gia Ruschitzka.

Ông nói thêm điều này cũng giải thích tại sao những người hút thuốc và những người mắc bệnh nền vốn có chức năng nội mô bị suy yếu hay mạch máu không khỏe sẽ dễ gặp nguy cơ từ virus gây bệnh COVID-19.

Dù kết quả nghiên cứu dựa trên phân tích ba ca bệnh, chuyên gia Ruschitzka cho biết khám nghiệm những bệnh nhân COVID-19 khác cũng cho thấy nội mô mạch máu chứa đầy virus và chức năng mạch máu bị ảnh hưởng ở mọi cơ quan nội tạng.

Dựa trên kết quả nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đề xuất sử dụng các phương pháp điều trị giúp ổn định nội mô đồng thời ức chế quá trình nhân lên của virus. Chuyên gia Ruschitzka cho rằng củng cố hệ tim mạch có thể là chìa khóa giúp điều trị bệnh nhân COVID-19.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm