Tình hình đại dịch COVID-19 tính đến tối 12-3

Báo South China Morning Post (SCMP) dẫn số liệu từ Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết tính đến 18 giờ 30 tối ngày 12-3, tổng số ca tử vong trên toàn thế giới vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (dịch COVID-19) là 4.700. Tổng số ca nhiễm là 124.981. Toàn thế giới có 68.087 ca chữa khỏi.

Trung Quốc ghi nhận 80.793 ca nhiễm và 3.169 ca tử vong.

Tổng số ca tử vong ngoài Trung Quốc đại lục đến nay là 1.527 ca. Trong đó, Ý cao nhất với 827 ca, Iran xếp thứ hai với 429 ca, Hàn Quốc xếp thứ ba với 66  ca, Tây Ban Nha và Pháp cùng 48 ca, Mỹ 35 ca, Nhật 22 ca, Anh 8 ca, Iraq sáu ca, Hà Lan bốn ca; Úc, đặc khu Hong Kong, Đức, Bỉ, San Marino ba ca; Lebanon, Philippines hai ca; Panama, Morocco, Argentina, Ireland, Indonesia, Albania, Hy Lạp, Ai Cập, Canada, Thái Lan, lãnh thổ Đài Loan, Áo, Thụy Điển, Algeria, Bulgari mỗi nước một ca. 

Trung Quốc tuyên bố đã vượt qua đỉnh dịch

 Ngày 12-3, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) tuyên bố nước này đã vượt qua đỉnh dịch COVID-19, báo China Daily đưa tin.

Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh về tình hình dịch, người phát ngôn NHC Mi Feng cho biết các ca nhiễm mới những ngày qua liên tục giảm, và tình hình nghiêm trọng của dịch duy trì ở mức thấp.

Bệnh nhân nhiễm COVID-19 đã bình phục và vẫy tay chào nhân viên y tế khi xuất viện tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) ngày 10-3. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Bà Mi cho biết số ca nhiễm mới trong ngày 11-3 tại TP Vũ Hán, tâm dịch COVID-19, đã giảm xuống chỉ còn 8 ca, trong tổng số 15 ca nhiễm mới trong ngày của cả tỉnh Hồ Bắc. Ngoài tỉnh Hồ Bắc, trong ngày 11-3, cả Trung Quốc đại lục ghi nhận 7 ca nhiễm mới nhưng trong đó hết 6 ca là từ các nước khác nhập cảnh vào.

Từ cuối tuần trước, 5 tỉnh và khu vực tự trị và đặc khu Macau đã thông báo không còn ca nhiễm COVID-19.

Chuyên gia Trung Quốc: Người khỏi bệnh COVID-19 không lây nhiễm người khác

Tờ Nhân dân Nhật báo dẫn lời giáo sư Huang Bo tại Đại học Y Bắc Kinh cho hay bệnh nhân nhiễm COVID-19 khi đã bình phục thì hệ miễn dịch đã loại trừ virus SARS-CoV-2, nên họ không thể lây bệnh cho cộng đồng nữa. Vậy nên mọi người không nên kỳ thị hay lo ngại nguy cơ tái nhiễm từ những bệnh nhân này.

Nhận định của giáo sư Huang Bo cũng nhận được sự đồng tình từ Wang Jing, trưởng khoa Hồi sức và chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện Beijing Chaoyang.

Theo bác sĩ Wang, các bệnh nhân xuất viện đã được cách ly để theo dõi y tế. Khi cơ quan y tế xác nhận các chỉ số sức khỏe bình thường, không cần phải theo dõi nữa thì họ cũng không lây nhiễm bệnh cho cộng đồng.

Bác sĩ Wang cũng lưu ý các ca nhiễm COVID-19 nhẹ sẽ không bị biến chứng phổi.

Về các ca tái nhiễm sau khi xuất viện, bác sĩ Wang cho biết các trường hợp này rất hiếm và rất có thể trước đó họ chưa khỏi bệnh hoàn toàn.

Thêm một phó tổng thống của Iran nhiễm COVID-19

Đài Al Jazeera ngày 12-3 dẫn lại thông tin từ truyền thông Iran cho biết Phó Tổng thống thứ nhất của Iran - ông Eshaq Jahangiri nhiễm COVID-19. 

Phó Tổng thống thứ nhất của Iran, ông Eshaq Jahangiri. Ảnh: AP

Al Jazeera cũng cho biết hãng thông tấn bán chính thức Fars News là cơ quan truyền thông duy nhất của Iran đưa tin về việc ông Jahangiri nhiễm bệnh. Fars News được coi là cơ quan thông tấn có liên hệ mật thiết với Quân đoàn Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). 

Chính phủ và các hãng thông tấn chính thức của Iran chưa có thông báo nào về vấn đề này.

Pháp thử nghiệm lâm sàng 3 loại thuốc điều trị COVID-19

Trang tin Les Echos ngày 12-3 dẫn thông cáo của Bộ Nghiên cứu Pháp cho biết tổng cộng sẽ có khoảng 3.200 bệnh nhân tại Pháp và châu Âu tham gia thử nghiệm 3 loại thuốc điều trị COVID-19.

Các loại thuốc được sử dụng nằm trong nhóm được Tổ chức Y tế Thế giới xếp vào dạng có hiệu quả tích cực khi sử dụng cho các bệnh nhân COVID-19. Các bệnh nhân sẽ được chia thành 4 nhóm và được cho sử dụng các loại thuốc khác nhau để so sánh.

Trong đó nhóm 1 không dùng thuốc. Nhóm 2 dùng thuốc remdesivir do phòng thí nghiệm Gilead phát triển để điều trị bệnh Ebola.

Nhóm 3 dùng kết hợp 3 loại thuốc lopinavir, ritonavir và kaletra do phòng thí nghiệm AbbVie phát triển để chữa bệnh HIV/AIDS.

Nhóm 4 thử nghiệm hỗn hợp thuốc kaletra-interferon bêta của phòng thí nghiệm Merck.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm