Tình hình đại dịch COVID-19 tính đến sáng 9-4

Tính đến 7 giờ 15 phút sáng 9-4, trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận toàn thế giới có 88.318 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), 1.508.891 ca nhiễm.

Như vậy, so với số liệu tối qua, số ca tử vong tăng 4.953 người, số ca nhiễm tăng 62.197 người. Hiện đại dịch đã lan ra 209 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ngoài ra, thế giới cũng có 329.551 bệnh nhân đã xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính, tăng 20.430 người so với số liệu tối 8-4.

Số ca nhiễm trên toàn cầu vượt 1,5 triệu người

Theo thống kê của ĐH Johns Hopkins, tính đến nay số người nhiễm COVID-19 trên toàn cầu đã vượt qua 1,5 triệu người và lấy đi sinh mạng của 88.318 người.

Trong đó, số ca nhiễm ở Mỹ vẫn cao nhất thế giới với 427.005 người. Tiếp theo là Tây Ban Nha với 148.220 ca nhiễm, Ý với 139.422 ca và Đức với 113.296 ca.

Ý vẫn là quốc gia có số ca tử vong cao nhất thế giới hiện nay, với 17.669 người. Tiếp theo là Tây Ban Nha với 14.792 người. Đứng thứ ba là Mỹ với 14.660 người.

Ca nhiễm ở Mỹ vượt 400.000, New York vẫn căng nhất

Theo trang thống kê Worldometer, số ca nhiễm COVID-19 của Mỹ đến nay đã vượt 400.000 người, cụ thể là 427.005 ca, tăng thêm 26.670 ca chỉ trong 24 giờ.

Số ca tử vong ở Mỹ vẫn tiếp tục tăng nhanh. Chỉ trong một ngày, quốc gia này ghi nhận thêm 1.819 ca tử vong, đưa số ca tử vong của nước này lên 14.660 ca.

Đến nay, tất cả 50 tiểu bang, hạt Columbia và các lãnh thổ khác của Mỹ đều đã có người nhiễm virus SARS-CoV-2. Tiểu bang Wyoming hiện là nơi duy nhất của Mỹ chưa có ca tử vong vì đại dịch COVID-19, theo đài CNN.

Nữ y tá Mandy Stuckey đang lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại một điểm xét nghiệm nhanh ở TP North Little Rock, bang Arkansas, Mỹ. Ảnh: AFP

Bang New York vẫn là nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất của đại dịch COVID-19 tại Mỹ. Chỉ trong ngày 8-4, bang này ghi nhận thêm 6.932 ca nhiễm mới và 779 ca tử vong do COVID-19. Tính đến nay, bang New York có tổng cộng 149.316 ca nhiễm bệnh, trong đó có 6.268 đã tử vong, theo trang thống kê Worldometer.

Ngày 8-4, lãnh đạo Bộ Y tế bang Illinois - TS Ngozi Ezike cho biết trong vòng 24 giờ, bang này đã ghi nhận thêm 1.529 ca nhiễm mới và 82 ca tử vong.

"Đây là những con số cao nhất mà chúng tôi ghi nhận được từ trước đến nay" - bà Ezike nói tại buổi họp báo.

Tính đến nay, bang Illinois ghi nhận tổng cộng 15.078 ca nhiễm COVID-19, với  462 trường hợp tử vong.

Giám đốc Sở Y tế TP Detroit - ông Denise Faircho biết chỉ trong 24 giờ, TP này ghi nhận thêm 333 ca nhiễm và 26 ca tử vong. Nâng tổng số ca nhiễm ở TP này lên 5834 người với 240 ca tử vong.

Trong tổng số ca nhiễm bệnh, có 170 sĩ quan cảnh sát ở Detroit đã xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, thị trưởng Mike Dugan cho biết.

Tình hình sức khỏe thủ tướng Anh chuyển biến tốt

Tính đến sáng 9-4, số ca nhiễm bệnh tại Anh là 60.733, với 7.097 ca tử vong. Điều này có nghĩa là số ca nhiễm và tử vong tại nước này đã tăng lần lượt 5.491 và 938 người trong vòng 24 giờ.

"Tình hình sức khỏe của Thủ tướng Anh Boris Johnson đang cải thiện và ông đã có thể ngồi dậy và nói chuyện với các nhân viên y tế" - Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak cho biết hôm 8-4 khi Thủ tướng Johnson vẫn đang được chăm sóc đặc biệt để chiến đấu với với bệnh COVID-19.

Tình hình sức khỏe Thủ tướng Anh Boris Johnson đang chuyển biến tốt. Ảnh: REUTERS

Theo hãng tin Reuters, ông Johnson được đưa vào BV St Thomas vào tối 5-4 sau khi bị sốt cao và ho dai dẳng. Đến ngày 6-4, ông được chuyển vào khu chăm sóc đặc biệt.

Anh đang bước vào giai đoạn bùng nổ nhất khi các nhà khoa học và chính phủ đang cân nhắc lúc nào nên dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa đang chơi tàn phá nền kinh tế nước này.

"Số ca nhiễm mới và nhập viện đang bắt đầu có dấu hiệu bị giảm" - ông Stephen Powis, lãnh đạo Cơ quan Y tế Quốc gia, nói tại cuộc họp báo.

Ông nói rằng những dấu hiệu trên cho thấy hiệu quả của việc phong tỏa toàn quốc gia. Ông cũng khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện theo những hướng dẫn giãn cách xã hội do bởi virus có thể lan nhanh trở lại nếu mọi người không tiếp tục cảnh giác.

Châu Âu: Một số nước kéo dài phong tỏa

Pháp, một trong những nước bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19 với hơn 10.000 ca tử vong, sẽ kéo dài biện pháp phong tỏa toàn quốc đến sau ngày 15-4. Thủ tướng Edouard Philippe nói rằng các biện pháp phong tỏa đang giúp kiềm chế dịch lây lan và đây chưa phải là lúc để dỡ bỏ các hạn chế.

Trong vòng 24 giờ, nước Pháp ghi nhận thêm 3.881 ca nhiễm mới và 541 ca tử vong. Tính đến nay, quốc gia này đã có 112.950 ca nhiễm với 10.869 người chết vì dịch COVID-19, đứng thứ tư trên thế giới.

Pháp tiếp tục kéo dài biện pháp phong tỏa toàn quốc đến ngày 15-4. Ảnh: REUTERS

Theo Tổng thống Thụy Sĩ Simonetta Sommaruga, các biện pháp chống dịch thực hiện tốt và hiện có hiệu quả như mong muốn. Tốc độ lây lan dịch đã chậm lại trong những ngày gần đây.

"Chúng ta đang đi đúng hướng, nhưng chưa đi đến đích" - ông Sommaruga nói.

Tại Ý, thủ tướng Giuseppe Conte bác bỏ những lời kêu gọi nới lỏng phong tỏa của các doanh nghiệp nhằm cho phép người lao động trở lại làm việc.

Ngày 8-4, số ca tử vong do dịch COVID-19 ở Ý đã tăng 542 ca, thấp hơn so với con số 604 ca của ngày trước. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

Ý hiện vẫn là quốc gia có số ca tử vong cao nhất thế giới với 17.669 người. Quốc gia này hiện vẫn tiếp tục phong tỏa trên toàn quốc để hạn chế lây lan loại virus chết người này.

Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) đã hối thúc các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) duy trì lệnh hạn chế đi lại trong khu vực Schengen ít nhất đến ngày 15-5.

Theo Ủy viên châu Âu Margaritis Schinas, toàn bộ nước thành viên khối Schengen phải thực hiện tốt các biện pháp giãn cách xã hội để hạn chế tương tác trong cộng đồng và làm chậm đà lây lan của virus.

Bên cạnh đó, EU cũng cần hạn chế các hoạt động đi lại không thiết yếu từ các nước thứ ba để hỗ trợ cho nỗ lực trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm