Tình hình đại dịch COVID-19 tính đến sáng 7-4

Tính đến 6 giờ 43 ngày 7-4, trang thống kê WorldOmeter dẫn nguồn cơ quan y tế các nước cho biết toàn thế giới có 74.612 ca tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19) trong tổng nhiễm 1.343.233 ca. Toàn thế giới có 278.191 người được chữa khỏi.

Như vậy so với tối 6-4, số ca tử vong tăng 4.268 ca, số ca nhiễm tăng 57.976 ca.

Hiện Ý là quốc gia có số ca tử vong cao nhất thế giới với 16.523 ca. Theo sau là Tây Ban Nha (13.341 ca), Mỹ (10.792 ca), Pháp (8.911 ca), Anh (5.373 ca), Iran (3.739 ca), Trung Quốc (3.331 ca), Hà Lan (1.867 ca), Đức (1.810 ca), Bỉ (1.632 ca).

10 nước có số ca nhiễm cao nhất: Mỹ (364.088), Tây Ban Nha (136.675), Ý (132.547), Đức (103.374), Pháp (98.010), Trung Quốc (81.708), Iran (60.500), Anh (51.608), Thổ Nhĩ Kỳ (30.217), Thụy Sĩ (21.657).

Theo hãng tin AFP, số ca tử vong hằng ngày đã giảm ở các nước châu Âu có dịch COVID-19 nghiêm trọng, song Mỹ vẫn chưa tới đỉnh dịch.

Mỹ: Số ca tử vong vượt 10.000

Dữ liệu của ĐH Johns Hopkins (Mỹ) ngày 6-4 cho biết đã có hơn 10.000 người tử vong do COVID-19 tại Mỹ.

Theo số liệu của trang web WorldOmeter, Mỹ hiện ghi nhận 10.792 ca tử vong trong tổng nhiễm 364.088 ca. Như vậy, Mỹ là nước có số ca tử vong do COVID-19 cao thứ ba thế giới sau Ý (15.877) và Tây Ban Nha (13.055).

Một bác sĩ điều trị một bệnh nhân trên tàu bệnh viện USNS Mercy ở Los Angeles, bang California của Mỹ. Ảnh: AFP

New York đến nay vẫn là điểm nóng dịch COVID-19 tại Mỹ với hơn 4.750 ca tử vong và 130.000 ca nhiễm trên toàn bang.

Kể từ giữa tuần trước, Mỹ đã ghi nhận hơn 1.000 ca tử vong mới mỗi ngày. Mỹ cũng đã thực hiện các biện pháp ngăn chặn ở mọi cấp độ khác nhau. 

Đô đốc Brett Giroir, trợ lý bộ trưởng y tế Mỹ phụ trách sức khỏe cộng đồng, yêu cầu Mỹ tiếp tục các nỗ lực giãn cách xã hội, nếu không Mỹ có thể có thêm đỉnh dịch khác trong vòng vài tuần tới, theo đài CNN.

“Nếu chúng ta nới lỏng và bắt đầu làm những việc thiếu suy nghĩ, chúng ta có thể có thêm một đỉnh dịch khác trong vòng một vài tuần tới” - ông Giroir trả lời phỏng vấn kênh NBC ngày 6-4.

Cuối tuần qua, BS Deborah Birx - điều phối viên thuộc đội đặc nhiệm ứng phó COVID-19 tại Nhà Trắng, hối thúc người dân Mỹ không ra khỏi nhà. Bà nói rằng: “Đây là thời điểm không nên đi đến cửa hàng tạp hóa, không đi đến nhà thuốc”.

Ông Giroir cho hay ông cũng đồng tình với ý kiến của bà Birx và giải thích: “Điều đó không có nghĩa là không cần dùng đến thuốc. Nếu bạn cần đi tới nhà thuốc để mua thuốc, nếu bạn cần tới cửa hàng tạp hóa thì hãy cứ đi. Nhưng đừng đi mỗi ngày. Làm điều đó không thường xuyên nhất có thể”. 

Ý: Ca nhiễm mới giảm mạnh, bơm 430 tỉ USD giải cứu kinh tế

Cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý ngày 6-4 cho biết số ca tử vong do COVID-19 ở nước này tăng thêm 636 người, tăng so với 525 người vào ngày trước đó. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới giảm mạnh.

Như vậy, tính đến nay Ý ghi nhận 16.523 ca tử vong do COVID-19, cao nhất thế giới.

Nhân viên một quán bar Trung Quốc được phát miễn phí khẩu trang ở Rome (Ý). Ảnh: AFP

Ý ngày 6-4 ghi nhận 3.599 ca nhiễm mới, mức tăng thấp nhất kể từ ngày 17-3, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên 132.547. Điều này dấy lên hy vọng đại dịch chết người này có thể được ngăn chặn tại Ý nhờ lệnh phong tỏa toàn quốc ban hành hôm 9-3.

Có 22.837 người hồi phục tại Ý. Hiện có 3.898 người cần chăm sóc tích cực.

Theo hãng tin AFP, Ý ngày 6-4 đã tiết lộ gói kích thích kinh tế trị giá 430 tỉ USD để giúp các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong một tháng phong tỏa toàn quốc vừa qua.

Thủ tướng Ý Giuseppe Conte yêu cầu đất nước kiên nhẫn đối mặt với đại dịch COVID-19.

Malaysia vẫn là nước có dịch nghiêm trọng nhất Đông Nam Á, xác định thêm hai cụm lây nhiễm

Tổng giám đốc y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah ngày 6-4 cho biết nước này đã xác định hai cụm lây nhiễm COVID-19 là liên quan tới các sự kiện tụ tập đông người.

Hai cụm lây nhiễm này gồm một cuộc tụ họp ở nhà thờ tại TP Kuching thuộc bang Sarawak và một lễ cưới được tổ chức tại thị trấn Bandar Baru Bangi thuộc bang Selangor

BS Noor Hisham cho hay cuộc tụ họp nhà thờ khiến 83 người nhiễm COVID-19, trong đó hai người đã tử vong và năm người trong tình trạng nguy kịch.

Lính cứu hỏa xịt khử trùng một con đường ở Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: REUTERS

Trong khi đó, đám cưới ở Bandar Baru Bangi làm 88 người dương tính với COVID-19, trong đó một người đang trong tình trạng nguy kịch.

Ông cũng chỉ ra rằng cụm lây nhiễm tại nhà thờ và cụm lây nhiễm tại đám cưới là cụm lây nhiễm lớn thứ hai và thứ ba tại nước này, sau cụm lây nhiễm ở thánh đường Hồi giáo Sri Petaling vốn khiến 1.624 trường hợp mắc COVID-19 đến nay.

“Các cụm lây nhiễm này đã được ngăn chặn. Chúng tôi không hy vọng nhìn thấy các ca nhiễm mới vì những cụm lây nhiễm này” - BS Noor Hisham nói.

Malaysia tối 6-4 thông báo thêm 131 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 3.793. Như vậy, Malaysia vẫn là nước có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất ở Đông Nam Á.

Ông Noor Hisham cũng xác nhận thêm một người tử vong vì COVID-19 tại Malaysia, nâng tổng số người tử vong tại nước này lên 62.

Malaysia đã triển khai giai đoạn 1 của lệnh kiểm soát di chuyển từ ngày 18-3 đến 31-3. Giai đoạn 2, bắt đầu từ ngày 1-4 và sẽ kéo dài tới ngày 14-4.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trước đó nói rằng số ca nhiễm COVID-19 ở Malaysia dự kiến đạt đến đỉnh điểm vào giữa tháng 4 và có dấu hiệu cho thấy đang “làm phẳng đường cong” dịch bệnh.

Indonesia có số ca tử vong cao nhất Đông Nam Á, bao gồm 24 bác sĩ

Indonesia tối 6-4 ghi nhận 218 ca nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên 2.491. Đây là mức tăng kỷ lục tại nước này kể từ đầu dịch.

Indonesia hiện là quốc gia có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất Đông Nam Á với 209 ca sau khi tăng thêm 11 ca ngày 6-4.

Hiệp hội các bác sĩ Indonesia cho biết 24 bác sĩ nước này đã qua đời sau khi mắc COVID-19.

Nhân viên y tế nghỉ giải lao trong một cuộc xét nghiệm COVID-19 nhanh ở Bandung, tỉnh Tây Java của Indonesia. Ảnh: REUTERS

“Nguy cơ các nhân viên y tế bị nhiễm bệnh luôn ở đó… nhưng điều quan trọng là các nhân viên y tế cần được bảo vệ bằng mọi cách” -  Halik Malik - người phát ngôn Hiệp hội các bác sĩ Indonesia, nói.

Các tổ chức nhân quyền, trong đó có Tổ chức Ân xã Quốc tế đã bày tỏ lo ngại về tỉ lệ tử vong cao liên quan tới đội ngũ nhân viên y tế.

“Cái chết của những nhân viên y tế không chỉ là con số mà đó còn là một lời báo động cho đất nước này để khôi phục hệ thống y tế của họ trong tình huống khẩn cấp” - một liên minh các tổ chức cho biết.

Cơ quan tình báo Indonesia tuần trước tiết lộ rằng dự kiến đỉnh dịch tại nước này sẽ diễn ra trong ba tháng tới, với hơn 100.000 ca nhiễm vào tháng 7.

Tổng thống Joko Widodo tại cuộc họp nội các hôm 6-4 cho hay thiết bị bảo hộ cá nhân đã được phân phát khắp nước.

Hiện các nhân viên y tế Indonesia phải đối mặt tình trạng thiếu đồ bảo hộ. Một số bác sĩ buộc phải mặc áo mưa và đeo khẩu trang cá nhân của họ để ngừa COVID-19.

Ít nhất 10 tỉnh, thành của Indonesia, bao gồm các tỉnh phía đông Maluku và Papua, thiếu cơ sở vật chất phục vụ việc ứng phó COVID-19, Doni Monardo - người đứng đầu đội đặc nhiệm chống COVID-19 của Indonesia cho biết hôm 6-4.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm