Tình hình đại dịch COVID-19 tính đến sáng 29-5

Tính đến 6 giờ 20 sáng 29-5 (giờ Việt Nam), trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận toàn thế giới đã có 361.752 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), trong tổng số 5.899.780 ca nhiễm.

Như vậy, so với tối 28-5, số ca tử vong tăng 3.859, số ca nhiễm tăng 86.530.

Ngoài ra, thế giới cũng có 2.577.155 bệnh nhân đã hồi phục.

Mỹ: Tổng thống Trump chia buồn 100.000 người chết do COVID-19

Tổng thống Trump ngày 28-5 gửi lời chia buồn tới những thân yêu của những người Mỹ đã qua đời vì COVID-19. Ông gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân COVID-19 một ngày sau khi Mỹ ghi nhận hơn 100.000 ca tử vong.

“Chúng ta vừa chạm tới một cột mốc rất đáng buồn với số người tử vong do COVID-19 lên tới 100.000 người” - Tổng thống Trump viết trên Twitter hôm 28-5.

Tổng thống Trump phát biểu tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng hôm 26-5. Ảnh: REUTERS

“Gửi tới tất cả gia đình và bạn bè của những người đã qua đời, tôi muốn dành sự cảm thông và tình cảm chân thành của tôi cho tất cả mọi điều mà những người tuyệt vời này đã đấu tranh và thể hiện. Chúa sẽ luôn bên các bạn!” - nhà lãnh đạo Mỹ viết tiếp.

Chưa đầy một giờ sau dòng Twitter chia buồn trên, Tổng thống Trump gọi virus gây bệnh COVID-19 là “món quà rất tồi đến từ Trung Quốc”.

Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ tối 27-5 đã công bố một video bày tỏ tiếc thương 100.000 người Mỹ đã qua đời do COVID-19.

“Gửi tới tất cả các bạn, những người đang rất đau lòng, tôi rất tiếc vì sự mất mát của các bạn. Cả nước chia buồn cùng các bạn. Hãy cảm thấy an ủi một chút từ thực tế là tất cả chúng tôi đau buồn cùng các bạn” - ông Biden nói trong video.

Tính đến nay, Mỹ ghi nhận 1.766.816 ca nhiễm và 103.299 ca tử vong.

Indonesia: Vẫn dùng thuốc chống sốt rét điều trị, dù châu Âu đã cấm

Một phát ngôn viên của lực lượng đặc nhiệm ứng phó COVID-19 của Indonesia cho biết nước này sẽ tiếp tục kê đơn hai loại thuốc chống sốt rét cho các bệnh nhân COVID-19, nhưng sẽ theo dõi chặt chẽ việc sử dụng thuốc của bệnh nhân.

Indonesia ra thông báo này dù trước đó một số quốc gia châu Âu đã cấm sử dụng thuốc chống sốt rét để chữa trị cho bệnh nhân COVID-19 do có các lo ngại về độ an toàn của thuốc.

Thuốc chống sốt rét Hydroxychloroquine. Ảnh: REUTERS

Từ cuối tháng 3, Indonesia khuyến cáo sử dụng hai loại thuốc Chloroquine và Hydroxychloroquine để chữa trị cho các bệnh nhân COVID-19 có các triệu chứng từ trung bình đến nặng, theo hướng dẫn của Cơ quan giám sát thực phẩm và dược phẩm của Indonesia.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong tuần này cũng đã thông báo tạm dừng các cuộc thử nghiệm lâm sàng thuốc chống sốt rét Hydroxychloroquine ở những bệnh nhân COVID-19 tại hơn 30 quốc gia, trong đó có Indonesia.

Theo một khuyến cáo của WHO gửi tới Bộ Y tế Indonesia, tổ chức này cho hay việc sử dụng Hydroxychloroquine để chữa trị cho bất kỳ bệnh nhân COVID-19 nào không nằm trong cuộc thử nghiệm Đoàn kết toàn cầu nên bị đình chỉ.

Ông Wiku Adismasmito thuộc lực lượng đặc nhiệm ứng phó COVID-19 của Indonesia nói rằng nước này sẽ tuân thủ lời khuyên liên quan tới cuộc thử nghiệm nhưng tiếp tục sử dụng đại trà dưới dự giám sát chặt chẽ.

Ông nói rằng Indonesia sẽ chờ lời khuyên tiếp theo từ WHO liên quan tới độ an toàn của các loại thuốc chống sốt rét trong điều trị COVID-19, dự kiến vào giữa tháng 6.

Sau một số tín hiệu lạc quan ban đầu xung quanh các loại thuốc chưa được chứng minh này, Indonesia đã đẩy mạnh sản xuất thuốc chống sốt rét tại địa phương.

Trong những tháng gần đây, các cuộc thử nghiệm lâm sàng ở Pháp, Brazil và Mỹ đã cho thấy thuốc chống rốt rét này làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim và tử vong ở những bệnh nhân COVID-19 sử dụng thuốc.

Các chính phủ ở Pháp, Bỉ và Ý đã ban hành lệnh cấm thuốc Hydroxychloroquine hôm 27-5 sau khi một cuộc thử nghiệm lâm sàng toàn cầu thứ hai do ĐH Oxford (Anh) tiến hành với sự tham gia của 40.000 nhân viên y tế bị đình chỉ.

Tính đến nay, Indonesia ghi nhận 24.538 ca nhiễm với 1.496 ca tử vong.

Châu Phi: Tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng tăng mạnh

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi cho hay các trường hợp lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng đang gia tăng ở châu Phi, đặc biệt là ở Ethiopia. Trung tâm này nói rằng cần thiết phải thực hiện một chiến lược xét nghiệm mới nhằm ngăn chặn tình trạng này.

Một khu vực chờ được xét nghiệm COVID-19 tại Ruaraka, Kenya. Ảnh: GETTY IMAGES

“Chúng tôi bắt đầu chứng kiến tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng gia tăng ở Ethiopia và nhiều quốc gia ở châu Phi. Điều đó có nghĩa là chúng tôi cần tăng cường các biện pháp y tế công cộng như giãn cách, đeo khẩu trang, rửa tay” - ông John Nkengasong, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi, cho biết.

Tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng đề cập các trường hợp bị nhiễm bệnh dù không có lịch sử đi lại hay tiếp xúc với người bị nhiễm. Tình trạng này khiến nhân viên y tế lo lắng vì như vậy đồng nghĩa với việc virus đang lây lan trong cộng đồng nhưng không được phát hiện.

Ca nhiễm tăng lại, Hàn Quốc tái áp đặt biện pháp giãn cách xã hội

Hôm 28-5, Hàn Quốc đã tái áp đặt một số biện pháp giãn cách xã hội khi một loạt cụm lây nhiễm đe dọa sự thành công của công tác chống dịch COVID-19 tại nước này, theo báo South China Morning Post.

Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc Park Neung-hoo thông báo các bảo tàng, công viên và phòng trưng bày nghệ thuật ở khu đô thị Seoul sẽ đóng cửa trở lại trong hai tuần bắt đầu từ ngày 29-5 tới ngày 14-6.

Nhân viên y tế tiếp người dân tại một trung tâm xét nghiệm ở Bucheon, Hàn Quốc. Ảnh: AP

Trong khi đó, các công ty được khuyến khích áp dụng các biện pháp làm việc linh hoạt cùng một số biện pháp khác. Người dân cũng được khuyến cáo tránh tụ tập đông người.

“Chúng tôi đã quyết định tăng cường tất cả biện pháp cách ly ở Seoul trong hai tuần bắt đầu từ ngày 29-5. Hai tuần tiếp theo rất quan trọng để ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh” - ông Park cho biết.

Hôm 28-5, Hàn Quốc ghi nhận 79 ca nhiễm mới. Đây là mức tăng lớn nhất theo ngày trong 53 ngày qua. Phần lớn các trường hợp nhiễm mới được phát hiện tại một nhà kho của một công ty thương mại điện tử ở Bucheon, tây Seoul.

Hàn Quốc về cơ bản đã kiềm chế thành công sự lây lan dịch bệnh thông qua xét nghiệm hàng loạt và truy vết tiếp xúc. Những bước tiến này khiến nhà chức trách tháo gỡ các biện pháp cách ly nghiêm ngặt hôm 6-5.

Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, một ổ dịch mới được báo cáo tại Seoul với hơn chục trường hợp nhiễm có liên quan tới các câu lạc bộ đêm và quán bar.

Tính đến nay, Hàn Quốc ghi nhận 11.344 ca nhiễm và 269 ca tử vong.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm