Tình hình đại dịch COVID-19 tính đến sáng 19-4

Tính đến 6 giờ 30 ngày 19-4 (giờ Việt Nam), trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận toàn thế giới có 160.448 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19). Toàn thế giới ghi nhận 2.325.335 ca nhiễm COVID-19.

Như vậy, so với tối 18-4, số ca tử vong tăng 5.263 ca, số ca nhiễm tăng 57.505 ca.

Một y tá giúp đồng nghiệp mặc đồ bảo hộ cá nhân trước khi đi vào nhà một bệnh nhân COVID-19 ở Madrid, Tây Ban Nha. Ảnh: GETTY

Ngoài ra, có 595.519 bệnh nhân COVID-19 trên toàn cầu được chữa khỏi.

10 quốc gia có số người tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới gồm: Mỹ (38.932), Ý (23.227), Tây Ban Nha (20.639), Pháp (19.323), Anh (15.464), Bỉ (5.453), Iran (5.031), Trung Quốc (4.632),  Đức (4.459), Hà Lan (3.601).

10 quốc gia có số người nhiễm COVID-19 cao nhất thế giới: Mỹ (737.217), Tây Ban Nha (191.926), Ý (175.925), Pháp (151.793), Đức (143.342), Anh (114.217), Trung Quốc (82.719), Thổ Nhĩ Kỳ (82.329), Iran (80.868), Bỉ (37.183).

Mỹ gỡ bỏ lệnh hạn chế ở một số bang

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 18-4 cho biết các bang Texas và Vermont sẽ cho phép một số doanh nghiệp hoạt động trở lại vào ngày 20-4 trong khi tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng ngừa. Bang Montana sẽ bắt đầu dỡ bỏ phong tỏa vào ngày 24-4.

“Chúng ta tiếp tục nhìn thấy các tín hiệu tích cực cho thấy virus đã qua đỉnh điểm” - Tổng thống Trump nói tại cuộc họp báo hôm 18-4.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP

Tuy nhiên, một số thống đốc bang đã cảnh báo rằng họ sẽ không hành động nóng vội mở cửa lại kinh tế cho tới khi có thêm nhiều cuộc xét nghiệm COVID-19.

Các  lãnh đạo doanh nghiệp cũng nói với Tổng thống Trump rằng Mỹ cần thực hiện các cuộc xét nghiệm trên diện rộng trước khi công ty của họ có thể hoạt động bình thường trở lại.

Hôm 18-4, nhà lãnh đạo Mỹ cho hay “xét nghiệm của chúng ta ngày càng tốt hơn”, song không nêu bằng chứng cụ thể.

Cũng theo ông Trump, các thống đốc Cộng hòa và Dân chủ đã thông báo các bước đi cụ thể để bắt đầu giai đoạn mở cửa dần dần và an toàn.

Trước đó, trong ngày 18-4, Tổng thống Trump cho hay ông hy vọng ông sẽ có thể sớm nối lại các buổi vận động tranh cử trước thềm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.

Ông Trump cho hay ông không muốn giãn cách xã hội tại các buổi vận động tranh cử vì những sự kiện này thường thu hút lượng lớn người tham dự. Ông nói ông không muốn người tham dự bỏ lỡ “hương vị” trải nghiệm. Tổng thống Trump đã dừng các buổi vận động tranh cử lớn hồi đầu tháng 3 do đại dịch COVID-19.

Tổng thống Trump dự đoán rằng khi các buổi vận động được nối lại thì các buổi vận động này sẽ lớn hơn bao giờ hết.

Ông Trump có kế hoạch đi tới Học viện quân sự Mỹ ở New York vào tháng tới để phát biểu tại buổi lễ tốt nghiệp.

Ý: Ca tử vong mới theo ngày thấp nhất kể từ ngày 12-4

Cơ quan bảo vệ dân sự Ý cho biết ngày 18-4, Ý có thêm 482 người tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong tại đây lên 23.227. Đây là mức tăng theo ngày thấp nhất tại Ý kể từ ngày 12-4.

Số bệnh nhân COVID-19 tại Ý trong ngày 18-4 tăng thêm 3.491, nâng tổng số ca bệnh tại đây lên 175.925.

Các bác sĩ Ý đến miền Bắc nước Ý để hỗ trợ các bệnh viện đang quá tải ở Milan và Varese. Ảnh: EPA

Đến nay, có 44.927 bệnh nhân đã hồi phục tại Ý sau khi tăng thêm 2.200 ca hôm 18-4.

Ý đặt trong tình trạng phong tỏa lâu hơn so với bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác sau khi thông báo cách ly toàn quốc hôm 9-3.

Các quan chức Ý đã thông báo giai đoạn 2 ứng phó dịch COVID-19, trong đó Ý sống chung với virus cho tới khi có vaccine.

Anh có thể có tỉ lệ tử vong cao nhất châu Âu

Một chuyên gia y tế công cộng hàng đầu ngày 17-4 nói rằng Anh có khả năng có tỉ lệ tử vong cao nhất ở châu Âu do những gì người này mô tả là “lỗi hệ thống”.

Ông Anthony Costello, Giám đốc Viện Y tế toàn cầu tại ĐH London (UCL), cảnh báo Anh có thể chứng kiến 40.000 ca tử vong khi làn sóng bùng phát dịch đầu tiên của nước này kết thúc.

Trong khi đó, một tổ chức từ thiện hôm 18-4 cảnh báo số nạn nhân COVID-19 trong các nhà dưỡng lão của Anh có thể lên tới 7.500, cao hơn năm lần ước tính chính thức.

“Nếu không có xét nghiệm thì rất khó để đưa ra một con số chính xác. Tuy nhiên, nếu chúng ta xem xét một số tỉ lệ tử vong kể từ ngày 1-4 và so sánh với tỉ lệ của những năm trước, chúng tôi ước tính khoảng 7.500 người có thể qua đời do COVID-19” - ông Marteen Green, CEO của tổ chức từ thiện Care England - đại diện hàng đầu cho các nhà dưỡng lão ở Anh, cho hay.

Anh chậm hơn nhiều nước châu Âu khác trong việc áp dụng các biện pháp bắt buộc đối với kinh doanh và sinh hoạt hằng ngày để làm chậm sự lây lan của dịch bệnh. Anh thông báo kéo dài lệnh phong tỏa vốn được áp dụng hôm 23-3 thêm ít nhất ba tuần nữa.

Chính phủ Anh tuyên bố sẽ thực hiện 100.000 lượt xét nghiệm COVID-19 trong một ngày đến cuối tháng 4, cao hơn năm lần so với tốc độ hiện tại. Chính phủ Anh cũng cam kết tính những ca tử vong tại các nhà dưỡng lão vào thống kê chính thức.

Thổ Nhĩ Kỳ bỏ qua Iran, trở thành nước có nhiều ca nhiễm nhất Trung Đông

Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca xác nhận số bệnh nhân COVID-19 ở nước này đã tăng lên đến con số 82.329, vượt Iran (80.868), trở thành nước có số ca nhiễm cao nhất Trung Đông.

Một y tá chăm sóc một bệnh nhân COVID-19 ở Bệnh viện quốc tế Medicana, TP Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: REUTERS

Ngoài ra, ông Koca cho biết trong 24 giờ qua Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận thêm 121 ca tử vong, nâng số người chết vì COVID-19 tại đây lên 1.890.

Đến nay, có 10.453 bệnh nhân đã hồi phục tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện lệnh giới nghiêm kéo dài một tuần và sẽ kết thúc vào giữa đêm 19-4. Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ đã thông báo kéo dài lệnh hạn chế du lịch trong 15 ngày tại 31 tỉnh, thành, chiếm gần 2/3 dân số Thổ Nhĩ Kỳ.

Quần đảo Cook - quốc đảo đầu tiên tuyên bố là “vùng không COVID-19”

Quốc đảo Cook ở khu vực Thái Bình Dương tuyên bố là “vùng không COVID-19” sau khi tất cả các xét nghiệm với những trường hợp nghi nhiễm COVID-19 đều cho kết quả âm tính. Đây là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới có động thái như vậy.

Với việc không có ca nhiễm nào được báo cáo và tất cả các xét nghiệm với những trường hợp nghi nhiễm đều cho kết quả âm tính, Thủ tướng Henry Puna tuyên bố Quốc đảo Cook là “vùng không COVID-19”.

Ảnh chụp từ trên không đảo san hô Aitutaki ở quần đảo Cook. Ảnh: THE GUARDIAN

Gần 900 xét nghiệm đã được thực hiện hồi tháng trước tại nước này.

Quần đảo Cook là một quốc đảo tự trị ở Nam Thái Bình Dương trong liên minh tự do với New Zealand. Quần đảo này có 15 hòn đảo với 17.000 dân, cách Wellington (thủ đô của New Zealand) khoảng 3.200 km.

Kể từ tuần cuối tháng 3, sau khi New Zealand bắt đầu ghi nhận hàng chục bệnh nhân COVID-19, quốc đảo này đã áp đặt các biện pháp hạn chế, hủy bỏ tất cả các buổi tập trung ở nhà thờ và yêu cầu người dân không ra khỏi nhà.

Sau khi tuyên bố là "vùng không COVID-19”, chính phủ cũng tuyên bố dỡ bỏ một số hạn chế, trong đó có cả việc đi lại giữa đảo chính Rarotonga - nơi đặt thủ đô Avarua và các hòn đảo bên ngoài.

Chính phủ Quần đảo Cook cũng cho biết các nhà thờ trên cả nước sẽ mở cửa từ 18-4, trong khi các trường học sẽ hoạt động trở lại từ 20-4.

Dù vậy, học sinh và những người đi lễ nhà thờ vẫn tiếp tục duy trì giãn cách xã hội. Các buổi tụ tập trên 10 người sẽ bị cấm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm