Tình hình đại dịch COVID-19 tính đến sáng 17-5

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng 17-5 (giờ Việt Nam), trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận toàn thế giới đã có 312.298 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), trong tổng số 4.714.320 ca nhiễm.

Như vậy, so với tối 16-5, số ca tử vong tăng 3.334, số ca nhiễm tăng 69.324.

Ngoài ra, toàn thế giới ghi nhận 1.809.516 bệnh nhân đã được điều trị hồi phục.

Dự báo đến ngày 1-6, Mỹ có hơn 100.000 người chết

Ông Robert Redfield - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ dự đoán tính đến ngày 1-6 số người tử vong vì COVID-19 tại Mỹ có khả năng sẽ vượt 100.000, theo báo Bussiness Insider.

Người dân xếp hàng trong xe chờ xét nghiệm COVID-19 tại khuôn viên Trường Cao đẳng cộng đồng Bergen ở bang New Jersey của Mỹ. Ảnh: AFP

Ông Redfield nói rằng CDC đã theo dõi 12 mô hình dự báo khác nhau về các trường hợp tử vong do COVID-19 có thể xảy ra ở Mỹ.

“Tính đến 11-5, tất cả 12 mô hình dự báo này đều cho thấy số ca tử vong sẽ tiếp tục gia tăng trong những tuần tới và tổng cộng sẽ vượt mốc 100.000 vào ngày 1-6” - ông Redfield cho biết.

Hôm 4-5, Tổng thống Donald Trump dự báo số người chết do COVID-19 tại Mỹ có thể là 75.000, 80.000 cho tới 100.000 người. Thời điểm đó Mỹ đã xác nhận 68.000 người tử vong do COVID-19. Đến ngày 14-5, con số này đã hơn 80.000.

Đến nay Mỹ vẫn là nước có dịch nghiêm trọng nhất thế giới với 1.505.252 ca nhiễm trong đó 89.521 ca tử vong.

Campuchia: Không có ca nhiễm mới trong một tháng, tất cả bệnh nhân đã hồi phục

Theo kênh Channel News Asia, Bộ Y tế Campuchia hôm 16-5 thông báo rằng với việc bệnh nhân nhiễm COVID-19 cuối cùng đã hồi phục và xuất viện, quốc gia Đông Nam Á này hiện không còn ca nhiễm nào đang được chữa trị. Tuy nhiên, Bộ Y tế Campuchia yêu cầu tiếp tục cảnh giác.

Campuchia ghi nhận 122 trường hợp nhiễm COVID-19 và không có ca tử vong.

Campuchia đóng cửa Cung điện Hoàng gia ở Phnom Penh nhằm ngăn COVID-19 lây lan. Ảnh: REUTERS

Bệnh nhân COVID-19 cuối cùng hồi phục là một phụ nữ 36 tuổi sống ở tỉnh Banteay Meanchey, tây bắc Campuchia. Người này được điều trị tại Bệnh viện hữu nghị Khmer-Liên Xô ở thủ đô Phnom Penh.

Bộ Y tế Campuchia cho biết lần gần đây nhất nước này ghi nhận ca nhiễm mới là hôm 12-4. Như vậy, tính đến nay, đã hơn một tháng Campuchia không có ca nhiễm mới.

Bộ Y tế Campuchia cho biết nước này đã thực hiện tổng cộng 14.684 lượt xét nghiệm kể từ tháng 1.

Bộ trưởng Y tế Campuchia Mam Bunheng yêu cầu người dân tiếp tục cảnh giác và thực hiện các biện pháp phòng ngừa như không tụ tập đông người.

“Chúng tôi nghĩ rằng hầu hết các ca nhiễm nói chung là nhập khẩu. Vì vậy chúng ta phải cẩn thận với tất cả chốt kiểm soát tại biên giới, sân bay, các cảng và các chốt kiểm tra trên bộ” - ông Mam Bunheng nói.

“Những người về từ nước ngoài phải có giấy chứng nhận xác nhận rằng họ không nhiễm COVID-19. Như vậy chúng tôi mới cho phép họ đi vào và sau khi họ đã đi vào, họ sẽ được cách ly thêm 14 ngày” - ông cho biết.

Ý sẽ tháo dỡ hạn chế đi lại từ ngày 3-6

Chính phủ Ý đã phê chuẩn sắc lệnh sẽ tháo dỡ các hạn chế đi lại đến và đi từ nước này bắt đầu từ ngày 3-6. Đây là một bước đi lớn khi Ý dần dần nới lỏng các biện pháp phong tỏa và mở cửa kinh tế. Sắc lệnh được ban hành hôm 16-5.

Theo đó, các lệnh cấm đi lại trong nước sẽ được tháo dỡ từ ngày 3-6 và mọi người sẽ được phép di chuyển từ nơi này đến nơi khác.

Ý là quốc gia đầu tiên ở châu Âu áp đặt lệnh phong tỏa hồi tháng 3. Ảnh: GETTY IMAGES

Sắc lệnh cũng cho hay từ ngày 18-5 người dân có thể lưu thông trong khu vực họ sống mà không có hạn chế nào. Họ cũng sẽ không còn cần phải trình một bản tự khai, nêu rõ tính cấp bách của những lý do họ di chuyển tại các chốt kiểm tra cảnh sát.

Tuy vậy, chính phủ vẫn được phép hạn chế người dân di chuyển đến và đi từ những khu vực có rủi ro dịch tễ cao.

Sắc lệnh của chính phủ Ý đã xác nhận việc cách ly bắt buộc đối với những ai bị phát hiện dương tính với COVID-19 và những ai từng tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh.

Các cuộc tụ tập đông người tại những nơi công cộng vẫn bị cấm.

Tính đến nay, Ý ghi nhận 224.760 ca nhiễm COVID-19 với 31.763 người tử vong.

Nhật kêu gọi điều tra cách phản ứng COVID-19 của WHO

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hôm 15-5 cho hay nước này sẽ kêu gọi một cuộc điều tra về cách phản ứng ban đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đối với dịch COVID-19, theo báo South China Morning Post.

“Cùng với Liên minh châu Âu, Nhật sẽ đề nghị tiến hành một cuộc xác minh công bằng, độc lập và toàn diện” - ông Abe nói.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: KYODO

Ông Abe cho biết đề nghị này sẽ được đưa ra tại cuộc họp toàn thể của WHO bắt đầu vào ngày 18-5.

Ngày 15-5, Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi cũng nói rằng nước này đang hưởng ứng lời kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra như vậy và cuộc điều tra nên do một cơ quan độc lập tiến hành.

“Dịch bệnh này đã có tác động tàn phá đối với toàn thế giới và thông tin phải được chia sẻ giữa các nước một cách tự do, minh bạch và kịp thời. Hiện đang có lo ngại dịch bệnh có nguy cơ lây lan nhanh hơn nữa" - ông Motegi nói trong một phiên họp quốc hội.

“Có rất nhiều cuộc thảo luận trong cộng đồng quốc tế về nguồn gốc của COVID-19 và cách phản ứng ban đầu. Cần phải có một cuộc điều tra kỹ lưỡng và điều quan trọng là cuộc điều tra phải do một cơ quan độc lập tiến hành” - ông Motegi nhấn mạnh.

Tại cuộc họp của Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện hôm 15-5, ông Motegi nhấn mạnh rằng bất kỳ cuộc điều tra nào cũng nên tiến hành sau khi COVID-19 lắng dịu.

Ông không chỉ rõ cơ quan độc lập nào sẽ đảm nhận nhiệm vụ này, chỉ nói rằng đó là điều dành cho các quốc gia liên quan thảo luận.

Tổng thống Mỹ Donald Trump là một trong những người chỉ trích mạnh mẽ WHO liên quan tới COVID-19. Ông Trump nói WHO là “con rối của Trung Quốc” và đã tuyên bố đình chỉ các khoản đóng góp cho tổ chức này.

Đáp lại, Tổng giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus đã bác các cáo buộc này, yêu cầu các quốc gia không chính trị hóa đại dịch.

Thủ tướng Úc Minister Scott Morrison cũng đã kêu gọi một cuộc điều tra về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Ông Morrison giữ vững lập trường ngay cả khi Trung Quốc đã thông báo kế hoạch áp thuế quan đối với các hàng nhập khẩu lúa mạch của Úc để trả đũa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm