Tình hình đại dịch COVID-19 tính đến sáng 17-3

Báo South China Morning Post (SCMP) dẫn số liệu từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết tính đến 6 giờ ngày 17-3, tổng số ca tử vong trên toàn cầu vì dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (dịch COVID-19) là 6.651. Tổng số ca nhiễm là 170.447. Có 76.835 ca chữa khỏi.

Trung Quốc có 80.860 ca nhiễm, trong đó có 3.213 ca tử vong.

Số ca tử vong ngoài Trung Quốc đại lục hiện nay lên tới 3.438. Trong đó Ý cao nhất 1.809 ca, Iran xếp thứ hai với 853 ca, Tây Ban Nha xếp thứ ba với 303 ca, Pháp 127 ca, Hàn Quốc 75 ca, Mỹ 68 ca, Đức 12 ca, Thụy Sĩ 13 ca, Mỹ 68 ca, Anh 35 ca, Philippines 12 ca, Nhật Bản 29 ca, Hà Lan 20 ca; Thụy Điển, Na Uy, Úc, Ba Lan, Lebanon đều ba ca; Áo, Đan Mạch, Canada, Slovenia, Bahrain, Thái Lan, Luxembourg, Đài Loan, Panama, Albania, Hungary, Morocco, CH Dominican, Guyana, Ukraine, Sudan, Guatemala đều một ca; Bỉ, Hy Lạp, đặc khu Hong Kong, Algeria đều bốn ca; Ireland, Ai Cập, Ấn Độ, Argentina, Bulgaria, Ecuador đều hai ca; Indonesia năm ca, Iraq 10 ca, San Marino bảy ca.

Riêng tại Việt Nam có 61 ca nhiễm COVID-19, trong đó 16 ca đã chữa khỏi hoàn toàn.

Ông Trump ra hướng dẫn mới để ngăn dịch COVID-19 lây lan

Theo SCMP, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 16-3 nói rằng ông dự đoán dịch COVID-19 có thể kéo dài tới tháng 7, tháng 8 hoặc thậm chí lâu hơn. Ông Trump cũng yêu cầu người Mỹ tránh các cuộc tụ tập từ hơn 10 người trở lên để ngăn chặn đà lây lan dịch.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng ông không có kế hoạch áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc tương tự như những lệnh cấm được các nước châu Âu như Pháp và Ý ban hành gần đây.

Tổng thống Trump phát biểu tại cuộc họp với lực lượng chuyên trách chống dịch COVID-19 hôm 16-3. Ảnh: Politico

Nhà lãnh đạo Mỹ cũng thông báo chính quyền ông khuyên người Mỹ tránh những cuộc tụ tập từ 10 người trở lên. Trước đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ hôm 15-3 khuyến nghị hủy bỏ các sự kiện gặp trực tiếp gồm từ 50 người trở lên trong tám tuần tới.

Ngay sau phát biểu của ông Trump, thị trưởng San Francisco - bà London Breed đã tuyên bố đóng cửa một phần TP, với hầu hết các doanh nghiệp phải đóng cửa từ giữa đêm 16-3 ngoại trừ cửa hàng tạp hóa, tiệm thuốc, ngân hàng, trạm xăng. Các nhà hàng được phép mở cửa để phục vụ cho các đơn đặt hàng.

Nhiều thống đốc bang ở Mỹ đã lệnh đóng cửa nhà hàng, quán bar và những doanh nghiệp không cần thiết khác như một phần trong các nỗ lực ngăn chặn dịch COVID-19. Thống đốc các bang New York, New Jersey và Connecticut ngày 16-3 đã ra lệnh cấm như vậy.

Giáo sĩ cấp cao Iran tử vong vì COVID-19

Hãng thông tấn IRNA (Iran) ngày 16-3 đưa tin giáo sĩ cấp cao của Iran - ông Hashem Bathaie Golpayegani đã qua đời sau khi nhiễm COVID-19.

Ông Golpayegani là giáo sĩ cấp cao và là một trong 88 thành viên của Hội đồng chuyên gia Iran - một cơ quan chính phủ quan trọng, có quyền giám sát, chỉ định hoặc bãi nhiệm lãnh tụ tối cao của Iran.

Ông Golpayegani nhập viện hôm 14-3 tại TP Qom.

Nhiều nhân vật chính trị và tôn giáo của Iran đã bị nhiễm COVID-19. Trong đó có người đã tử vong, bao gồm nữ nghị sĩ mới đắc cử Fatemeh Rahbar.

Iran hiện ghi nhận 14.991 ca nhiễm và 853 ca tử vong do COVID-19.

Tình hình đại dịch COVID-19 cực kỳ đáng lo ngại ở Pháp

Theo hãng tin RT, một quan chức y tế cấp cao của Pháp nói rằng người dân Pháp không nên đánh giá thấp mối đe dọa COVID-19 vì tình hình tại nước này vốn đã nghiêm trọng và có thể tệ đi nhanh chóng. Người này khuyến cáo người dân cần ở trong nhà.

Pháp đóng cửa nhà hàng, câu lạc bộ và cửa hàng trong cuộc chiến chống COVID-19. Ảnh: REUTERS

Có gần 5.500 ca nhiễm COVID-19 được xác nhận ở Pháp, trong đó hơn 400 người trong tình trạng nghiêm trọng. Tình hình đại dịch này “cực kỳ đáng lo ngại” với việc dịch bệnh lây lan rất nhanh, quan chức y tế cấp cao Jerome Salomon nói.

“Số ca nhiễm tăng gấp đôi cứ sau ba ngày. Tôi muốn người dân nhận ra rằng có hàng trăm người nhiễm bệnh thuộc diện chăm sóc đặc biệt” - ông Solomon nói.

Ông Salomon DGS - một cơ quan thuộc Bộ Đoàn kết và Y tế Pháp có nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe công cộng. Do đó, ông đang ở tuyến đầu trong việc chống đại dịch COVID-19. Ông Salomon lo ngại rằng công chúng đang xem nhẹ các hướng dẫn để giảm thiểu các tiếp xúc xã hội nhằm ngăn chặn virus lây lan.

“Nhiều người không hiểu rằng cần thiết phải ở nhà. Do mức độ tuân thủ thấp này, chúng tôi không thành công trong việc ngăn chặn dịch bệnh” - ông Salomon nói.

Đồng thời, nhiều người trẻ đang đánh giá thấp các rủi ro khi không thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết, vị quan chức nói thêm.

Ông Salomon cũng cảnh báo rằng sẽ là “thảm họa” nếu virus có điều kiện bùng phát và lây lan khắp các bệnh viện. Lúc đó bác sĩ buộc phải ưu tiên cho một số bệnh nhân.

Chính phủ Pháp chưa đưa ra các biện pháp nghiêm ngặt như kiểm soát biên giới hay phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus gây bệnh COVID-19.

Trung Quốc: 13 tỉnh, thành hết bệnh nhân nhưng Vũ Hán cảnh báo còn dịch tại địa phương

13 tỉnh, thành Trung Quốc không còn bất kỳ ca nhiễm COVID-19 nào cần chữa trị tính đến 11 giờ ngày 16-3 (giờ địa phương), đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đưa tin.

Tuy nhiên, TP Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc - nơi khởi phát dịch COVID-19 cảnh báo rằng địa phương này vẫn đang đối mặt với một dịch bệnh “nghiêm trọng” trong bối cảnh liên tiếp xuất hiện các ca lây nhiễm địa phương.

Binh sĩ từ các đơn vị hóa học quân sự của Đài Loan tham gia diễn tập. Ảnh: AFP

“Mặc dù số lượng các ca nhiễm mới hằng ngày ở Vũ Hán vẫn ở mức một con số, song vẫn có những ca nhiễm trong cộng đồng” - ông Zheng Yun, Phó Giám đốc Ủy ban Y tế Vũ Hán, cho hay.

Ông Zheng viện dẫn một cuộc điều tra dịch tễ hoặc cho biết thêm vẫn có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng vì một số bệnh nhân gần đây được cho đã nhiễm virus trong khu phố của họ.

Ông Zheng khuyến cáo công dân hãy thận trọng và tránh đi ra ngoài càng nhiều càng tốt.

500 triệu học sinh, sinh viên trên thế giới phải nghỉ học

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) cho hay hơn 500 triệu học sinh, sinh viên trên toàn thế giới không thể tới trường do dịch COVID-19 trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục lan sang các quốc gia khác.

Ít nhất 56 quốc gia đã đóng cửa trường học trên toàn quốc.

“Chúng ta đang đối mặt với một tình huống bất thường với một lượng lớn các quốc gia bị ảnh hưởng bởi cùng một vấn đề tại cùng một thời gian” - bà Stefania Giannini, Phó Tổng giám đốc phụ trách Giáo dục của UNESCO, nói.

(UNESCO) cho hay hơn 500 triệu học sinh, sinh viên trên toàn thế giới không thể tới trường do dịch COVID-19. Ảnh: Al Jazeera

“Chúng ta cần sát cánh bên nhau không chỉ để giải quyết những hệ quả giáo dục trước mắt của cuộc khủng hoảng chưa từng có này mà còn xây dựng khả năng phục hồi hệ thống giáo dục dài hạn hơn” - bà Giannini nói.

Chỉ mới tuần trước, UNESCO cho biết chỉ có 15 quốc gia đóng cửa trường học toàn quốc và 14 quốc gia tuyên bố đóng cửa trường học khu vực và những quyết định này ảnh hưởng tới 363 triệu học sinh, sinh viên.

UNESCO cho hay họ đang làm việc với các quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhằm “tìm ra giải pháp công nghệ cao, công nghệ thấp và phi công nghệ để đảm bảo việc học không bị gián đoạn”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm