Tình hình đại dịch COVID-19 tính đến sáng 1-5

Tính đến 6 giờ 15 ngày 1-5 (giờ Việt Nam), trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận toàn thế giới có 233.777 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19), trong tổng số 3.303.096 ca nhiễm.

Một phụ nữ ngồi xếp hàng chờ được xét nghiệm COVID-19 ở thủ đô Prague của CH Czech. Ảnh: REUTERS

Như vậy so với tối 30-4, số ca tử vong tăng 5.166 ca, số ca nhiễm tăng 66.800 ca

Ngoài ra, thế giới ghi nhận 1.038.424 bệnh nhân COVID-19 được chữa khỏi.

10 quốc gia có số người tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới gồm: Mỹ (63.827), Ý (27.967), Anh (26.771), Tây Ban Nha (24.543), Pháp (24.376), Bỉ (7.594), Đức (6.623), Iran (6.028), Hà Lan (4.795), Trung Quốc (4.633).

10 quốc gia có số người nhiễm COVID-19 cao nhất thế giới gồm: Mỹ (1.094.464), Tây Ban Nha (239.639), Ý (205.463), Anh (171.253), Pháp (167.178), Đức (163.009), Thổ Nhĩ Kỳ (120.204), Nga (106.498), Iran (94.640), Brazil (85.380).

Anh đã qua đỉnh dịch, chuẩn bị nới lỏng phong tỏa

Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 30-4 cho hay Anh đã qua đỉnh dịch COVID-19. Ông Johnson cho biết sẽ vạch ra kế hoạch nới lỏng các biện pháp phong tỏa vào tuần tới, theo hãng tin RT.

Hôm 30-4, tại cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi được chữa khỏi COVID-19, Thủ tướng Johnson thông báo ca tử vong do COVID-19 của Anh tính đến ngày 30-4 là 26.771 người sau khi tăng thêm 674 ca trong 24 giờ.

Anh hiện là nước xếp thứ ba thế giới về số người chết, sau Mỹ (63.827) và Ý (27.967).  

Về số ca nhiễm, theo trang thống kê Worldometer, tính đến thời điểm này Anh đã có 171.253 ca nhiễm COVID-19.

Dù các con số ca nhiễm, tử vong vẫn tăng, ông Johnson tuyên bố Anh “đã qua đỉnh dịch và đang ở đường dốc xuống” trong cuộc chiến chống virus chết người này.

Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: RT

Ông Johnson nói rằng Anh đã tránh được một dịch bệnh “không thể kiểm soát và thảm khốc” vốn được dự báo có thể cướp đi sinh mạng của nửa triệu người.

Thủ tướng Anh đã ca ngợi sự “quyết tâm và khéo léo” của người dân Anh trong ứng phó COVID-19, mặc dù bản thân ông đã bị chỉ trích vì đã ra lệnh phong tỏa đất nước khá chậm so với các nước láng giềng châu Âu khác.

Bản thân ông Johnson đã bị nhiễm COVID-19 hồi tháng 3 và từng phải chuyển vào phòng chăm sóc đặc biệt do tình hình xấu đi. Ông đã hồi phục và làm việc trở lại hôm 27-4.

Ông Johnson nói rằng nền kinh tế Anh sẽ sớm mở cửa trở lại. Ông Johnson không nêu mốc thời gian cụ thể, song cho hay ông sẽ công bố một kế hoạch toàn diện vào tuần tới liên quan tới các trường học và doanh nghiệp.

Tuy vậy, ông Johnson lưu ý việc mở cửa kinh tế phụ thuộc vào việc ngăn chặn sự gia tăng đột biến ca nhiễm thứ hai.

Tình báo Mỹ: COVID-19 không phải nhân tạo hay biến đổi gen

Các cơ quan tình báo Mỹ đã kết luận rằng virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 “không phải do con người tạo ra hay biến đổi gen”. Tuy vậy, tình báo cho biết vẫn đang điều tra liệu dịch COVID-19 bùng phát là do con người tiếp xúc với một động vật bị nhiễm bệnh hay do một vụ tai nạn tại một phòng thí nghiệm ở Trung Quốc, theo báo South China Morning Post.

Các nhân viên chính phủ Trung Quốc điều phối đưa khách du lịch đến từ Vũ Hán tới những địa điểm cách ly tại Bắc Kinh. Ảnh: AP

“Cộng đồng Tình báo (IC) cũng đồng tình với các nhà khoa học rằng virus gây bệnh COVID-19 không phải do con người tạo ra hay biến đổi gen. IC sẽ tiếp tục kiểm tra nghiêm ngặt thông tin và thu thập tình báo để xác định liệu dịch bệnh bùng phát là do con người tiếp xúc với các động vật bị nhiễm bệnh hay là kết quả của một vụ tai nạn tại một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán” - tuyên bố từ văn phòng giám đốc tình báo quốc gia của Mỹ nêu rõ.

Tuyên bố trên đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng các đồng minh của ông đã nêu ra giả thuyết chưa được chứng minh rằng một phòng thí nghiệm về bệnh truyền nhiễm ở TP Vũ Hán - tâm dịch COVID-19 của Trung Quốc là nguồn gốc của đại dịch COVID-19.

Những ngày gần đây, chính quyền Tổng thống Trump đã cáo buộc Trung Quốc không hành động kịp thời để ngăn chặn virus lây lan và đã không báo động cho thế giới về dịch COVID-19.

Trong khi đó, Tổng thống Trump hôm 30-4 tuyên bố ông có bằng chứng virus gây bệnh COVID-19 có nguồn gốc từ Viện Virus học Vũ Hán nhưng sẽ không tiết lộ bằng chứng đó là gì.

 WHO lo ngại tình trạng lây nhiễm cộng đồng ở Tây Phi

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lo ngại tình trạng lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng lan rộng tại nhiều quốc gia Tây Phi, bà Matshidiso Moeti -  Giám đốc phụ trách khu vực châu Phi của WHO ngày 30-4 cho hay.

Khu vực châu Phi hạ Sahara đến nay xác nhận khoảng 23.800 ca nhiễm và 900 ca tử vong. Nhiều quốc gia đã ra lệnh phong tỏa ở một số TP lớn cũng như các lệnh giới nghiêm và hạn chế đi lại giữa các TP.

Các nhân viên y tế ở Rwanda - một quốc gia thuộc châu Phi sàng lọc các ca bệnh COVID-19. Ảnh: THE NEW TIMES

“Chúng tôi rất lo ngại về Tây Phi, nơi chúng tôi đang chứng kiến tình trạng lây nhiễm cộng đồng lan rộng tại nhiều quốc gia so với các khu vực khác”, bà Moeti nói nhưng không nêu cụ thể những quốc gia đó.

Hôm 28-4, chính phủ Senegal cho hay một ca bệnh COVID-19 ở vùng Casamance của nước này đã lây nhiễm cho 25 người khác.

Senegal với dân số gần 16 triệu người đến nay ghi nhận 933 ca nhiễm và chín ca tử vong. Chính phủ Senegal đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp, đóng cửa trường học và thông báo các lệnh hạn chế về tụ tập, du lịch. Tuy nhiên, các ca nhiễm vẫn tiếp tục tăng.

Sau cuộc họp với các bộ trưởng hôm 29-4, Tổng thống Senegal - ông Macky Sall cho hay ông đã yêu cầu áp dụng thêm các biện pháp cưỡng chế đối với giao thông liên đô thị, các khu chợ và những nơi công cộng do “sự phổ biến các hành vi đầy rủi ro”.

Các quốc gia Tây Phi khác như Ghana và Burkina Faso đã bắt đầu gỡ bỏ các biện pháp phong tỏa vì lo ngại rằng việc đóng cửa kéo dài có thể có tác động lâu dài lên kinh tế.

Bà Moeti cho hay những quyết định áp đặt hay gỡ bỏ lệnh cấm có thể cực kỳ thách thức về mặt chính trị, song các chính phủ cần sử dụng dữ liệu để cân nhắc.

“Khi một chính phủ quyết định không phong tỏa một TP nào đó, họ cần nhận thức được rằng sẽ có những hậu quả về sự lây lan của virus.

Chúng tôi hy vọng rằng những quyết định này được thực hiện sau khi đã suy xét một cách tổng quan, cân bằng giữa việc phát triển kinh tế và ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh, điều có thể tác động sâu rộng đối với kinh tế” - bà Moeti nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm