Tình hình đại dịch COVID-19 tính đến sáng 13-3

Báo South China Morning Post (SCMP) dẫn số liệu từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết tính đến 6 giờ ngày 13-3, tổng số ca tử vong trên toàn cầu vì dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (dịch COVID-19) gây ra là 4.931. Tổng số ca nhiễm là 129.846. Trên toàn thế giới có 68.307 ca chữa khỏi.

Trong đó, Trung Quốc ghi nhận 3.169 ca tử vong và 80.793 ca nhiễm.

Đến nay số ca tử vong ngoài Trung Quốc đại lục lên đến con số 1.762. Trong đó, Ý cao nhất với 1.016 ca, Iran xếp thứ hai với 429 ca, Tây Ban Nha xếp thứ ba với 84 ca, Hàn Quốc 66 ca, Pháp 48 ca, Mỹ 35 ca, Nhật Bản 22 ca; Iraq sáu ca;  Đức, Bỉ, Úc, đặc khu Hong Kong, San Marino đều ba ca; Na Uy, Thụy Sĩ, Áo, Canada, Hy Lạp, Ấn Độ, Thái Lan, Ai Cập, Đài Loan, Ba Lan, Indonesia, Ireland, Algeria, Argentina, Albania, Panama, Morocco, Guyana, Bulgaria đều một ca; Thụy Điển, Hà Lan đều bốn ca; Lebanon, Philippines đều hai ca; Anh 10 ca.

Tính đến nay, Việt Nam ghi nhận 44 ca nhiễm COVID-19, trong đó 16 ca đã hồi phục hoàn toàn.

Ý: Số ca tử vong vượt hơn 1.000

Cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý ngày 12-3 thông báo số ca tử vong vì dịch COVID-19 tại nước này trong 24 giờ qua đã tăng thêm 189 ca lên thành 1.016 ca. Nước này cũng ghi nhận thêm 2.651 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm lên 15.113.

Ý hiện là quốc gia có số tử vong vì dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Thủ tướng Ý hôm 11-3 đã bổ sung một số lệnh cấm mới. Ông Conte tuyên bố đóng cửa toàn bộ cửa hàng trừ siêu thị, cửa hàng thực phẩm và nhà thuốc.

Hôm 9-3, Thủ tướng Conte thông báo toàn bộ nước Ý với hơn 60 triệu dân phải chịu phong tỏa cho đến đầu tháng 4. Theo đó, người dân được yêu cầu ở trong nhà và cấm tụ tập nơi đông người.

Bác sĩ Quốc hội Mỹ: 150 triệu người Mỹ có thể nhiễm COVID-19

Nữ nghị sĩ Mỹ thuộc đảng Dân chủ Rashida Tlaib tiết lộ rằng một bác sĩ của Quốc hội Mỹ dự đoán sẽ có từ 70 đến 150 triệu người Mỹ có thể nhiễm virus gây bệnh COVID-19.

Bà đưa ra tuyên bố trên tại một phiên điều trần của Hạ viện Mỹ với các thành viên của đội đặc nhiệm chống dịch COVID-19 hôm 12-3.

“Bác sĩ chính của quốc hội nói với Thượng viện rằng ông dự đoán sẽ có từ 70 đến 150 triệu người ở Mỹ nhiễm virus Corona chủng mới” - bà Tlaib nói.

Chuyên gia Trung Quốc dự đoán COVID-19 suy yếu từ tháng 6

Chuyên gia dịch tễ Trung Quốc Chung Nam Sơn dự đoán đại dịch COVID-19 sẽ suy yếu dần từ tháng 6 nhưng với điều kiện các quốc gia cần nỗ lực hơn để ngăn dịch lây lan.

Bên ngoài BV trung ương Vũ Hán (Trung Quốc). Ảnh: REUTERS

Ông Chung nói rằng có một số quốc gia vẫn chưa coi trọng tình hình và không quyết liệt trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Ông cảnh báo trong trường hợp như vậy, dịch bệnh có thể kéo dài bất chấp cái nóng của mùa hè khiến các chủng virus tương đối không hoạt động.

Theo ông Chung, dù nỗ lực chống dịch COVID-19 đã cho kết quả khả quan nhưng Trung Quốc vẫn cần thắt chặt kiểm soát nhằm ngăn những ca nhiễm mới từ nước ngoài xâm nhập vào nước này.

"Hầu hết các ca nhiễm từ nước ngoài đều không có triệu chứng, một nửa trong số đó không sốt, giống với tình hình Vũ Hán giai đoạn đầu. Điều này cho thấy các quốc gia khác chưa làm đủ để ngăn chặn virus" -  chuyên gia Chung nói với các phóng viên tại Bắc Kinh hôm 12-3.

Singapore đối mặt với tình hình nghiêm trọng nhưng kiểm soát được

Với tình hình dịch COVID-19 được dự đoán tiếp tục kéo dài một khoảng thời gian nữa, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hôm 12-3 cảnh báo rằng nước này đang đối mặt với một “tình hình nghiêm trọng” với nguy cơ tăng vọt các ca nhiễm, có thêm cụm lây nhiễm từ các quôc gia khác bất chấp đã có lệnh cấm đối với những người đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran và Ý, theo trang tin Channel News Asia.

Một nhân viên kiểm dịch y tế Malaysia chờ hành khách tại một điểm kiểm tra thân nhiệt trong nhà ga quốc tế của sân bay Kuala Lumpur ở Sepang (Malaysia). Ảnh: REUTERS 

Ông Lý nhấn mạnh rằng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch COVID-19 là đại dịch và dự đoán dịch này sẽ “tiếp tục một khoảng thời gian nữa, có thể một năm hoặc lâu hơn”.

 “Chúng tôi dự đoán có thêm nhiều ca nhiễm nhập khẩu và do đó các cụm lây nhiễm mới và làn sóng nhiễm bệnh mới thời gian này là đến từ nhiều quốc gia chứ không phải một hay hai quốc gia” - ông Lý nói.

Cũng theo ông Lý, mặc dù Singapore đã áp đặt một số hạn chế đi lại song sẽ phải thắt chặt hơn nữa.

Dẫu vậy, ông Lý nói rằng tình hình vẫn nằm trong tầm kiểm soát và Singapore không nâng mức cảnh báo đối với dịch COVID-19 lên mức đỏ theo thang DORSCON (Disease Outbreak Response System Condition).

“Chúng tôi không phong tỏa thành phố giống như người Trung Quốc, người Hàn Quốc hay người Iran đã làm. Những gì chúng tôi đang làm lúc này là lên kế hoạch trước cho một số biện pháp nghiêm ngặt hơn, thử nghiệm chúng và chuẩn bị cho người Singapore vào lúc thực sự cần thiết” - ông Lý nói.

Tính đến ngày 12-3, Singapore ghi nhận 187 ca nhiễm COVID-19, trong đó 96 ca đã hồi phục và xuất viện.

Tổng thống Philippines tuyên bố phong tỏa thủ đô Manila để chống COVID-19

Theo hãng tin Reuters, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 12-3 tuyên bố ngừng hoạt động đi lại bằng đường không, đường biển và đường bộ nội địa đến và đi từ thủ đô Manila.

Ngoài ra, ông Duterte cũng đưa ra các biện pháp cách ly cộng đồng mà ông gọi là “phong tỏa” thủ đô để ngăn dịch lây lan.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte xét nghiệm COVID-19 tại Cung điện Malacanang ở Manila ngày 12-3. Ảnh: AP

Ông Duterte đã thông qua nghị quyết cho phép thực thi một loạt biện pháp hạn chế, trong đó có lệnh cấm tụ tập đông người, đóng cửa các trường học một tháng và cách ly các cộng đồng phát hiện trường hợp nhiễm COVID-19 cũng như ngừng hoạt động ra vào thủ đô Manila.

Philippines hôm 7-3 công bố trường hợp COVID-19 đầu tiên lây nhiễm trong nước. Đến nay, nước này đã ghi nhận hai ca tử vong do COVID-19 và 53 trường hợp nhiễm virus gây bệnh COVID-19.

Châu Âu “không tán thành” lệnh cấm đi lại của Mỹ

Theo đài CNN, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) hôm 12-3 cho biết họ không tán thành quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump cấm đi lại từ 26 nước thuộc châu lục này tới Mỹ để ngăn dịch COVID-19.

Trong một tuyên bố phát đi ngày 12-3, Chủ tịch Hội đồng châu Âu - ông Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu - bà Ursula von der Leyen nói rằng dịch COVID-19 là “khủng hoảng toàn cầu, không giới hạn ở bất kỳ châu lục nào và đòi hỏi hợp tác hơn là hành động đơn phương”.

Một cặp vợ chồng mới cưới cùng người thân đeo khẩu trang chụp ảnh tại Tsim Sha Tsui (Hong Kong). Ảnh: REUTERS 

“EU không chấp nhận việc Mỹ quyết định cấm đi lại được thực hiện đơn phương và không có tham vấn” - tuyên bố cho biết.

Về phần mình, Tổng thống Donald Trump nói rằng ông áp đặt lệnh cấm đi lại sâu rộng với các nước EU mà không tham vấn họ vì ông không có thời gian và ông “phải hành động nhanh lên”. Ông Trump nói ông miễn trừ Anh vì nước này đang làm tốt việc chống dịch COVID-19.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng tối 11-3 thông báo về việc dừng toàn bộ các chuyến đi từ châu Âu đến Mỹ trong 30 ngày tới, trừ nước Anh. Tổng thống Mỹ tuyên bố các quy tắc mới bắt đầu có hiệu lực từ nửa đêm 13-3.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm