Tình hình đại dịch COVID-19 tính đến sáng 10-4

Tính đến 6 giờ 28 phút ngày 10-4, trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận toàn thế giới 95.531 người tử vong vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (tên chính thức là đại dịch COVID-19) và 1.599.811 ca nhiễm.  

Như vậy so với tối 9-4, số ca tử vong tăng 5.850 ca, số ca nhiễm tăng 67.897 ca.

Ngoài ra, toàn thế giới hiện có 355.511 người được chữa khỏi, tăng 18.235 người so với số liệu tối 9-4.

10 quốc gia có số người tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới gồm: Ý (18.279), Mỹ (16.548), Tây Ban Nha (15.447), Pháp (12.210), Anh (7.978), Iran (4.110), Trung Quốc (3.335), Đức (2.607), Bỉ (2.523), Hà Lan (2.396).

10 quốc gia có số người nhiễm COVID-19 cao nhất thế giới: Mỹ (465.689), Tây Ban Nha (153.222), Ý (143.626), Đức (118.235), Pháp (117.749), Trung Quốc (81.865), Iran (66.220), Anh (65.077), Thổ Nhĩ Kỳ (42.282), Bỉ (24.983).

Mỹ hơn 16.000 ca tử vong, New York có kỷ lục mới về số người chết trong một ngày

Theo Worldometer, Mỹ hiện ghi nhận 465.689 ca nhiễm COVID-19, trong đó 16.548 người đã tử vong.

Như vậy, Mỹ hiện vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất thế giới và xếp thứ hai về số người chết sau Ý (18.279).

Nhân viên y tế chuẩn bị đưa đi thi thể một nạn nhân COVID-19 tại Trung tâm Y khoa Kingsbrook Jewish ở New York, Mỹ. Ảnh: REUTERS

Bang New York là nơi có dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất tại Mỹ khi chiếm gần một nửa số ca tử vong tại nước này.

Thống đốc New York - ông Andrew Coumo ngày 9-4 cho biết trong vòng 24 giờ trước đó, New York ghi nhận thêm số ca tử vong mới kỷ lục trong một ngày với 799 ca.

Theo trang tin The Hill, đây là ngày thứ ba liên tiếp New York ghi nhận số người chết vì COVID-19 cao hơn ngày trước đó. Con số trên nâng tổng số ca tử vong tại bang này lên 7.067 ca.

Ông Cuomo cho biết mặc dù số người tử vong tiếp tục tăng nhưng tỉ lệ nhập viện đã giảm.

Hôm 6-10, Thống đốc Cuomo đã gia hạn lệnh đóng cửa trường học và các doanh nghiệp không thiết yếu trên toàn bang tới ngày 29-4 nhằm giúp ngăn tỉ lệ nhiễm gia tăng trở lại.

“Chúng tôi đang làm phẳng đường cong bằng những gì chúng tôi đang thực hiện. Chúng tôi phải giữ cho đường cong bằng phẳng” - ông Coumo nói hôm 9-4.

Ông Cuomo cũng cảnh báo khả năng có làn sóng nhiễm bệnh thứ hai và còn quá sớm để nói khi nào New York có thể mở cửa trở lại.

Theo hãng tin Reuters, các y, bác sĩ kỳ cựu đã bị sốc trước tình trạng tốc độ chuyển biến của các ca bệnh từ xấu đến tử vong tại New York.

Các y bác sĩ cho biết những bệnh nhân cao tuổi và những người mắc các bệnh tiềm ẩn không phải là những người duy nhất xuất hiện tình trạng bệnh tình tưởng chừng như đã được cải thiện trong một khoảnh khắc nhưng đã tử vong ngay sau đó. Tình trạng này cũng xảy ra với những người trẻ tuổi và khỏe mạnh.

“Bệnh nhân trông có vẻ ổn, cảm thấy ổn, sau đó bạn quay lại và họ không còn phản ứng được nữa” - Cameron Torres, một y tá tại bệnh viện Mount Sinai ở TP New York cho biết.

Ý: Ca nhiễm, tử vong tăng trở lại, 100 bác sĩ qua đời

Ý ngày 9-4 có thêm 610 người tử vong vì COVID-19, tăng so với 542 người vào ngày trước đó. Ý ngày 9-4 cũng có thêm 4.204 ca nhiễm, cao hơn con số 3.836 vào ngày trước đó.

Như vậy, đến nay Ý có tổng số ca tử vong là 18.279 - cao nhất thế giới và tổng ca nhiễm là 143.626 - cao thứ ba thế giới sau Mỹ và Tây Ban Nha.

Ngoài ra, đã có 28.470 ca bệnh COVID-19 đã hồi phục tại Ý, tăng so với 26.491 ca vào ngày trước đó.  

Các bác sĩ điều trị một bệnh nhân COVID-19 trong phòng chăm sóc tích cực tại một bệnh viện ở Rome (Ý). Ảnh: GETTY

Bên cạnh đó, Hiệp hội các bác sĩ Ý ngày 9-4 cho biết ít nhất 100 bác sĩ đã qua đời vì COVID-19 tại nước này. 80 người trong số họ làm việc tại miền Bắc nước Ý - tâm dịch COVID-19 của nước này.

Tính đến ngày 8-4, 13.522 nhân viên y tế đã nhiễm COVID-19 tại Ý, theo Viện Y tế Ý.

“Chúng tôi đã chứng kiến mức độ làm việc quá tải chưa từng có của các y, bác sĩ, đặc biệt là những người làm việc trong các đơn vị chăm sóc tích cực, những người quản lý hay những người tham gia trực tiếp nhất vào ứng phó đại dịch COVID-19. Họ nhiều khi không có đủ thời gian để nghỉ ngơi và hồi phục sức khỏe” - ông Giorgio Cometto - một điều phối viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói.

Canada dự báo 1,9 triệu ca nhiễm, 22.000 ca tử vong vì COVID-19

Các quan chức y tế ở Canada cảnh báo có thể lên đến 11.000-22.000 người tử vong vì COVID-19 tại nước này vào ngày cuối đại dịch.

Cụ thể, Canada dự báo sẽ có 500-700 người chết cho đến ngày 16-4.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau tại buổi họp báo hôm 9-4. Ông Trudeau vừa kết thúc thời hạn tự cách ly. Ảnh: REUTERS

Canada cũng cho biết họ có thể ghi nhận từ 934.000 đến 1,9 triệu ca nhiễm cho đến khi đại dịch kết thúc.

Canada hiện có 509 ca tử vong và 20.765 ca nhiễm.

Chính quyền địa phương trên toàn Canada đã cho ngừng tất cả hoạt động kinh doanh không thiết yếu nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan.

Thủ tướng Justin Trudeau đã yêu cầu người dân tiếp tục ở nhà càng nhiều càng tốt.

Đông Nam Á: Singapre, Indonesia tăng kỷ lục ca nhiễm

Tại Singapore, Lực lượng đặc nhiệm liên bộ ngành ứng phó COVID-19 của nước này tối 9-4 thông báo 287 ca nhiễm mới. Đây là mức tăng kỷ lục trong vòng một ngày tại nước này, nâng tổng số người nhiễm COVID-19 tại đảo quốc sư tử lên 1.910 ca.

Theo kênh truyền hình Channel News Asia, đáng chú ý, trong số 287 ca nhiễm mới có 219 ca liên quan tới các cụm dịch COVID-19 hiện tại, trong đó 160 ca liên quan tới ký túc xá cho công nhân S11 Dormitory @ Punggol. 

Các công nhân nước ngoài đứng trên dọc hành lang tại ký túc xá cho công nhân S11 Dormitory @ Punggol ở Singapore. Ảnh: AFP

19 ca liên quan tới các ca COVID-19 trước đó, 46 ca không phát hiện nguồn lây nhiễm, lực lượng đặc nhiệm cho biết. Trong số các ca mới nhất có ba ca từ nước ngoài vào. 

Có 314 ca mắc COVID-19 của Singapore hiện đã được đưa ra khỏi khoa chăm sóc cấp tính, 705 ca được chuyển tới cơ sở cách ly cộng đồng. 

Cho tới nay, Singapore cũng ghi nhận sáu ca tử vong do COVID-19. 

Lực lượng đặc nhiệm cho biết với sự giúp đỡ của cảnh sát và Bộ Quốc phòng, họ đã thiết lập một liên kết giữa cụm lây nhiễm tại trung tâm mua sắm Mustafa Center và công trường xây dựng Project Glory cũng như một số ký túc xá công nhân nước ngoài: S11 Dormitory@Punggol, Sungei Tengah Lodge, Tampines Dormitory Cochrane Lodge II  và Toh Guan Dormitory. 

Giám đốc Cơ quan Dịch vụ Y tế, Bộ Y tế Singapore, ông Kenneth Mak cho hay: "Chúng tôi tin rằng những công nhân đã đến Mustafa, sau đó lây nhiễm cho đồng nghiệp của họ. Sự truyền nhiễm rất có thể đã xảy ra thông qua tiếp xúc gần, chẳng hạn như vào giờ ăn, trong lúc nghỉ ngơi và giữa các đồng nghiệp tại nơi làm việc”.

Singapore đã chứng kiến sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19 tại các khu vực của công nhân nước ngoài trong thời gian gần đây.

Sungei Tengah Lodge trở thành ký túc xá công nhân nước ngoài thứ tư bị phong tỏa từ giữa khuya 9-4. Ba ký túc xá khác được xem là khu vực cách ly gồm: S11 Dormitory @ Punggol, Westlite Toh Guan Dormitory và Toh Guan Dormitory.

Nhà chức trách cũng đã sơ tán những công nhân không mắc bệnh, đặc biệt là những người làm việc trong các dịch vụ thiết yếu, tới những địa điểm khác như doanh trại, trung tâm triển lãm, khách sạn nổi… Cho tới nay, hơn 5.000 công nhân đã được chuyển tới những nơi này.

Chính phủ Singapore đã áp đặt lệnh đóng cửa một phần đất nước kể từ ngày 7-4 và kéo dài đến ngày 4-5 nhằm ngắt mạch lây nhiễm COVID-19.

Các biện pháp bổ sung nhằm đảm bảo giãn cách xã hội tại các mạng lưới giao thông công cộng cũng được ban hành ngày 9-4 tại Singapore.

Những cá nhân vi phạm như tụ tập đông người hay không tuân thủ các quy tắc giãn cách xã hội sẽ bị phạt. Những người vi phạm lần đầu sẽ bị gửi văn bản cảnh báo nghiêm khắc, vi phạm lần hai bị phạt 300 SGD, vi phạm lần ba sẽ bị buộc tội tại tòa.

Nhân viên y tế nghỉ ngơi sau khi hoàn thành các cuộc xét nghiệm COVID-19 ở Depok, phía nam thủ đô Jakarta (Indonesia). Ảnh: REUTERS

Tại Indonesia, tối 9-4, nước ngày ghi nhận 337 ca nhiễm mới. Đây là mức tăng ca nhiễm theo ngày cao nhất kể từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên tại nước này hồi tháng trước. Như vậy tới nay nước này có tổng cộng 3.293 người bệnh.

Indonesia cũng có thêm 40 người tử vong vì COVID-19, nâng tổng số người chết cả nước lên 280 người. Đây cũng là nước có số ca tử vong vì COVID-19 nhiều nhất khu vực Đông Nam Á.

Các nhà nghiên cứu tại ĐH Indonesia dự đoán nước này có thể có 1,5 triệu ca nhiễm và 140.000 người tử vong vì COVID-19 nếu không kiềm chế mạnh mẽ hoạt động di chuyển và tụ tập của người dân.

Tại Malaysia, thêm 109 ca nhiễm và hai người chết đã được ghi nhận trong 24 giờ qua. Với những con số mới này, Malaysia đến nay có 4.228 ca nhiễm, cũng là nước có số ca nhiễm lớn nhất trong khu vực.

Ngoài ra, Bộ Y tế Malaysia xác nhận có thêm hai người chết, nâng tổng số người chết vì COVID-19 ở nước này tới nay lên 67 người.

Tại Philippines, Bộ Y tế Philippines hôm 9-4 cho biết nước này đã có thêm 206 ca nhiễm mới và 21 người qua đời vì COVID-19.

Như vậy, đến nay Philippines đã có 4.076 ca nhiễm, với 203 người tử vong.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm