Tình hình COVID-19 Đông Nam Á thế nào khiến WHO phải lo ngại?

Ngày 17-3 (giờ châu Âu), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lên tiếng kêu gọi các nước Đông Nam Á tích cực hơn nữa trong công tác chống dịch COVID-19. Vậy tình hình COVID-19 ở Đông Nam Á đang diễn biến thế nào mà WHO phải lo ngại và ra lời kêu gọi như thế?

Có thể nói Malaysia đang là tâm điểm lo lắng của Đông Nam Á với không những số ca nhiễm hiện tại nhiều nhất mà có nguy cơ bùng nổ thêm trong những ngày tới.

Tính tới sáng 18-3, Malaysia có hai người chết và tới 673 ca nhiễm, theo báo Straits Times. Đáng lo ngại hơn một nửa số ca nhiễm liên quan đến một sự kiện tôn giáo 16.000 người tham gia (hãng tin AFP nói tới 20.000 người). Tham gia sự kiện tôn giáo này không chỉ người Malaysia mà cả công dân nhiều nước, như Singapore, Indonesia, Brunei, Thái Lan, Bangladesh… và cả Việt Nam (có một ca nhiễm ở Ninh Thuận sau khi trở về từ Malaysia).

Đo nhiệt độ người vào một bệnh viện ở thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia). Ảnh: REUTERS

Từ hôm nay (18-3) đến ngày 31-3, Malaysia sẽ thực hiện lệnh đóng cửa đất nước mà Thủ tướng Muhyiddin Yassin thông báo tối 16-3 để ngăn dịch. Theo đó, mọi người dân Malaysia bị cấm ra nước ngoài, người nước ngoài bị cấm nhập cảnh vào Malaysai. Còn với dân Malaysia từ nước ngoài trở về phải chịu kiểm tra sức khỏe và tự cách ly 14 ngày. Malaysia cũng cấm tụ tập đông người, như các sự kiện tôn giáo, thể thao, văn hóa

Toàn bộ trường học, trường đại học phải đóng cửa. Mọi địa điểm cầu nguyện và cơ sở kinh doanh sẽ phải đóng cửa, trừ siệu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi.

Mua hàng hóa tại siêu thị ở Malaysia ngày 17-3. Ảnh: REUTERS

Các trụ sở công và tư sẽ bị đóng cửa trừ các dịch vụ cần thiết như nước, điện, năng lượng, viễn thông, bưu chính, giao thông, dầu khí, đài phát thanh truyền hình, tài chính, ngân hàng, y tế, nhà thuốc, cứu hỏa, nhà tù, cảng biển, sân bay, an ninh, quốc phòng, vệ sinh, cung cấp thực phẩm.

Tại Philippines, tính đến hết ngày 17-3 nước này có 14 người chết và 187 người nhiễm. Số ca tử vong không tăng so với ngày trước nhưng số ca nhiễm tăng thêm tới 45.

Từ ngày 17-3, Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố “tình trạng thảm họa” trên cả nước trong sáu tháng, có thể dỡ bỏ hay kéo dài thêm tùy tình hình. Động thái này giúp chính phủ rộng quyền hơn trong chống dịch. Ông Duterte trước đó cũng đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế công cộng toàn quốc.

Cảnh hỗn loạn tại một chốt kiểm soát phong tỏa ở Manila ngày 17-3 - ngày phong tỏa thứ hai chống dịch COVID-19. Ảnh: INQUIRER

Ông Duterte cũng đặt toàn bộ đảo Luzon vào tình trạng “tăng cường cách ly cộng đồng” từ ngày 17-3 đến hết 13-4. Theo tình trạng “tăng cường cách ly cộng đồng”, tất cả hộ dân ở đảo Luzon sẽ phải cách ly khắt khe, giao thông bị ngưng, việc cung cấp thực phẩm và nhu yếu phẩm sẽ phải theo quy định, tăng cường triển khai lực lượng an ninh giám sát.

Từ tuần trước, ông Duterte đã lệnh phong tỏa 12 triệu dân thủ đô Manila, cấm người từ các nước có dịch lớn nhập cảnh.

Tại Indonesia, tính đến sáng nay dịch đã lan ra tám tỉnh với hơn 130 người nhiễm và năm người chết, theo báo Jakarta Post. Indonesia có 700 người tham gia sự kiện tôn giáo 16.000 người ở Malaysia.

Tổng thống Joko Widodo đầu tuần này nói chính phủ không có kế hoạch phong tỏa các điểm nóng đông người nhiễm COVID-19, dù biện pháp này đã được thực hiện ở hai nước láng giềng Malaysia, Philippines. Ông Widodo nhấn mạnh các chính quyền khu vực phải tham vấn chính phủ trung ương trước khi có bất kỳ chính sách lớn nào liên quan COVID-19.

Tổng thống Joko Widodo vẫn kiềm chế phong tỏa đất nước. Ảnh: JAKARTA POST

Tuy nhiên, Jakarta Post nhận định ông Widodo đang đứng trước áp lực ngày càng tăng phải phong tỏa các khu vực nhiều người nhiễm. Nhiều nhà khoa học cũng cho rằng Indonesia đang phải chạy đua với thời gian chống dịch và phong tỏa có thể là biện pháp duy nhất lúc này.

Jakarta Post ngày 14-3 từng đưa tin Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus từ ngày 11-3 đã gửi thư đề nghị Tổng thống Widodo có biện pháp ngăn đà lây, bao gồm cân nhắc “tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia”.

Tính tới ngày 18-3 Thái Lan có một người chết và 177 người nhiễm. Số ca nhiễm phần lớn ở Bangkok. Bộ Y tế Thái Lan nói không lo tình trạng thiếu giường bệnh.

Khử trùng chùa Wat Suthat Thepphawararam ở Bangkok (Thái Lan). Ảnh: BANGKOK POST

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha chưa áp lệnh phong tỏa dù các nhà điều hành du lịch kêu gọi chính phủ ra lệnh phong tỏa cả nước từ hai tuần đến một tháng. Từ hôm nay (18-3) Thái Lan đóng cửa các quán bar, địa điểm giải trí, massage, phòng tập thể hình, nhà hát, rạp phim, trường quốc tế, trường đại học ở Bangkok và các tỉnh lân cận.

Thái Lan đã quy định siết chặt nhập cảnh với người đến từ sáu nước và vùng lãnh thổ có dịch nghiêm trọng (Trung Quốc, Hàn Quốc, Macau, Hong Kong, Ý, Iran).

Tại Singapore, số ca nhiễm tính tới sáng nay là 266, với 14 người đang nguy kịch, tuy nhiên số người được điều trị hồi phục và xuất viện cũng cao: 144.

Hành khách tại sân bay Changi (Singapore) ngày 16-3. Ảnh: REUTERS

Chính phủ Singapore đề nghị dân không ra nước ngoài nếu không cần thiết, nếu đi thì khi về phải chịu cách ly tại nhà 14 ngày. Quy định cách ly này cũng áp dụng với du khách nhập cảnh từ các nước ASEAN.

Campuchia đã có 33 ca nhiễm, chưa có người tử vong. Trong chín ca nhiễm mới của ngày 17-3, có tới sáu ca là người Hồi giáo trở về sau khi dự một sự kiện tôn giáo ở Malaysia. Campuchia cho đóng cửa một số địa điểm giải trí, trưng dụng một khách sạn lớn làm nơi điều trị bệnh nhân.

Khách sạn Great Duke Hotel được trưng dụng điều trị bệnh nhân COVID-19. Ảnh: PHNOMPENH POST

Cuối tuần rồi, Campuchia ra lệnh cấm nhập cảnh 30 ngày với người đến từ Ý, Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Mỹ và cấm mọi du thuyền cập bến.

Vệ sinh một trường học quốc tế ở Campuchia. Ảnh: PHNOMPENH POST

Tính đến sáng 18-3, Brunei có 56 ca nhiễm, trong đó ít nhất ba ca nhiễm sau khi tham gia sự kiện tôn giáo Hồi giáo ở Malaysia, chưa có người chết. Từ ngày 15-3, Brunei cấm công dân và người nước ngoài sống tại nước này ra nước ngoài.

Việt Nam có 67 ca nhiễm, chưa có ca tử vong, tính đến sáng 18-3.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm