Tìm thấy xác tàu sân bay USS Hornet của Mỹ dưới đáy TBD

Xác tàu sân bay USS Hornet của Mỹ mất tích từ thời Chiến tranh Thế giới thứ hai vừa được tìm thấy nằm dưới đáy biển Nam Thái Bình Dương gần đảo Solomon, đài Fox News đưa tin. Bên tìm thấy là tổ chức nghiên cứu Vulcan do cố tỉ phú Paul Allen lập nên.

Theo thông cáo của Vulcan thì xác tàu USS Hornet thuộc lớp Yorktown được tàu nghiên cứu Petrel của Vulcan tìm thấy từ cuối tháng 1. Xác tàu USS Hornet  được tìm thấy ở độ sâu hơn 5,3km so với mặt biển.

Máy ngắm trên xác tàu sân bay USS Hornet được tìm thấy dưới đáy biển Nam Thái Bình Dương. Ảnh: FOX NEWS

Máy ngắm trên xác tàu sân bay USS Hornet được tìm thấy dưới đáy biển Nam Thái Bình Dương. Ảnh: FOX NEWS

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng thông tin từ các cục lưu trữ quốc gia và hàng hải Mỹ để tìm con tàu, cũng như các báo cáo hoạt động từ các tàu khác liên quan đến trận chiến quần đảo Santa Cruz vào năm 1942.

“Các vị trí và tầm nhìn từ chín tàu chiến Mỹ trong khu vực được đánh dấu trên bản đồ là căn cứ khởi đầu hệ thống tìm kiếm. Trong trường hợp tàu Hornet, nó được tìm thấy ngay trong chiến dịch lặn đầu tiên của tàu Petrel và được xác nhận bằng các thước quay từ một thiết bị điều khiển từ xa”, Fox News dẫn thông cáo của Vulcan cho biết.

Xác tàu sân bay USS Hornet. Ảnh: FOX NEWS

Súng thần công Oerlikon trên thân tàu USS Hornet. Ảnh: FOX NEWS

Tàu sân bay USS Hornet được biết có vai trò quan trọng trong cuộc không kích Doolittle xuống Nhật tháng 4-1942. 16 máy bay ném bom B-25 của Mỹ cất cánh từ tàu USS Hornet và thực hiện cuộc không kích đầu tiên xuống đất Nhật để trả đũa việc Nhật tấn công Mỹ ở Trân Châu Cảng vào ngày 7-12-1941.

Tàu sân bay USS Hornet cũng có vai trò lớn trong trận chiến hải quân Midway mang tính quyết định tháng 6-1942 khi hải quân Mỹ đánh bại một hạm đội tàu Nhật.

Tàu USS Hornet bị đánh chìm trong cuộc chiến tàn khốc tại quần đảo Santa Cruz kéo dài từ ngày 25 đến ngày 27-10-1942.

Theo thông cáo của Vulcan thì sau khi chịu hàng loạt đợt tấn công không ngừng nghỉ từ các máy bay ném bom và máy bay thả ngư lôi của Nhật, các thủy thủ tàu USS Hornet buộc phải rời bỏ tàu.

Nỗ lực sau đó của hải quân Mỹ nhằm giải cứu tàu USS Hornet đã không thành công, hậu quả là con tàu bị chìm vào khuya 26-10-1942 sau khi hứng bốn quả ngư lôi do hai tàu khu trục Nhật nhắm phóng.

Tổng cộng có 111 người trong số gần 2.200 thủy thủ trên tàu đã thiệt mạng trong trận chiến này.

Súng ngắm bắn máy bay trên tàu USS Hornet. Ảnh: FOX NEWS

Không bị chìm như tàu USS Hornet, nhưng tàu sân bay USS Enterprise, cũng thuộc lớp Yorktown, bị hư hại nặng sau trận chiến này.

“Với việc mất tàu USS Hornet và tàu USS Enterprise hư hại nghiêm trọng, trận chiến quần đảo Santa Cruz là một chiến thắng của Nhật, nhưng với cái giá quá đắt. Gần một nửa máy bay chiến đấu Nhật tham gia trận chiến bị phòng không của hải quân Mỹ bắn rơi. Hậu quả là các tàu sân bay Nhật đã không thể tham gia vào bất kỳ trận chiến nào trong gần hai năm sau đó”, theo lời Chuẩn Đô đốc Samuel Cox, Giám đốc Trung tâm Lịch sử và Di sản Hàng hải của Mỹ.

Máy bay tiêm kích F4F-4 Wildcat trên xác tàu sân bay USS Hornet. Ảnh: FOX NEWS

Máy bay tiêm kích F4F-4 Wildcat trên xác tàu sân bay USS Hornet. Ảnh: FOX NEWS

“Trong danh sách các tàu chiến thời Chiến tranh Thế giới thứ hai mà chúng ta muốn xác định và tìm lại có tàu USS Hornet, do tầm quan trọng của nó trong lịch sử với tư cách là một tàu sân bay trải qua nhiều giờ khắc quyết định trong các trận chiến hàng hải. Ông Paul Allen đặc biệt quan tâm đến ý nghĩa lịch sử và các con tàu hàng đầu, vì thế chiến dịch tìm kiếm này nhằm vinh danh ông ấy”, Giám đốc hoạt động tìm kiếm dưới biển Robert Kraft của Vulcan tuyên bố.

Tỷ phú Allen, nhà đồng sáng lập tập đoàn phần mềm Microsoft, đã qua đời vào tháng 10-2018 vì bệnh ung thư.

Máy kéo International Harvester trên xác tàu USS Hornet. Ảnh: FOX NEWS

Máy kéo International Harvester trên xác tàu USS Hornet. Ảnh: FOX NEWS

Trước tàu USS Hornet, tổ chức Vulcan đã tìm được một số xác tàu quân sự có ý nghĩa lịch sử, như các tàu USS Helena, USS Lexington, USS Juneau của Mỹ, thiết giáp hạm Hiei của Nhật bị Mỹ đánh chìm thời Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Tuy nhiên, phi vụ tìm kiếm lớn nhất của Vulcan là vào năm 2017, khi tỷ phú Allen và đội ngũ của mình tìm được xác tàu tuần dương USS Indianapolis ở biển Philippines.

Thân tàu USS Hornet bị hư hỏng nặng. Ảnh: FOX NEWS

Thân tàu USS Hornet bị hư hỏng nặng. Ảnh: FOX NEWS

Trên toàn cầu, các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục công việc tìm kiếm xác các loại khí tài bị mất từ thời Chiến tranh Thế giới thứ hai. Chẳng hạn xác máy bay ném bom B-24 của Mỹ được tìm thấy ở Papua New Guinea là của một dự án khác. Xác chiếc máy bay được tìm thấy năm 2018, 75 năm kể từ khi nó bị bắn rơi trong một trận chiến ác liệt với Nhật.

Xác tàu USS Hornet dưới đáy biển. Ảnh: FOX NEWS

Xác tàu USS Hornet dưới đáy biển. Ảnh: FOX NEWS

Vào mùa hè năm 2018, một nhóm nhà khoa học từ Viện Hải dương học Scripps thuộc Đại học California San Diego và Đại học Delaware đã xác định vị trí đuôi tàu khu trục USS Abner Read vốn bị mìn của Nhật xé toạc và chìm tại quần đảo Aleutian nằm giữa biển Bering và Thái Bình Dương.

Tổng cộng 71 sinh mạng đã mất khi tàu USS Abner Read gặp sự cố vào ngày 18-8-1943. Số thủy thủ còn lại đã nhanh chóng đưa phần đầu con tàu vào bờ. Con tàu sau đó được hai tàu hải quân Mỹ gần đó lai dắt về cảng.

Cũng trong năm 2018, tàu kéo Empire Wold của hải quân hoàng gia Anh được phát hiển nằm dưới vùng biển ngoài bờ biển Iceland. Con tàu mất tích vào ngày 10-11-1944 cùng với 16 thủy thủ.

Phát hiện này đã giải được câu hỏi về số phận của con tàu khi đang thực hiện một chiến dịch cứu hộ thời Chiến tranh Thế giới thứ hai. Năm ngoái, một tiêm kích Spitfire của Anh đã được tìm thấy ở một vùng núi hẻo lánh ở Na Uy.

Lầu Năm Góc lại điều máy bay B-2 tới Trân Châu Cảng
Lầu Năm Góc lại điều máy bay B-2 tới Trân Châu Cảng
(PLO)- Ba máy bay ném bom tàng hình B-2 và 200 phi công Mỹ đã hạ cánh xuống một căn cứ ở Trân Châu Cảng (Hawaii) để tham gia một cuộc tuần tra không gian 24 tiếng xung quanh khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố trước giới báo chí.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm