Thượng viện Mỹ giáng thêm đòn nặng vào quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ

Hành động này giáng một đòn mạnh mẽ vào mối quan hệ vốn đã bất ổn giữa Ankara và Washington, hai đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)

Thổ Nhĩ Kỳ đã lên án quyết định này của Mỹ, được thông qua chỉ một tháng sau chuyến thăm chính thức tới Nhà Trắng của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, người có mối quan hệ đặc biệt với Tổng thống Trump.

Ông Trump đã mô tả cuộc họp ngày 13-11 với ông Erdogan là tuyệt vời, dù không có bước đột phá cụ thể nào giữa cả hai về những bất đồng sâu về việc mua lại hệ thống vũ khí của Nga hay các quan điểm về chính sách của Syria.

Trước đó vào tháng 10, Hạ viện đảng Dân chủ lãnh đạo đã thông qua nghị quyết này với số phiếu áp đảo. 

Nhưng cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện đã nhiều lần bị đình trệ bởi các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa kể từ cuộc gặp với Tổng thống Erdogan.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan chụp ảnh trong hội nghị thượng đỉnh thường niên của NATO tại khách sạn Grove ở Watford, Anh ngày 4-12-2019. Ảnh: REUTERS

“Đây là một sự tưởng nhớ tới 1,5 triệu nạn nhân của cuộc diệt chủng đầu tiên của thế kỷ 20 và là một bước tiến táo bạo trong việc ngăn chặn sự việc này lặp lại”, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan viết trên mạng xã hội của mình.

Nghị quyết này của chính phủ Mỹ đã chính thức công nhận và xem như một sự tưởng niệm đối với tội ác diệt chủng 1,5 triệu người Armenia của Đế chế Ottoman (1915-1923), Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay. 

Thổ Nhĩ Kỳ không phản đối việc nhiều người Armenia đã bị giết trong các cuộc đụng độ với lực lượng Ottoman trong Thế chiến thứ nhất.

Tuy nhiên, họ không đồng ý với các số liệu thống kê và phủ nhận việc các vụ giết người được dàn dựng một cách có hệ thống và tạo thành một cuộc diệt chủng.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu gọi quyết định này là một “trò đùa chính trị”, trong khi người phát ngôn của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, ông Ibrahim Kalin nói rằng chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ lên án mạnh mẽ và bác bỏ nghị quyết này.

“Lịch sử thế giới sẽ ghi dấu những hành động vô trách nhiệm và phi lý này của một số thành viên Quốc hội Mỹ, nhằm chống lại Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Fah Fahrettin Altun, giám đốc truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, viết trên mạng xã hội Twitter.

Trong nhiều thập niên qua, việc công nhận tội diệt chủng Armenia đã bị đình trệ và cản trở bởi những lo ngại về mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ của các quan chức Mỹ.

Aram Hamparian, giám đốc điều hành Ủy ban Quốc gia Armenia của Mỹ, cho biết ông “Thực sự cảm thấy nhẹ nhõm, đây là một minh chứng rằng Mỹ đã công nhận lịch sử của người Armenia”.

Quốc hội Mỹ cũng đã thống nhất phản đối các chính sách gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ, chuyển sang trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ xâm nhập vào Syria ngày 9-10 vừa rồi. 

Ủy ban thượng viện Mỹ đã thúc đẩy ông Trump đưa ra biện pháp cứng rắn hơn về vấn đề này, nhiều nhà lập pháp đổ lỗi cho ông vì đã bật đèn xanh về cuộc tấn công quân sự cho Ankara.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm