Thủ tướng lâm thời Haiti đồng ý từ chức để chuyển giao quyền lực

Ông Claude Joseph, người trên danh nghĩa là thủ tướng lâm thời của Haiti kể từ lúc Tổng thống Jovenel Moise bị ám sát, thông báo hôm 19-7 rằng ông đã đồng ý từ chức và sẽ trao quyền lực cho một nhân vật khác được cộng đồng quốc tế ủng hộ.

Theo hãng tin Reuters, tuyên bố trên trên dường như cũng chấm dứt cuộc tranh giành quyền lực giữa ông Joseph và ông Ariel Henry, một nhà giải phẫu thần kinh 71 tuổi.

Ông Henry là người được Tổng thống Moise bổ nhiệm làm thủ tướng Haiti hai ngày trước khi vụ ám sát xảy ra. Tuy nhiên, ông vẫn chưa tuyên thệ nhậm chức và chưa có quyền điều hành đất nước.

Thủ tướng lâm thời của Haiti Claude Joseph đã đồng ý từ chức và sẽ trao quyền lực cho một nhân vật khác được cộng đồng quốc tế ủng hộ. Ảnh: REUTERS

Trong cuộc phỏng vấn với tờ The Washington Post cùng ngày, ông Joseph tiết lộ đã có cuộc gặp gỡ riêng với ông Henry trong tuần trước để giải quyết tranh chấp và đồng ý từ chức "vì lợi ích của quốc gia", cũng như sẵn sàng chuyển giao quyền lực sớm nhất có thể. 

Quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Haiti Israel Jacky Cantave cho biết ông Joseph lên nắm quyền là để đảm bảo hoạt động liên tục của chính phủ Haiti sau vụ ám sát, nhưng sẽ trao lại quyền lực khi đất nước đạt được đồng thuận về tương lai và các cuộc biểu tình đã lắng xuống.

Cũng theo ông Cantave, Hội đồng Bộ trưởng Haiti tiến hành họp vào ngày 19-7 và nếu mọi việc suôn sẻ, Thủ tướng lâm thời Joseph có thể trao lại quyền lực cho ông Henry trong một buổi lễ vào ngày 20-7.

Ông Joseph tiết lộ đã có cuộc gặp gỡ riêng với ông Henry trong tuần trước để giải quyết tranh chấp trong cuộc phỏng vấn hôm 19-7. Ảnh: REUTERS

Cuối tuần trước, nhóm nòng cốt gồm các đại sứ từ Đức, Brazil, Canada, Tây Ban Nha, Mỹ, Pháp, Liên minh châu Âu (EU) và các đại diện từ Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi Haiti thành lập "một chính phủ đồng thuận".

"Vì mục tiêu này, nhóm khuyến khích thủ tướng được chỉ định Ariel Henry tiếp tục sứ mệnh được giao phó để thành lập một chính phủ như vậy" - nhóm nòng cốt tuyên bố.

Nhóm cũng đồng thời kêu gọi tổ chức "các cuộc bầu cử tổng thống và lập pháp tự do, công bằng, minh bạch và đáng tin cậy càng nhanh càng tốt" tại quốc gia này.

Ông Ariel Henry, một nhà giải phẫu thần kinh 71 tuổi, được Tổng thống Moise bổ nhiệm làm thủ tướng Haiti hai ngày trước khi vụ ám sát xảy ra. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Moise bị ám sát tại nhà riêng ở thủ đô Port-au-Prince vào rạng sáng 7-7. Vụ ám sát đã đẩy đất nước nghèo nhất châu Mỹ này vào tình trạng bất ổn chính trị ở thời điểm bạo lực giữa các đảng phái gia tăng khiến hàng ngàn người phải di tản và hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề.

Giới chức Haiti đang tiếp tục điều tra vụ ám sát Tổng thống Moise với hàng chục nghi phạm được xác định là lính đánh thuê Colombia và người Mỹ gốc Haiti.

Đệ nhất phu nhân Haiti Martine Moise đã trở về nước vào ngày 17-7 để chuẩn bị cho lễ quốc tang của chồng, sau khi dành 10 ngày điều trị tại bệnh viện Mỹ, Reuters đưa tin.

Haiti, quốc gia với khoảng 11 triệu dân, đã phải vật lộn để đạt được ổn định kể từ khi chế độ độc tài triều đại Duvalier sụp đổ vào năm 1986 và phải đối phó với một loạt cuộc đảo chính lẫn can thiệp của nước ngoài.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm