Thống tướng Myanmar lần đầu phát biểu toàn dân sau chính biến

Tổng Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing đã có bài phát biểu đầu tiên trên sóng truyền hình nước này sau khi quân đội nước này tiến hành chính biến hôm 1-2, theo kênh tin Channel News Asia.

Ngày 8-2, trong một thông điệp gửi đến nhân dân Myanmar, ông Min Aung Hlaing nhắc lại các cáo buộc gian lận trong cuộc tổng tuyển cử năm 2020, cũng như cam kết chính quyền quân sự sẽ nỗ lực tiến hành một cuộc bầu cử tự do và công bằng để giao lại quyền lực cho những lực lượng chính trị được nhân dân chọn lựa.

Ông Min Aung Hlaing nhắc lại lập luận của lực lượng quân sự rằng đã có nhiều cáo buộc về tình trạng bất thường trong quá trình bầu cử hồi tháng 8 năm ngoái nhưng những cáo buộc này đã bị “phớt lờ”. Tổng Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Myanmar nhấn mạnh rằng không có tổ chức nào có thể đứng trên luật pháp. 

Lãnh đạo quân đội Myanmar phát biểu trên truyền hình Myanmar hôm 8-2. Ảnh: REUTERS

Thống tướng Min Aung Hlaing cam kết chính quyền mới được quân đội lập ra ở Myanmar sẽ xây dựng “một nền dân chủ thực sự và có kỷ luật” khác với các chính quyền quân sự trước đây.

Ông Min Aung Hlaing nói rằng quân đội Myanmar đã chọn ra những bộ trưởng phù hợp để thay thế các vị trí trong nội các dân sự bị bãi nhiệm sau chính biến hôm 1-2.

Ông Min Aung Hlaing còn nêu rõ ủy ban bầu cử phải được cải tổ để có thể tiến hành một cuộc bầu cử tự do, theo đúng các quy tắc của nền dân chủ. Lãnh đạo quân đội Myanmar không nêu rõ thời gian tiến hành cuộc bầu cử mới, song nhắc lại rằng tình trạng khẩn cấp ở nước này sẽ kéo dài một năm.

Lãnh đạo quân đội Myanmar cũng nhấn mạnh chính sách ngoại giao của Naypyidaw sẽ không thay đổi và kêu gọi các nước đầu tư vào Myanmar.

Sáng 1-2, quân đội Myanmar đã bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và các lãnh đạo hàng đầu trong chính quyền dân sự ở Naypyidaw. Trong bài phát biểu hôm 8-2, ông Min Aung Hlaing không nhắc đến tên bà Suu Kyi.

Bà Suu Kyi đang bị chính quyền quân sự truy tố với cáo buộc nhập khẩu bất hợp pháp sáu bộ đàm và đang bị tạm giữ đến ngày 15-2 để phục vụ công tác điều tra.

Việc quân đội bắt giữ bà Suu Kyi và lập ra chính quyền mới đã vấp phải sự phản đối của nhiều người dân Myanmar, cũng như cộng đồng quốc tế.

Phương Tây lên án động thái trên, kêu gọi quân đội Myanmar thả tự do cho bà Suu Kyi và từ bỏ quyền lực. Mỹ còn đe dọa áp đặt lại các lệnh trừng phạt chống Myanmar. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm