Thổ Nhĩ Kỳ dọa 'đuổi' Mỹ khỏi các căn cứ quân sự

Phát biểu trên truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ ngày 11-12, Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu tuyên bố Ankara sẵn sàng trả đũa nếu Mỹ áp đặt trừng phạt đối với thương vụ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 từ Nga.

Khi được hỏi về khả năng Mỹ áp đặt cấm vận chống lại giao dịch vũ khí với Nga, ông Cavusoglu cho biết Ankara có thể buộc quân Mỹ phải rời khỏi căn cứ không quân Incirlik và căn cứ radar Kurecik để trả đũa. 

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu. Ảnh: AFP

Ankara sẽ đưa ra quyết định dựa vào việc đánh giá các khả năng có thể xảy ra. "Nếu Mỹ áp đặt trừng phạt lên Thổ Nhĩ Kỳ thì vấn đề về các cơ sở quân sự Incirlik và Kurecik có thể sẽ nằm trong chương trình nghị sự" - hãng tin Sputnik dẫn lời ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.

Incirlik là một căn cứ không quân ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Không đoàn số 39 của không quân Mỹ đã đồn trú ở đây từ năm 1966 đến nay theo thỏa thuận giữa Washington và Ankara.

Các radar cảnh báo sớm thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO ở châu Âu cũng được triển khai ở căn cứ Kurecik, vùng đông nam Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2012 và được vận hành bởi các sĩ quan quân đội Mỹ.

Trong khi đó, hãng tin Reuters dẫn lời của ông Cavusoglu cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm hiểu về các đối tác thay thế cho hợp đồng mua máy bay F-35 của Mỹ, vốn bị trì hoãn sau khi Ankara quyết định mua hệ thống S-400.

Ông Cavusoglu còn cho biết thêm rằng Ankara không ủng hộ kế hoạch bảo vệ các quốc gia vùng Baltic của NATO, cho đến khi liên minh này thông qua một kế hoạch bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi mối đe dọa "khủng bố".

Trước đó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố Ankara sẽ không từ bỏ hợp đồng mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 từ Nga chỉ để mua hệ thống phòng không Patriot của Mỹ.

Ông cho biết hợp đồng mua các hệ thống Patriot có thể được xem xét nhưng việc Mỹ yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ hủy bỏ hợp đồng mua S-400 từ Nga là một hành vi xâm phạm chủ quyền của Ankara.

Việc chuyển giao các hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 từ Nga đã bắt đầu từ tháng 7. Theo Tổng thống Erdogan, hệ thống này sẽ được lắp đặt đầy đủ và đi vào hoạt động vào tháng 4-2020.

Ngay từ khi thông tin về hợp đồng được công bố, Thổ Nhĩ Kỳ đã chịu nhiều áp lực và chỉ trích từ các quốc gia thành viên NATO, đặc biệt là Mỹ.

Washington cho rằng hệ thống vũ khí Nga sẽ không tương thích với các tiêu chuẩn an ninh của NATO và có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng hoạt động của các chiến đấu cơ F-35 của Mỹ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm