Thế giới chống COVID-19: Đâu là thách thức lớn nhất?

Đại dịch COVID-19 đến nay đã lan ra hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dịch bệnh bắt đầu khởi phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) vào cuối năm ngoái, sau đó nhanh chóng lan rộng khắp toàn cầu. Ở một khía cạnh nào đó, việc lây lan dịch bệnh cũng là hệ quả của quá trình toàn cầu hóa - khi mà các rào cản địa lý đã giảm đáng kể, thế giới trở nên “phẳng” hơn, cho phép con người di chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác, vùng lãnh thổ này sang vùng lãnh thổ khác dễ hơn. Một điểm chung về dịch bệnh ở các nước (trừ Trung Quốc) là đa số các ca đầu tiên đều được “nhập khẩu” từ nước ngoài.

Hợp tác quốc tế không hiệu quả

Toàn cầu hóa mang đến mô hình phân chia lao động và nguồn lực một cách hiệu quả hơn, duy lý hơn. Nói nôm na, sự tự do hơn trong dịch chuyển xuyên biên giới các nguồn vốn, hạ tầng, công nghệ, nguồn nhân lực,… giúp thế giới sản xuất ra nhiều của cải hơn. Ngay cả khi “nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump đã khép lại đáng kể các thể chế mậu dịch tự do thì nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung vẫn trong quá trình rộng mở, tự do.

Thế nhưng dịch bệnh xảy ra đến nay nhận được rất ít sự phối hợp giữa cộng đồng quốc tế. Liên Hiệp Quốc hoạt động mờ nhạt; Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ dừng lại ở các động thái khuyến cáo chứ chưa có chương trình hành động cụ thể; hội nghị (trực tuyến) giữa các nước công nghiệp G7 không ra được tuyên bố chung; các cường quốc mà điển hình là Mỹ và Trung Quốc liên tục đấu khẩu về cuộc chiến chống đại dịch.

Trong khi đó, cuộc họp giữa các bộ trưởng thương mại Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cuối tháng 3-2020 tỏ ra lạc quan hơn. G20 nhất trí rằng mọi biện pháp nhằm chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cần tránh làm gián đoạn các chuỗi cung ứng. Dù vậy, các chương trình hành động cụ thể cũng như biểu hiện hợp tác giữa các nước cho đến nay chưa thực sự thuyết phục, chí ít là trước diễn biến gia tăng chóng mặt của đại dịch.

Sự phụ thuộc giữa các quốc gia thời đại toàn cầu hóa không chỉ dừng ở kinh tế, mà còn cả trong chống thảm họa như đại dịch. Trong đó, việc chống đại dịch phụ thuộc vào: (i) Chính sách đi lại của người và hàng hóa; (ii) việc phối hợp trong sản xuất, cung ứng vật tư y tế, việc triển khai, phân bổ nguồn lực chống dịch thông qua các gói cho vay hỗ trợ hoặc viện trợ lẫn nhau (dựa vào tình hình chống dịch cụ thể của từng quốc gia); (iii) sự chia sẻ thông tin về tình hình cũng như bài học kinh nghiệm giữa các nước; (iv) sự thấu hiểu về văn hóa lẫn nhau,… Đó là chưa kể quá trình chống dịch cũng quyết định đến “thế giới hậu dịch COVID-19”, nhấn mạnh vào khả năng tái thiết và phát triển kinh tế-xã hội.

Nhân viên y tế chuyển thi thể người mất vì COVID-19 đến một nhà xác tạm thời tại Brooklyn, TP New York (mỹ) hôm 4-4. Ảnh: NYT

Cùng nhau hiểu đúng mới có thể làm đúng

Những quá trình kể trên đòi hỏi hợp tác, chia sẻ, phân bổ nguồn lực theo kiểu lợi thế so sánh (trong kinh tế học), tức mỗi nước phát huy thế mạnh nhất của mình để tham gia vào một tập thể vì một mục đích chung - chiến thắng đại dịch. Thời gian qua, một số quốc gia hỗ trợ tổ chức hợp tác công - từ Liên minh Các sáng kiến ứng phó dịch bệnh (CEPI) tổ chức nghiên cứu chế tạo vaccine chống virus SARS-CoV-2 (gây bệnh COVID-19), nhưng đứng ở góc độ vĩ mô thì những động thái như vậy chưa theo kịp sự lây lan, gây hại của đại dịch.

Cho đến nay, chưa có một “liên minh chống dịch” nào thật sự hoạt động hiệu quả được xây dựng dựa trên nền tảng hợp tác giữa nhiều quốc gia, trong đó có sự tham gia của các nước đóng vai trò lãnh đạo thế giới. Thông tin về hợp tác quốc tế chủ yếu dừng ở việc bắt tay cục bộ (như hỗ trợ nhau khẩu trang, máy thở,…) hoặc mang tính trấn an dư luận hơn là có giá trị thực thi.

Đơn cử, việc đưa ra một khái niệm chung về giãn cách xã hội hay khuyến cáo về đeo khẩu trang vẫn đang tạo ra thách thức với các nước. Trong bối cảnh chưa có kết luận chắc chắn về mặt dịch tễ đối với đường lây truyền bệnh, việc đảm bảo giãn cách xã hội, khuyến cáo các biện pháp bảo vệ (như đeo khẩu trang) được xem là “loại vaccine” hữu hiệu nhất. Thế nhưng mỗi quốc gia dường như đang theo một kiểu, trong khi ngay cả WHO cũng tỏ ra lúng túng.

Hay như việc phối hợp đảm bảo an toàn, an tâm cho người dân đang ở nước ngoài nhằm hạn chế tình trạng đổ xô về nước, phá vỡ nguyên tắc giãn cách xã hội cũng chưa được các nước thực hiện hiệu quả. Lấy ví dụ, Singapore là một quốc gia chống dịch ở giai đoạn hai tháng đầu năm 2020 rất hiệu quả. Thế nhưng làn sóng dịch thứ hai ập đến, chủ yếu đến từ người Singapore ở nước ngoài hồi hương (để né dịch). Không riêng Singapore, tình trạng này xuất hiện ở một số quốc gia khác khiến các ổ dịch di động bắt đầu lây lan.

Thực tế cho thấy rất khó yêu cầu mọi người “ai ở yên chỗ nấy” khi nạn kỳ thị chủng tộc (ví dụ kỳ thị người gốc Á) trở nên khắc nghiệt hơn, nhất là khi cách hiểu đeo khẩu trang hay giãn cách xã hội giữa Đông, Tây khác nhau. Việc người châu Á bị tấn công vì đeo khẩu trang hoặc vì bị đổ lỗi cho nguồn gốc gây dịch bệnh trở nên phổ biến. Ngoài ra, chi phí chữa trị COVID-19 cũng là một vấn đề nan giải khi ở nhiều nơi, người nước ngoài phải phải chịu mức giá quá cao.

Thế giới đã tập trung chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, có một “cuộc chiến khác” cũng đang âm ỉ xảy ra: Cuộc chiến tìm kiếm sự thống nhất cao độ giữa các quốc gia trong hiểu và hành động đồng bộ, vượt qua những đấu khẩu nghi kỵ để cùng chiến thắng đại dịch.

Mỹ kêu gọi Trung Quốc cùng chống dịch

Ngày 4-4, Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad kêu gọi Mỹ, Trung cùng nhau hợp tác chống lại đại dịch COVID-19, theo báo SCMP.

Trong một bức thư được công bố có tựa đề “Move Forward Together” (tạm dịch: Cùng nhau tiến về phía trước), Đại sứ Branstad gọi đại dịch COVID-19 là “kẻ thù chung” của thế giới và không một quốc gia nào có thể chiến đấu một mình trong cuộc chiến này. “Tôi tin rằng hai nước chúng ta sẽ tiếp tục tìm cách hợp tác để chống lại kẻ thù chung. Tiến lên cùng nhau, tôi hiểu rằng chúng ta sẽ vượt qua những thời điểm khó khăn này” - Đại sứ Branstad khẳng định.

Đại sứ Branstad cũng cho biết ông đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trịnh Trạch Quang về việc hai nước cùng hợp tác giải quyết khủng hoảng đại dịch COVID-19. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm