Tàu dầu Iran được thả, bất chấp mọi nỗ lực ngăn chặn của Mỹ

Tòa án tối cao Gibraltar, một lãnh thổ hải ngoại của Anh đã phê chuẩn việc thả siêu tàu dầu Grace 1, sau khi chính quyền Gibraltar cho biết họ không có lý do gì để giữ chiếc tàu nữa.

Bộ trưởng của Gibraltar cho biết ông đã chấp thuận lời cam kết từ Iran rằng, nếu được giải phóng, chiếc tàu sẽ không chở dầu đến Syria - quốc gia bị nghi ngờ là điểm đến của chiếc tàu, vì việc này trái với lệnh trừng phạt của EU đối với Riyadh.

Tại một phiên điều trần trước đó, Tổng chưởng lý Gibraltar Joseph Triay cho biết Bộ Tư pháp Mỹ đã nộp đơn yêu cầu bắt giữ con tàu.

Sau khi Grace 1 bị Gibraltar bắt giữ, Iran đã bắt giữ một tàu chở dầu tên Stena Impero mang cờ Anh ở vùng Vịnh. Hôm 15-8, tình trạng của con tàu này vẫn chưa có gì thay đổi, chủ sở hữu tàu cho biết.

Người phát ngôn của chủ tàu Stena Impero nói rằng việc tàu Grace 1 được phóng thích "có thể được coi là một bước tích cực" đối với tàu Stena Impero.

Phát ngôn viên của tổng chưởng lý của Gibraltar tuyên bố riêng rằng thuyền trưởng của Grace 1 và ba sĩ quan sẽ được thả ra.

Thủy thủ đoàn đứng trên tàu Grace 1 hôm 15-8. Ảnh: CNN

Ngày 4-7, Thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh và lực lượng thực thi pháp luật Gilbraltar đã tấn công Grace 1 vì tin rằng con tàu đang chở dầu đến Syria, đồng nghĩa với việc vi phạm lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu.

"Chúng tôi có lý do để tin rằng Grace 1 đang vận chuyển dầu thô tới Nhà máy lọc dầu Baniyas ở Syria", Quyền Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha, Josep Borrell, nói vào thời điểm đó. Ông cũng cho biết thêm phía Mỹ đã yêu cầu Vương quốc Anh chặn tàu. Gibraltar là một lãnh thổ hải ngoại của Anh ở rìa phía nam Tây Ban Nha.

Iran đã chỉ trích vụ bắt giữ trên là "bất hợp pháp" và lên án hoạt động này là "hành vi cướp biển". Chưa đầy hai tuần sau, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) của Iran cho biết hải quân của họ đã bắt giữ một tàu chở dầu có cờ của Anh, Stena Impero, ở eo biển Hormuz và cáo buộc con tàu "vi phạm các quy định quốc tế".

Trong một tuyên bố, Jeremy Hunt, Bộ trưởng Ngoại giao thời điểm đó của Anh, nói rằng vụ việc cho thấy "những dấu hiệu đáng lo ngại khi mà Iran có thể đang chọn một con đường nguy hiểm, đó là hành vi bất hợp pháp và gây bất ổn", và nói thêm rằng phản ứng của Anh sẽ "được xem xét, nhưng mạnh mẽ". Gần một tháng sau, tàu chở dầu của Anh- và thủy thủ đoàn - vẫn bị giam giữ ở Iran.

Trước khi các vụ bắt giữ tàu dầu xảy ra, căng thẳng ở Vịnh Ba Tư đã liên tục leo thang sau khi Iran xác nhận sẽ ngừng tuân thủ một số phần của thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà chính quyền Trump đã rút khỏi hồi năm ngoái.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm