Tân Ngoại trưởng Mỹ nói gì ở buổi họp báo đầu tiên?

Ngày 27-1, tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có buổi họp báo chính thức đầu tiên, một ngày sau khi được Thượng viện Mỹ phê chuẩn đề cử của Tổng thống Joe Biden, hãng tin Reuters cho hay.

Mở đầu buổi họp báo, ông Blinken cho rằng cả thế giới "đang chăm chú theo dõi" nước Mỹ và tìm câu trả lời cho việc liệu chính quyền của ông Biden có thể hàn gắn nước Mỹ, có thể dẫn dắt thế giới ứng phó trước các thách thức của thời đại hay không.

Ông Blinken liệt kê một loạt thách thức như đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, suy thoái kinh tế toàn cầu, các mối đe dọa đối với các giá trị phương Tây, nạn phân biệt chủng tộc, cũng như nguy cơ bất ổn toàn cầu mà Mỹ cho là xuất phát từ các đối thủ của chính quyền Washington. 

Tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: AP

Khi được báo giới hỏi đâu là ưu tiên cao nhất trong định hướng chính sách đối ngoại của mình, ông Blinken đã từ chối trả lời.

Về việc hàn gắn nước Mỹ và vai trò lãnh đạo thế giới

Tân Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thống nhất ý kiến giữa Bộ Ngoại giao và Quốc hội Mỹ vì những nhà lập pháp là đại biểu do người dân Mỹ trực tiếp bầu lên.

Hiện nay, đảng Dân chủ của ông Biden đang chiếm đa số tại cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ, giúp cho những chính sách của Nhà Trắng có thể dễ dàng được thông qua.

Ông Blinken cam kết sẽ cùng các nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ làm việc hết mình để "phục vụ cho người dân Mỹ và đại diện cho nước Mỹ".

Khi được hỏi về vai trò lãnh đạo thế giới, ông Blinken cho biết một trong những việc quan trọng nhất ông đã làm trong 24 giờ đầu tiên giữ chức Ngoại trưởng Mỹ là điện đàm với người đồng cấp các đồng minh, đối tác quan trọng như Canada, Mexico, Nhật, Hàn Quốc...

Ông Blinken tự tin rằng sau các cuộc gọi trên, ông đã nhận được sự ủng hộ về việc nước Mỹ quay lại những cam kết, hợp tác với đồng minh cùng giải quyết các thách thức toàn cầu. Ông Blinken cho biết kết quả cụ thể từ các cuộc điện đàm sẽ được hiện thực hóa trong những ngày tới.

Về quan hệ với Nga, Trung Quốc, Iran

Tân Ngoại trưởng Blinken cho biết Mỹ sẽ tiếp tục đối đầu với Nga khi các vấn đề như việc Moscow bắt giữ nhân vật đối lập Nga Alexei Navalny, các vấn đề liên quan tới Ukraine - nước láng giềng phía đông của Nga, cáo buộc Nga can thiệp bầu cử ở Mỹ năm 2020 hay cáo buộc Nga treo thưởng để giết lính Mỹ ở Afghanistan. 

Khi được hỏi liệu Mỹ có trừng phạt Nga vì vấn đề của ông Navalny, ông Blinken nói rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đang cân nhắc mọi hành động có thể được tiến hành liên quan tới điều mà Nhà Trắng coi là "mối quan ngại" này.

Ông Blinken coi quan hệ với Bắc Kinh là "mối quan hệ quan trọng nhất mà nước Mỹ có với thế giới" trong những năm tới, cho rằng mối quan hệ bao gồm cả khía cạnh hợp tác và cạnh tranh, sẽ định hình rất nhiều điều trong chính sách đối ngoại của chính quyền Washington.

Do đó, ông Blinken cho rằng việc kêu gọi Trung Quốc hợp tác trong vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu là quan trọng và quyết tâm theo đuổi hướng đối thoại này, bất chấp việc Mỹ tiếp tục lên án những gì mà Washington cáo buộc là chính quyền Bắc Kinh đang "diệt chủng" người Duy Ngô Nhĩ ở khu tự trị Tân Cương (Trung Quốc).

Ông Blinken cũng nhắc lại ý định của ông Biden lôi kéo Iran tuân thủ trở lại thỏa thuận hạt nhân lịch sử được ký kết năm 2015. Nếu nhiệm vụ này thành công, ông Blinken còn tham vọng xây dựng một thỏa thuận "mạnh mẽ và kéo dài hơn" về vấn đề hạt nhân gây tranh cãi, cũng như giải quyết các vấn đề nghiêm trọng khác trong quan hệ với Tehran. 

Chính phủ ông Biden không bỏ Israel dù chìa tay với Palestine
Chính phủ ông Biden không bỏ Israel dù chìa tay với Palestine
(PLO)- Ngày 26-1, Quyền Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Richard Mills thông báo chính phủ Tổng thống Joe Biden sẽ khôi phục quan hệ và hỗ trợ cho Palestine, ủng hộ giải pháp hai nhà nước nhằm giải quyết xung đột giữa nước này với Israel, theo hãng tin AP.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm