Tân Hoa xã nói gì về 'cách mạng màu' Hong Kong?

Trong một bài bình luận ngày 1-9, Tân Hoa xã - hãng thông tấn chính thức của chính phủ Trung Quốc gọi cuộc biểu tình ở Hong Kong là một cuộc “cách mạng màu” và cảnh báo Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ.

“Đằng sau tình trạng bạo lực và hỗn loạn ở Hong Kong là một âm mưu công phu của những đối tượng gây bạo động và những đối tượng bảo trợ chuyện này - thành phần mà mục đích thực sự thời điểm này đã bị bóc trần. Họ cố khuấy động bất ổn ở Hong Kong và làm hại nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ" trước khi lan rộng cuộc “cách mạng màu” sang Trung Quốc đại lục” - Tân Hoa xã viết.

“Tuy nhiên, âm mưu khống chế Hong Kong và làm áp lực lên chính phủ trung ương chỉ là một ảo tưởng. Sẽ không có sự nhượng bộ nào thể theo nguyên tắc này” - Tân Hoa xã cảnh báo.

Tân Hoa xã cảnh báo Trung Quốc sẽ không nhượng bộ cuộc “cách mạng màu” ở Hong Kong. Ảnh: SCMP

Tân Hoa xã cảnh báo Trung Quốc sẽ không nhượng bộ cuộc “cách mạng màu” ở Hong Kong. Ảnh: SCMP

Đây là lần thứ hai Tân Hoa xã đề cập trực tiếp cuộc biểu tình Hong Kong như một cuộc “cách mạng màu”. Một tuần trước, Tân Hoa xã từng đề cập cụm từ này, vốn được sử dụng rộng rãi để nói về những sự kiện ở các nước Đông Âu, Bắc Phi và Trung Đông đầu thập niên 2000.

Tân Hoa xã ngày 1-9 dẫn lời cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình từng nói năm 1984 rằng chính phủ đại lục “nên can thiệp” trong trường hợp Hong Kong có bất ổn.

Theo báo South China Morning Post (SCMP), điều này cho thấy rõ Trung Quốc sẽ không nhượng bộ các yêu cầu của người biểu tình dù bất cứ giá nào.

Giao thông Hong Kong tê liệt trong ngày biểu tình 1-9. Ảnh: SCMP

Giao thông Hong Kong tê liệt trong ngày biểu tình 1-9. Ảnh: SCMP

Tân Hoa xã lên án tình hình leo thang bạo lực trong biểu tình ở Hong Kong và cảnh cáo “kết thúc sẽ đến với những ai cố làm loạn Hong Kong và chống lại Trung Quốc”.

“Với sự ủng hộ kiên quyết của chính phủ trung ương với chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong và với cảnh sát Hong Kong, với sự kiên định của chính quyền và lực lượng thi hành pháp luật đặc khu hành chính Hong Kong, đối mặt với sự lên án mạnh từ người dân Trung Quốc, kết thúc đang đến với những ai cố làm hỗn loạn Hong Kong và phản kháng Trung Quốc” - Tân Hoa xã tuyên bố.

Tân Hoa xã cảnh báo người biểu tình Hong Kong không nên đánh giá sai quyết tâm và khả năng của chính phủ trung ương, của chính quyền Hong Kong và của người dân Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh và quyền lợi cốt lõi quốc gia. Tân Hoa xã lặp lại sự ủng hộ không thay đổi của chính phủ trung ương Trung Quốc với chính quyền Hong Kong cũng như với hành động của cảnh sát nhằm chấm dứt biểu tình.

Hành khách phải kéo hành lý đi bộ trên đường quốc lộ để đến sân bay vì giao thông bị người biểu tình phong tỏa trong cuộc biểu tình ngày 1-9 tại Hong Kong. Ảnh: SCMP

Hành khách phải kéo hành lý đi bộ trên đường quốc lộ để đến sân bay vì giao thông bị người biểu tình phong tỏa trong cuộc biểu tình ngày 1-9 tại Hong Kong. Ảnh: SCMP

Dù không cho biết chính phủ Trung Quốc sẽ có hành động cụ thể gì để chấm dứt biểu tình nhưng Tân Hoa xã cảnh báo ba lằn ranh giới hạn mà người biểu tình “không được vượt qua”.

Ba giới hạn đó là: Không được làm hại chủ quyền và an ninh quốc gia Trung Quốc; không được thách thức quyền lực của chính phủ trung ương và quyền hành Luật cơ bản của chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong; không được sử dụng Hong Kong để thâm nhập và phá hoại Trung Quốc đại lục.

Bất cứ ai vi phạm các lằn ranh giới hạn này và can thiệp vào hay phá hoại nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” sẽ phải hứng lấy thất bại và sẽ bị quy trách nhiệm theo hiến pháp quốc gia cũng như theo Luật cơ bản của đặc khu hành chính Hong Kong.

Cảnh báo ngày 1-9 của Tân Hoa xã là phản ứng mới nhất trong những tuyên bố từ chính phủ Trung Quốc với biểu tình Hong Kong.

Biểu tình trước Lãnh sự quán Anh ở Hong Kong ngày 1-9. Ảnh: SCMP

Biểu tình trước Lãnh sự quán Anh ở Hong Kong ngày 1-9. Ảnh: SCMP

Bạo lực biểu tình cuối tuần rồi ở Hong Kong ở mức cao nhất kể từ khi biểu tình bắt đầu hồi tháng 6, xuất phát từ việc phản đối dự luật cho phép dẫn độ nghi phạm từ sang xét xử tại các nước mà Hong Kong không ký hiệp ước dẫn độ, trong đó có Trung Quốc đại lục.

Ngày 1-9, người biểu tình cố gắng phong tỏa sân bay lần thứ ba trong một tháng nhưng không vào được sân bay vì vướng lệnh huấn thị cấm vào của cảnh sát. Không vào được sân bay, người biểu tình tập trung gây hỗn loạn bên ngoài nhà ga và làm xáo trộn giao thông cả TP, đặc biệt các tuyến đường hướng về sân bay.

Người biểu tình cướp vòi rồng phun nước bên ngoài nhà ga sân bay. Ảnh: SCMP

Người biểu tình cướp vòi rồng phun nước bên ngoài nhà ga sân bay. Ảnh: SCMP

Người biểu tình cho phóng hỏa ở bên ngoài nhà ga sân bay, đập phá các máy quay giám sát, dùng xe đẩy hành lý dựng rào cản ngăn các lối vào, ngăn cảnh sát tiếp cận. Tối 1-9, người biểu tình bắt đầu rời sân bay, chuyển sang tấn công các trạm tàu điện.

Cảnh sát dùng hơi cay giải tán biểu tình ở Hong Kong ngày 31-8. Ảnh: SCMP

Cảnh sát dùng hơi cay giải tán biểu tình ở Hong Kong ngày 31-8. Ảnh: SCMP

Ngày 31-8, người biểu tình và cảnh sát xung đột ở trung tâm Hong Kong. Người biểu tình phóng hỏa, lập hàng rào, ném gạch đá, bom xăng vào cảnh sát. Cảnh sát bắn hơi cay, dùng vòi rồng phun dung dịch nhuộm vào người biểu tình. Lần thứ hai trong hai tuần liên tiếp, cảnh sát nổ súng chỉ thiên cảnh cáo người biểu tình. Hơn 60 người biểu tình bị bắt trong ngày 31-8.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm