Tắc nghẽn kênh đào Suez do tàu 224.000 tấn mắc cạn

Tuyến đường biển đi qua kênh đào Suez đang bị tắc nghẽn sau sự cố mắc cạn của một trong những tàu hàng lớn nhất thế giới do ảnh hưởng từ các trận bão cát và gió lớn ở miền bắc Ai Cập, hãng tin Reuters cho hay.

Tàu Ever Given treo cờ Panama, dài 400 mét, có trọng tải 224.000 tấn đang trên hải trình từ Trung Quốc tới cảng Rotterdam (Hà Lan) thì đã bị mắc cạn từ sáng 23-3, giờ địa phương (tức đầu giờ chiều 23-3, theo giờ Việt Nam). Cơ quan quản lý kênh đào Suez cho biết các trận bão cát đã khiến các thủy thủ "không thể điều hướng con tàu".

Theo thông báo mới nhất của cơ quan quản lý kênh đào Suez, "chưa có tiến triển nào" trong việc khơi thông tuyến vận tải chiến lược này, cũng như chưa thể xác định thời gian hoàn thành việc "giải cứu" tàu Ever Given, tờ The New York Times đưa tin vào sáng 25-3. 

Hình ảnh vệ tinh tàu Ever Given bị mắc kẹt trên kênh đào Suez. Ảnh: AP

Trung tướng Osama Rabie - người đứng đầu cơ quan quản lý kênh đào Suez - cho biết một đoạn kênh đào cũ đang được sử dụng để giảm bớt áp lực từ hàng dài các tàu phải neo đậu ở hai đầu kênh đào.

Ông Rabie cho biết một khi tàu Ever Given được "giải cứu" thành công, mọi hoạt động trên kênh đào Suez sẽ trở lại bình thường. Quan chức này cũng tiết lộ rằng cơ quan chức năng đang xem xét bồi thường thiệt hại cho các hãng tàu bị ảnh hưởng trong sự cố này.

Các tàu kéo nhỏ hơn nhiều lần so với tàu Ever Given và một máy xúc đang cố gắng "vặn" con tàu 224.000 tần này để mũi tàu không còn kẹt vào bờ đông kênh đào. Nếu thời tiết cho phép, hoạt động cứu nạn sẽ được thực hiện xuyên đêm. 

Mũi tàu Ever Given bị kẹt vào bờ phía đông kênh đào Suez. Ảnh: GETTY

Tuy nhiên, gió lớn liên tục và kích thước khổng lồ của tàu Ever Given khiến công cuộc "giải cứu" trở nên vô cùng phức tạp.

Hàng chục tàu mắc kẹt và nguy cơ cho thương mại toàn cầu

Mỗi ngày, khoảng 30% lượng container hàng hóa được vận chuyển bằng đường biển phải đi qua kênh đào Suez. Đây cũng là tuyến vận tải biển nhanh nhất giữa châu Âu và châu Á.

Kpler - công ty chuyên cung cấp dịch vụ phân tích và số liệu về hàng hóa toàn cầu - cho biết hải trình của hơn 20 tàu hàng đã bị gián đoạn do sự cố hôm 23-3. Trong khi đó, một nguồn tin địa phương nói với Reuters rằng ít nhất 33 tàu bị mắc kẹt trong kênh đào, đại đa số là tàu hướng từ châu Âu sang châu Á. 

Vị trí tàu Ever Given (màu đỏ) và các tàu hàng mắc kẹt trong kênh đào Suez hoặc phải neo đậu chờ vào kênh đào hôm 24-3. Ảnh: CBC/VESSELFINDER

Hãng vận tải container lớn nhất thế giới A.P. Moller Maersk cho biết bảy tàu của hãng đã bị ảnh hưởng. Trong đó, bốn tàu "bị mắc kẹt trong hệ thống kênh đào" và ba chiếc còn lại phải neo đậu chờ vào kênh đào Suez. 

Sự cố có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành năng lượng châu Âu vì kênh đào Suez là tuyến vận tải khí hóa lỏng (LNG) chính cho châu lục này. Chuyên trang theo dõi dữ liệu tàu biển Refinitiv cho biết tính tới ngày 24-3, bảy tàu LNG đã bị kẹt lại. Điều này có thể đẩy giá LNG ở châu Âu lên cao.

Một số nguồn tin từ các công ty vận tải biển cho biết nếu sự cố không được khắc phục trong vài ngày tới, các tàu có thể phải quay đầu thực hiện hải trình vòng qua Mũi Hảo Vọng ở cực nam châu Phi. Tuyến đường vòng này sẽ khiến thời gian di chuyển kéo dài thêm một tuần.

Chuyên gia về chuỗi cung ứng quốc tế Chris Evans nhận định rằng 24 giờ tiếp theo sẽ là giai đoạn "then chốt" có thể gây ra tác động lâu dài.

Các chuyên gia lưu ý rằng sự cố trên kênh đào Suez xảy ra ngay giữa bối cảnh các công ty vận tải đang tận dụng mọi nguồn lực để vận chuyển hàng hóa đáp ứng nhu cầu tăng cao sau giai đoạn gián đoạn sức cầu do đại dịch COVID-19. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm