Syria cảnh báo đáp trả nếu Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ không rút quân

Ngày 28-9, Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem đã có bài phát biểu trong phiên họp toàn thể lần thứ 74 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ).

Trong bài phát biểu, ông al-Moualem yêu cầu lực lượng quân sự của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang hiện diện tại Syria phải rút lui ngay lập tức, nếu không chính phủ Syria sẽ có quyền đáp trả bằng mọi biện pháp cần thiết.

Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem phát biểu trước Đại hội đồng LHQ ngày 28-9. Ảnh: AP

"Bất kỳ lực lượng quân sự nước ngoài nào hoạt động trên lãnh thổ của chúng tôi mà chưa được chính phủ cho phép đều bị xem là có hành động chiếm đóng và cần rút quân ngay lập tức".

"Nếu họ từ chối việc đó, Syria có quyền sử dụng mọi biện pháp được luật pháp quốc tế cho phép (để đáp trả)" - ngoại trưởng Syria phát biểu.

Ông al-Moualem còn nhấn mạnh Mỹ và Syria "kiêu ngạo tới mức thỏa thuận thành lập một "vùng an toàn" bên trong Syria" như thể đấy là lãnh thổ của họ.

Vùng đệm được Thổ Nhĩ Kỳ đề xuất (vùng gạch sọc). Đồ họa: THE TIMES

Được biết kế hoạch của Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tạo ra một vành đai an toàn rộng khoảng 5-14 km giữa biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, cũng như rút toàn bộ vũ khí hạng nặng khỏi khu vực 20 km dọc tuyến biên giới giữa hai nước.

Chiều dài của vành đai chưa được hai bên quyết định, song dự kiến sẽ vào khoảng hàng trăm kilômet.

"Đây là hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ. Bất kỳ thỏa thuận nào về Syria mà không được chính phủ Syria đồng thuận đều sẽ bị lên án và không có giá trị" - ngoại trưởng Syria nói thêm.

Lính Mỹ tại Syria. Ảnh: US ARMY

Hiện tại, Mỹ có khoảng 1.000 quân ở Syria nhằm chống lại các tay súng của Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Thổ Nhĩ Kỳ đã ba lần thực hiện các cuộc tấn công vào phía Bắc Syria, nhắm vào IS và lực lượng Tự vệ nhân dân (YPG) của người Kurd.

Mỹ bắt đầu can thiệp vào Syria nằm 2014, dưới thời Tổng thống Barack Obama. Syria không đồng ý với sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực, tuy nhiên, chính quyền Obama sử dụng Điều 51 của Hiến chương LHQ về quyền tự vệ cá nhân hay tập thể chính đáng trong trường hợp bị tấn công vũ trang.

Tổng thống Donald Trump cũng từng tuyên bố sẽ rút toàn bộ lực lượng khỏi Syria, tuy nhiên, sau đó vẫn quyết định để lại một phần quân đội để ngăn chặn phiến quân IS.

Tình hình Syria (13-3-2019), với màu đỏ là do chính phủ Syria kiếm soát; màu đen: IS; màu vàng: lực lượng người Kurd. Đồ họa: ALJAZEERA

Cuộc nội chiến Syria đã kéo dài từ năm 2011, sau khi xung đột giữa những người biểu tình chống chính phủ và lực lượng an ninh Syria leo thang.

Sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố IS và sự can thiệp quốc tế càng làm cho tình hình khu vực trở nên rối ren và phức tạp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm