Siêu bão mạnh nhất hàng thập kỷ tàn phá Ấn Độ, Bangladesh

Ngày 20-5, siêu bão Amphan - siêu bão mạnh nhất trong nhiều thập kỷ qua đổ bộ vào Bangladesh và miền Đông Ấn Độ, gây lũ lụt nhiều nơi và khiến ít nhất 9 người chết tính tới thời điểm này, đài Channel News Asia đưa tin.

Siêu bão đầu tiên ở Vịnh Bengal sau hơn 2 thập kỷ

Amphan là "siêu bão" đầu tiên hình thành trên Vịnh Bengal kể từ năm 1999, với sức gió lên tới 185 km/giờ.

Siêu bão Amphan đã mang theo gió lớn và mưa trút xối xả xuống những ngôi làng và thành phố ven biển Ấn Độ và Bangladesh, làm hư hỏng hệ thống điện, bật gốc nhiều cây cối và khiến hàng ngàn ngôi nhà ngập sâu trong nước.

Bão Amphan quật ngã một cành cây ở làng Dhalchar trên đảo Bhola của Bangladesh. Ảnh: AFP

Tại Ấn Độ, bão lớn với sức gió lên đến 113 km/giờ đã tàn phá thành phố Kolkata, thủ phủ của bang Tây Bengal. Khu vực với 14,7 triệu dân này cũng đang bị ngập lụt nặng nề.

Phương tiện truyền thông địa phương cho biết khoảng 5.500 ngôi nhà ở một quận thuộc bang Tây Bengal bị hư lại. Trong khi đó, một vài thành phố thuộc bang này cũng bị mất điện sau khi nhiều cột điện bị lốc xoáy phá hỏng.

Đông đúc người dân tại một khu trú bão ở huyện Satkhira, khu vực Division Khulna, Bangladesh. Ảnh: REUTERS

Đã có ba trường hợp tử vong ở bang Tây Bengal cũng do cây đè chết, Bộ trưởng quản lý thảm họa Javed Khan của bang Tây Bengal nói với hãng tin AFP.

"Tình hình còn đáng lo ngại hơn đại dịch COVID-19. Chúng tôi không biết phải xử lý ra sao. Hầu hết các làng ven biển đều bị phá hủy" - bà Mamata Banerjee, Thủ hiến bang Tây Bengal (Ấn Độ), nói với các phóng viên vào cuối ngày 20-5.

Chính quyền bang Tây Bengal và bang Odisha đã sơ tán được hơn 650.000 người.

Dự kiến bão sẽ suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới và di chuyển về phía bắc và tây bắc Ấn Độ trong ngày 21-5, Cục Khí tượng nước này cho biết.

Tại Bangladesh, ông Shamsuddin Ahmed, Trưởng phòng Khí tượng học Bangladesh, cho biết cơn bão đã tấn công khu vực ven biển phía tây nam huyện Satkhira, khu vực Division Khulna (giáp bang Tây Bengal của Ấn Độ) với sức gió lên tới 151 km/giờ.

Một phụ nữ che mưa cho con trong khi sơ tán đến một nơi an toàn hơn ở thành phố  Kolkata, bang Tây Bengal, Ấn Độ. Ảnh: REUTERS

Các quan chức đã xác nhận sáu trường hợp tử vong. Trong số người chết có một cậu bé năm tuổi và một người đàn ông 75 tuổi bị cây bật gốc đè chết và một tình nguyện viên bị lũ xoáy cuốn trôi.

Ở phía tây nam Bangladesh, một cơn sóng cao 1,5 m đã phá vỡ một bờ kè và làm ngập một vùng đất nông nghiệp rộng lớn, một sĩ quan cảnh sát địa phương nói với hãng tin AFP.

Các quan chức Bangladesh lo lắng rằng khu rừng ngập mặn Sunderbans, di sản thế giới được UNESCO công nhận với quần thể hổ Bengal nổi tiếng, có thể sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề sau cơn bão.

"Chúng tôi vẫn chưa thống kê được tất cả thiệt hại, nhưng lo rằng số động vật hoang dã ở đây có thể bị nước lũ cuốn trôi" - Trưởng ban quản lý rừng - ông Moyeen Uddin Khan cho biết.

Phát loa kêu gọi người dân ở Khulna, Bangladesh sơ tán tránh bão Amphan. Ảnh: AFP

Chính quyền Bangladesh đã lo ngại rằng bão Amphan dữ dội hơn cơn Bão Sidr  từng lấy đi 3.500 sinh mạng trong năm 2007. Tuy nhiên, có lẽ việc sơ tán nhanh và cơ sở vật chất hiện đại đã giảm thiểu được con số thương vong trong trận bão này.

Ông Menur Rahman, Bộ trưởng Quản lý thảm họa của Bangladesh, nói với hãng tin AFP rằng 2,4 triệu người và hơn nửa triệu gia súc đã được đưa đến nơi trú ẩn an toàn.

Thảm họa kép

Do lo ngại dịch COVID-19, các nhà chức trách hai nước cũng đã sử dụng thêm nhiều khu trú ẩn để giảm mật độ dân tại các điểm tạm lánh. Chính quyền bắt buộc mọi người dân khi đến các khu trú ẩn phải mang khẩu trang để phòng ngừa dịch bệnh. 

Chính quyền di tản người dân ở làng Dhalchar khỏi đảo Bhola của Bangladesh để tránh bão. Ảnh: AFP

Mặc dù vậy, một số người dân cho biết họ sẽ không đến khu trú ẩn tập thể vì lo ngại nhiễm COVID-19.

"Chúng tôi sợ bão, nhưng chúng tôi cũng sợ COVID-19" - bà mẹ bốn con Sulata Munda, sống tại một ngôi làng ở Bangladesh, nói với hãng tin AFP.

Hiện số lượng ca nhiễm COVID-19 ở cả Ấn Độ và Bangladesh vẫn đang tiếp tục tăng.

Ngày 21-5, Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 112.359 ca nhiễm và 3.435 ca tử vong. Trong khi đó, Bangladesh đã có 26.738 ca nhiễm và 386 người tử vong vì đại dịch COVID-19.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm