Saudi Arabia, Houthi đàm phán bí mật để kết thúc chiến tranh

Nhà nước Saudi Arabia và nhóm phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn đang tiến hành đối thoại bí mật qua trung gian nhằm kết thúc cuộc chiến kéo dài đã năm năm, hãng tin AP ngày 14-11 dẫn xác nhận từ cả hai phía.

Trung gian đối thoại giữa hai bên được xác định là Oman, một quốc gia vùng Vịnh có chung đường biên giới với cả Saudi Arabia và Yemen. 

Các sĩ quan Saudi Arabia, UAE và Yemen chào hỏi nhau tại Mukalla, Yemen, hồi năm 2018. Ảnh: AP

Trong diễn biến mới nhất, Thứ trưởng Quốc phòng Saudi Arabia, hoàng tử Khalid bin Salman vừa đến thủ đô Muscat hôm 11-11, biểu hiện giai đoạn mới trong quá trình đàm phán bí mật này.

Cả hai bên Saudi Arabia và Houthi đã tổ chức một hội nghị trực tuyến trong hai tháng qua, một nhà đàm phán của lực lượng phiến quân xác nhận. Hãng AP cũng xác nhận phiến quân Houthi cũng đang nỗ lực đàm phán thông qua các trung gian châu Âu.

Yemen là một quốc gia bị chia rẽ. Lực lượng Houthi được Iran hậu thuẫn đang kiểm soát thủ đô Sanaa và nhiều vùng ở phía bắc đất nước từ năm 2014. Liên minh quân sự do Riyadh dẫn đầu bắt đầu cuộc chiến từ năm 2015, ủng hộ cho Tổng thống Yemen Abdrabbuh Mansour Hadi được quốc tế công nhận.

Các cuộc đối thoại thông qua trung gian Oman đã bắt đầu từ tháng 9, sau khi Houthi tuyên bố một máy bay không người lái của họ đã tấn công vào hai cơ sở lọc dầu của công ty Aramco, Saudi Arabia, tác động mạnh mẽ vào nguồn cung dầu toàn thế giới.

Cuộc tấn công cho thấy khả năng dễ bị tấn công của các cơ sở dầu khí Saudi Arabia, thúc đẩy Riyadh phải hướng tới đàm phán để chấm dứt cuộc chiến đang dần trở nên tốn kém này. Ông lớn này của khu vực vùng Vịnh đang phải đối mặt với phản ứng dữ dội chống lại vai trò của Riyadh trong cuộc chiến ở Yemen, bao gồm cả phản ứng từ Quốc hội Mỹ.

Các cuộc đối thoại đang diễn ra tập trung vào các mục tiêu tạm thời như mở cửa trở lại sân bay quốc tế ở Sanaa vốn bị lực lượng liên minh ủng hộ Tổng thống Hadi đóng cửa từ năm 2016. Một vùng đệm dọc theo biên giới Yemen - Saudi Arabia do lực lượng Houthi kiểm soát cũng được đưa ra thảo luận.

Ông Abu Bakr al-Qirbi, cựu Ngoại trưởng Yemen, nói với phóng viên AP ở Oman rằng quan tâm chính của Riyadh là việc giải giáp các hệ thống tên lửa đạn đạo và các máy bay tấn công không người lái của Houthi và đảm bảo an ninh biên giới giữa hai nước.

Saudi Arabia cũng đang tìm cách đảm bảo lực lượng Houthi sẽ thoát ra khỏi ảnh hưởng của Iran - đối thủ chính tại khu vực Trung Đông. Từ lâu, Riyadh đã lo sợ lực lượng Houthi sẽ giúp Tehran hiện diện dọc theo biên giới Yemen - Saudi Arabia.

Các cuộc đối thoại này có thể mở đường cho các cuộc đàm phán cấp cao hơn vào đầu năm tới, một quan chức Houthi nói.

Cách tiếp cận mới này được hy vọng có thể kết thúc cuộc chiến đã lấy đi sinh mạng của 100.000 người, hủy hoại hệ thống cơ sở hạ tầng, buộc hàng triệu người phải di tản và gây ra một trong những thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.

Tuy nhiên, cách thức định hình và xây dựng một Yemen hậu chiến với hệ quả chia rẽ sâu sắc do đối đầu kéo dài vẫn là một câu hỏi lớn, cần phải chờ đợi động thái tiếp theo từ cả hai phía.

Tuần qua, một quan chức cấp cao Saudi Arabia cho biết họ "cần phải chuyển sang việc giải quyết xung đột này". Ông nói thêm, cuộc đối thoại đang tiến hành cũng xoay quanh việc trao đổi tù binh giữa hai bên.

Các dấu hiệu cho thấy tất cả bên đều mong muốn chấm dứt chiến tranh. Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), quốc gia hậu thuẫn Tổng thống Hadi, đã cố gắng thoát ra khỏi cuộc chiến bằng việc rút quân khỏi Yemen. Trong nhiều năm qua, UAE đã hỗ trợ tài chính và huấn luyện lực lượng dân quân và các phe phái ly khai ở miền Nam Yemen.

Đây không phải lần đầu tiên hai bên tiến hành đối thoại. Hai bên đã đưa ra tuyên bố ngừng bắn vào năm 2016 sau cuộc gặp tại khu vực Asir ở miền Nam Saudi Arabia nhưng thỏa thuận nhanh chóng bị sụp đổ.

Một nhà đàm phán Houthi cho biết hai bên vẫn duy trì trao đổi thông tin và cơ hội đối thoại giữa hai bên vẫn được để ngỏ trong thời gian qua.

Lực lượng Houthi và chính phủ Hadi cũng từng nhiều lần tham gia đàm phán do Liên Hiệp Quốc hỗ trợ tổ chức ở Thụy Điển hồi cuối năm ngoái và đạt được một kế hoạch hòa bình dự kiến liên quan tới việc ngừng bắn tại cảng Hodeida - cửa ngõ xuất nhập khẩu của Yemen - và các tuyến đường huyết mạch do lực lượng Houthi kiểm soát.

Tuy nhiên, cuộc đàm phán đang diễn ra không có sự tham gia của tất cả bên liên quan ở Yemen. Cố vấn Abdel-Aziz Jabari của Tổng thống Hadi cho biết chính phủ Hadi không được thông tin về cuộc đối thoại này.

Ông cho biết chính phủ Hadi quan ngại việc Saudi Arabia có thể công nhận quyền kiểm soát thủ đô Sanaa và nhiều khu vực khác thuộc về lực lượng Houthi, làm cho tình trạng chia rẽ trong nước ngày càng sâu sắc.

"Đó có thể là một sai lầm chết người và Saudi Arabia sẽ phải vô cùng hối hận về nó" - ông Jabari nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm