Quân đội Myanmar kiên quyết bảo vệ quyết định làm chính biến

Ngày 8-4, đài CNN đã chia sẻ nội dụng bài phỏng vấn Thiếu tướng Zaw Min Tun, người phát ngôn của chính quyền quân sự Myanmar. Buổi phỏng vấn kéo dài khoảng 1 giờ, được thực hiện tại thủ đô Naypyidaw và nằm trong chuyến công tác của nhóm PV CNN tới Myanmar từ ngày 31-3 tới ngày 6-4.

Quân đội không đảo chính, sẽ tạo ra nền dân chủ riêng cho Myanmar

Ông Zaw Min Tun bảo vệ quyết định của quân đội Myanmar khi bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và các lãnh đạo dân sự hôm 1-2, nhấn mạnh rằng đó không phải hành động đảo chính.

Ông Zaw Min Tun giải thích rằng quân đội Myanmr chỉ đơn thuần đang "bảo vệ" đất nước trong quá trình điều tra các cáo buộc "gian lận bầu cử" và tổ chức cuộc bầu cử mới.

Ông Zaw Min Tun nhắc lại rằng sau khi xuất hiện các cáo buộc gian lận bầu cử ở cuộc tổng tuyển cử cuối năm ngoái, quân đội đã nỗ lực đàm phán với giới chức dân sự để giải quyết vấn đề, song không nhận được sự hợp tác. 

Thiếu tướng Zaw Min Tun, người phát ngôn của chính quyền quân sự Myanmar. Ảnh: CNN

Theo điều tra của quân đội Myanmar, có những "bằng chứng chắc chắn" về tình trạng gian lận bầu cử khi số phiếu gian lận được cho là lên tới 10,4 triệu, chiếm hơn 1/4 trong số 39,5 triệu phiếu mà chính quyền dân sự đã xác nhận hợp lệ.

Đại diện của chính quyền quân sự Myanmar một lần nữa giải thích về tình trạng khẩn cấp mà quân đội đang áp đặt trên cả nước. Tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm và nếu "nhiệm vụ vẫn chưa được hoàn thành", lệnh này có thể được gia hạn thêm "sáu tháng hoặc hơn", tối đa hai lần gia hạn.

Ông Zaw Min Tun cam kết chính quyền quân sự sẽ tổ chức "một cuộc bầu cử tự do và công bằng" trong thời gian lâu nhất là hai năm và xây dựng nền dân chủ cho Myanmar.

Tuy nhiên, "quốc gia dân chủ mà chúng tôi đang xây dựng là quốc gia phù hợp với lịch sử và địa lý của chúng tôi. Tiêu chuẩn dân chủ ở Myanmar sẽ không giống với các quốc gia phương Tây" - ông Zaw Min Tun nói.

Người biểu tình "bạo loạn" và cảnh sát buộc phải nổ súng

Về tình trạng bạo lực trong các cuộc biểu tình phản đối chính biến, Thiếu tướng Zaw Min Tun đổ lỗi cho những người biểu tình "bạo loạn" đã buộc cảnh sát phải nổ súng.

Theo thống kê của một tổ chức độc lập chuyên theo dõi tình hình Myanmar, ít nhất 600 dân thường đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình phản đối chính biến.

Quân đội Myanmar thì báo cáo 248 người đã thiệt mạng liên quan tới các cuộc biểu tình trong hai tháng qua, bao gồm 10 cảnh sát và sáu binh sĩ.

Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc (LHQ) và Cao ủy Nhân quyền LHQ đã nhiều lần báo cáo về tình trạng cưỡng bức mất tích, giam giữ người tùy tiện, tra tấn tù nhân và việc sử dụng vũ khí sát thương chống lại dân thường không vũ trang.

Khoảng 3.000 người đã bị chính quyền bắt giữ. Gia đình nhiều người trong số này không biết được nơi giam giữ hay tình trạng sức khỏe của người bị bắt giữ, cũng không liên lạc được với người thân. 

Lực lượng an ninh Myanmar sử dụng vòi rồng để trấn áp biểu tình phản đối chính biến. Ảnh: THE GUARDIAN

Ông Zaw Min Tun cáo buộc một số người đã "kích động" đám đông biểu tình và ngăn cấm các quan chức đi làm. Vị tướng liệt kê rằng những thành phần quá khích đã ném đá, bắn súng cao su và súng tự chế, nắm bom xăng nhắm vào lực lượng an ninh và buộc chính quyền phải triển khai các vũ khí chống bạo động.

Ông Zaw Min Tun thừa nhận sẽ có người thiệt mạng khi các cuộc biểu tình bị trấn áp, song lưu ý rằng rằng lực lượng an ninh Myanmar đang sử dụng vũ khí ở mức tối thiểu và "không xả súng mà không có kỷ luật".

Tương lai của bà Suu Kyi và đảng NLD

Đại diện chính quyền quân sự tại Naypyidaw cũng lưu ý rằng cố lãnh đạo Aung San - cha của bà Suu Kyi - là người đã lập ra quân đội của nước Myanmar hiện đại. Ông Zaw Min Tun nói rằng nếu có thể nhìn thấy tình cảnh hiện tại ở Myanmar, ông Aung San sẽ coi con cái mình là một "kẻ ngốc".

Bà Suu Kyi đang đối mặt với một loạt cáo buộc như nhập khẩu trái phép thiết bị liên lạc, vi phạm quy định phòng dịch COVID-19, tham nhũng, hối lộ và nghiêm trọng nhất là vi phạm Đạo luật Bí mật chính thức.

Các luật sư của bà Suu Kyi phủ nhận tất cả cáo buộc trên và gọi đó là những lời "bịa đặt". Tuy nhiên, ông Zaw Min Tun lưu ý rằng bà Suu Kyi là một nhân vật "nổi tiếng ở cả Myanmar và trên thế giới" nên chắc chắn quân đội Myanmar sẽ không cáo buộc chính trị gia này một cách vô căn cứ.

Trước những nghi ngờ của giới quan sát quốc tế về việc quân đội không muốn và không cho phép đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi tranh cử, ông Zaw Min Tun đã kiên quyết bác bỏ.

Vị tướng này nhắc lại rằng từ năm 2011, quân đội Myanmar đã từ bỏ một phần quyền lực, xây dựng chính phủ bán dân sự và mở đường cho cuộc bầu cử năm 2015 - năm đó, bà Suu Kyi và NLD giành chiến thắng. Ông Zaw Min Tun nhấn mạnh rằng nếu ngay từ đầu, quân đội không muốn trao lại quyền lực thì đã không có quá trình chuyển tiếp như trong 10 năm qua. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm