Phụ nữ ‘4 không’ và nỗi ngán ngẩm mang tên đàn ông và hôn nhân

Xã hội Hàn Quốc đang âm ỉ với làn sóng ngày càng nhiều phụ nữ gieo cảm hứng và sự động viên cho nhau để chống lại các nguyên tắc gia trưởng cứng nhắc trong gia đình, và thề không kết hôn và sinh con, thậm chí không hẹn hò hay quan hệ tình dục, theo báo South China Morning Post.

“4 không”: Không hẹn hò, không tình dục, không cưới, không sinh con

Đây là chủ trương của phong trào nữ quyền “4 không” đang có sức lan tỏa rất mạnh tại Hàn Quốc.

“Tôi là một phụ nữ đích thực nhưng không quan tâm đến chuyện dính dáng đến đàn ông” – là lời một phụ nữ Hàn Quốc tên Bonnie Lee.

Cô Lee nói cô chẳng quan tâm đến chuyện tìm bạn trai hay một đám cưới cổ tích, mà quyết định sẽ sống hạnh phúc một mình. Và cô Lee không đơn độc.

“Tôi luôn cảm thấy phụ nữ phải chịu nhiều thiệt thòi hơn lợi ích nếu kết hôn” – theo cô Lee, hiện 40 tuổi, có 2 bằng thạc sĩ, công việc ổn định, đang sống cùng một chú chó gần thủ đô Seoul.

Trong xã hội Hàn Quốc, những người vợ không những phải đi làm mà còn phải nuôi dạy con cái, chăm sóc người thân bên chồng, mà không có nhiều trợ giúp từ cộng đồng hay chính phủ.

“Ở thị trường hôn nhân, cuộc sống trước đây và kinh nghiệm làm việc của bạn chẳng có ý nghĩa gì cả. Vì nhiều lý do buồn cười, có học vấn cao lại là một điểm trừ. Tiêu chuẩn cao nhất để được đánh giá là một người vợ tiềm năng là bạn có khả năng chăm sóc chồng và gia đình chồng hay không thôi” – cô Lee nói.

Cô Lee cho biết cô đã thấy nhiều người bạn gái của mình chẳng những phải chịu đựng sự bất bình đẳng giới ở chỗ làm mà còn phải chịu đựng quá nhiều vấn đề ở nhà, đặc biệt sau khi có con.

Các ngôi sao trong bộ phim “Kim Ji-young. Sinh năm 1982” - bộ phim nói về nữ quyền, gây ra rất nhiều tranh cãi thậm chí phải chia tay giữa nhiều cặp đôi ở Hàn Quốc. Ảnh: SCMP

Các ngôi sao trong bộ phim “Kim Ji-young. Sinh năm 1982” - bộ phim nói về nữ quyền, gây ra rất nhiều tranh cãi thậm chí phải chia tay giữa nhiều cặp đôi ở Hàn Quốc. Ảnh: SCMP

Vì thế chẳng có gì lạ khi ngày càng nhiều phụ nữ quay lưng với các kỳ vọng truyền thống trong một xã hội mà nam giới được ưu tiên, nơi những người phụ nữ dù vẫn phải đi làm như chồng nhưng vẫn phải tốn thời gian làm việc nhà nhiều gấp bốn lần chồng.

“Thoát khỏi áo ngực”, không phải làm vui lòng đàn ông

Bên cạnh phong trào “4 không” ở Hàn Quốc còn đang có phong trào nữ quyền nữa có tên “Thoát khỏi áo ngực” – chống lại các tiêu chuẩn khắt khe của Hàn Quốc về cái đẹp. Nhiều người tham gia phong trào này chia sẻ các đoạn video quay cảnh họ đập bỏ đồ trang điểm của mình.

Cô Yoon Ji-hye, một Youtuber 24 tuổi, cho rằng xã hội Hàn Quốc luôn kỳ vọng phụ nữ phải “thụ động và ngây thơ” cũng như phải gợi cảm để thu hút đàn ông.

Ủng hộ mạnh phong trào “Thoát khỏi áo ngực”, cô Yoon cắt đi mái tóc của mình và quyết định để mặc mộc, không quan tâm đến ngành công nghiệp sắc đẹp đang nở rộ ở Hàn Quốc.

“Tôi thường tốn hàng giờ học các kỹ thuật trang điểm qua các video trên YouTube và tốn khoảng 200 USD mỗi tháng cho các sản phẩm làm đẹp” – cô Yoon nói.

Theo lời cô Yoon thì người yêu cũ của cô muốn cô để tóc dài và không hề ủng hộ xu hướng nữ quyền của cô.

Các ngôi sao trong bộ phim “Kim Ji-young. Sinh năm 1982” - bộ phim nói về nữ quyền, gây ra rất nhiều tranh cãi thậm chí phải chia tay giữa nhiều cặp đôi ở Hàn Quốc. Ảnh: SCMP

Các ngôi sao trong bộ phim “Kim Ji-young. Sinh năm 1982” - bộ phim nói về nữ quyền, gây ra rất nhiều tranh cãi thậm chí phải chia tay giữa nhiều cặp đôi ở Hàn Quốc. Ảnh: SCMP

Ngoài phong trào “Thoát khỏi áo ngực” cô Yoon còn là thành viên phong trào “4 không”. Cô cho biết cô chẳng thấy nhớ nhung hay ám ảnh gì chuyện hẹn hò hay quan hệ tình dục, vì “còn có nhiều điều khác có thể làm mình vui”.

Đàn ông và hôn nhân trở thành nỗi ngán ngẩm

Theo nhà xã hội học Shin Gi-wook – người Hàn Quốc đang làm việc tại Đại học Stanford (Mỹ) – “4 không” và “Thoát khỏi áo ngực” là hai phong trào nữ quyền có quy mô và sức lan tỏa mạnh nhất Hàn Quốc trước nay.

Hai phong trào nữ quyền này xuất hiện sau khi tình trạng đàn ông lén quay phim khi quan hệ tình dục với phụ nữ sau đó phát tán cho người khác xem lan tràn ở Hàn Quốc, cũng như từ nhiều vụ lạm dụng tình dục bị bóc trần từ phong trào #MeToo.

Phụ nữ Hàn Quốc biểu tình phản đối tình trạng đàn ông lén quay phim khi quan hệ tình dục với họ sau đó phát tán cho người khác xem. Ảnh: AFP

Phụ nữ Hàn Quốc biểu tình phản đối tình trạng đàn ông lén quay phim khi quan hệ tình dục với họ sau đó phát tán cho người khác xem. Ảnh: AFP

Giọt nước làm tràn ly với nhiều phụ nữ Hàn Quốc, trong đó có cô Lee là vụ việc một nam chính trị gia Hàn Quốc vốn vẫn cho mình đứng về phía nữ quyền bị phát hiện, bị buộc tội và phải vào tù vì cưỡng hiếp một nữ trợ lý của mình.

Sau vụ việc đó, cô Lee nói: “Tôi nhận ra xã hội này là một hệ thống mà tôi không thể được xem như một phụ nữ, và từ đó mọi chuyện liên hệ đến đàn ông – như hôn nhân hay hẹn hò – đều trở nên vô nghĩa với tôi”. Ngoài tham gia phong trào “4 không”, cô Lee cũng là một thành viên của phong trào “Thoát khỏi áo ngực”.

Cô Yoon cũng thừa nhận một lý do khiến cô cảm thấy ngán ngẩm không muốn dính dáng đến đàn ông nữa là chuyện nhiều đàn ông lén quay phim khi làm tình với phụ nữ rồi phát tán ra ngoài.

Chưa có thống kê chính thức về quy mô hai phong trào nữ quyền này. Tuy nhiên, chỉ một kênh YouTube về nữ quyền, kêu gọi tẩy chay hôn nhân và nuôi con đã có tới hơn 100.000 người theo dõi.

Một thập niên trước, tỉ lệ phụ nữ độc thân Hàn Quốc nghĩ hôn nhân là cần thiết tới 47%. Tuy nhiên tỉ lệ này năm ngoái giảm xuống chỉ còn 22,4%.

Các cô dâu trong một lễ cưới tập thể ở Hàn Quốc. Ảnh: AP

Các cô dâu trong một lễ cưới tập thể ở Hàn Quốc. Ảnh: AP

Tỉ lệ kết hôn ở Hàn Quốc giảm mạnh. Số cặp đôi kết hôn giảm từ 434.900 cặp năm 1996 xuống chỉ còn 257.000 cặp hiện nay.

Với thực tế này, Hàn Quốc đứng trước một nguy cơ thảm họa về nhân khẩu học. Tỉ lệ sinh tính trên đầu mỗi phụ nữ ở Hàn Quốc năm 2018 chỉ còn 0,98 con, thấp hơn nhiều mức 2,1 con cần thiết để giữ sự ổn định dân số.

Chính phủ Hàn Quốc dự đoán dân số 55 triệu người của nước này hiện nay sẽ giảm chỉ còn 39 triệu người vào năm 2067. Chưa hết, lúc đó một nửa dân số Hàn Quốc sẽ ở tuổi 62 hoặc già hơn.

Các nhà chức trách đang cố khuyến khích các cặp đôi cưới nhau bằng các chính sách như giảm giá mua nhà và cho vay lãi suất thấp, nhưng hiệu quả còn khiêm tốn.

Các tranh cãi về vai trò của phụ nữ trong xã hội Hàn Quốc cũng là nội dung chính của bộ phim “Kim Ji-young. Sinh năm 1982” ra mắt cách đây 2 tuần và nhanh chóng trở thành một cú hit với doanh thu hơn 19 triệu USD tính đến lúc này.

Bộ phim xoay quanh chuyện một phụ nữ Hàn Quốc bỏ việc lấy chồng và vất vả xoay trở nuôi dạy con mà không được hỗ trợ. Người xem là phái nữ đánh giá phim đạt 9,5 sao trong thang điểm tối đa 10 sao, trong khi đó tỉ lệ này ở người xem nam giới chỉ 2,8 sao. Bộ phim đã gây ra rất nhiều tranh cãi thậm chí phải chia tay giữa nhiều cặp đôi ở Hàn Quốc.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm