Philippines: Trung Quốc muốn ngăn bên thứ ba ra vào biển Đông

Trong khuôn khổ bàn đàm phán COC, ông Locsin cho hay Bắc Kinh muốn hạn chế sự ra vào của các lực lượng quân sự trong khu vực biển Đông nhằm kiểm soát việc khai thác tài nguyên trên biển trong những vùng tranh chấp. 

Trả lời phỏng vấn kênh ABS-CBN, ông cũng cho biết thêm phía Trung Quốc (TQ) đã và đang giảm bớt những yêu cầu đưa ra trước đó và đóng góp tích cực hơn để hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) với các quốc gia ASEAN.

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin Jr. Ảnh: WASHINGTON POST

TQ và các quốc gia ASEAN bắt đầu đàm phán từ tháng 5-2017. Vào thời điểm tháng 8-2018, các bên đã soạn thảo một bản phác thảo trong đó đề cập quan điểm của từng nước.

Trước đó, các bên liên quan của bàn đàm phán đã đồng ý giữ bí mật những chi tiết trong quá trình thỏa thuận. Tuy nhiên, ít nhất hai lãnh đạo cấp cao của các quốc gia Đông Nam Á đã xác nhận các đòi hỏi vô lý này từ phía Bắc Kinh, theo thông tin từ tờ The Washington Post

Trong khi đó, trong cuộc họp báo ngày 11-9, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ từ chối cung cấp thông tin cụ thể về việc trao đổi giữa lãnh đạo hai nước.

Mới đây, Bộ Tài nguyên TQ thông báo đã triển khai mạng lưới thiết bị máy bay không người lái (UAV) ở biển Đông nhằm theo dõi, giám sát những quần đảo và vùng biển xa bờ, theo tờ South China Morning Post.

TQ dự tính hoàn tất chùm vệ tinh vào năm 2021 với tổng cộng 10 vệ tinh quang học, vệ tinh radar nhằm giám sát mọi bãi đá, đảo và tàu bè ở biển Đông 24/24 giờ. 

Binh sĩ Trung Quốc chuẩn bị cho một cuộc diễn tập UAV. Ảnh: REUTERS

Theo thông cáo của Cục Nam Hải, mạng lưới UAV mới triển khai được cơ quan hàng hải sử dụng để tuần tra, kiểm tra các dấu hiệu đáng ngờ trên biển, đảo và đóng góp cho việc cứu hộ, ứng phó những tình huống khẩn cấp như tràn dầu hoặc thủy triều đỏ.

Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế cho rằng về lâu dài, những bước kiểm soát này từ phía Bắc Kinh nhằm mục đích xây dựng mạng lưới thiết bị trên không trên bờ, trên các thực thể và trong không gian. Qua đó, chính quyền TQ có thể giành ưu thế trong mưu đồ độc chiếm biển Đông.

TQ hồi tháng 7 ngang ngược cử đội tàu Địa chất hải dương 8 xâm phạm vùng biển Việt Nam. TQ hung hăng tuyên bố hành động của họ không sai. Thậm chí họ triển khai các lực lượng quân sự và bán quân sự nhằm đe dọa, bắt nạt Việt Nam hòng tìm kiếm ưu thế. Tuy nhiên, các lực lượng chấp pháp của Việt Nam, bên cạnh các giải pháp đối thoại, vẫn kiên quyết bảo vệ vùng biển chủ quyền.

Ngày 22-8, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với TQ về vấn đề này, yêu cầu TQ chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, không có những hành vi làm gia tăng căng thẳng, gây phức tạp tình hình, đe dọa đến hòa bình, ổn định và an ninh ở biển Đông cũng như ở khu vực.

Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục thực thi bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế và theo đúng pháp luật Việt Nam.

Bà Hằng khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

Washington Post

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm