Philippines tái áp lệnh phong tỏa thủ đô Manila vì COVID-19

Chính phủ Philippines cho biết sẽ tái áp đặt lệnh phong tỏa chặt chẽ hơn đối với khu vực thủ đô Manila và vùng lân cận trong vòng hai tuần, bắt đầu từ ngày 4-8, theo hãng tin Reuters.

Lệnh tái phong tỏa này được đưa ra sau khi số ca nhiễm COVID-19 tại Philippines vượt qua mốc 100.000 vào ngày 2-8.

Reuters dẫn thông tin cho biết Tổng thống Rodrigo Duterte đã chấp thuận việc tái phong tỏa thủ đô Manila và các tỉnh lân cận theo chương trình có tên gọi "Tăng cường cách ly cộng đồng” (MECQ) trong thời gian từ ngày 4 đến 18-8.

Theo đó, các doanh nghiệp và giao thông công cộng tại Manila bắt buộc phải đóng cửa. Ngoài ra, việc cách ly cũng sẽ được thực hiện một cách mạnh mẽ và nghiêm ngặt hơn.

Tổng thống Duterte trong cuộc họp với thành viên nội các và lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 hôm 2-8. Ảnh: RAPPLER

Động thái tái phong tỏa Manila được ra sau khi 80 hiệp hội đại diện cho hơn 80.000 bác sĩ và một triệu y tá của Philippines kêu gọi chính phủ cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn trước tình hình dịch bệnh phức tạp tại nước này.

"Tôi đã nghe thấy lời kêu gọi của các bạn (bác sĩ và y tá - PV). Đừng mất hy vọng. Chúng tôi biết rằng các bạn đang mệt mỏi" – ông Duterte phát biểu trên truyền hình vào tối 2-8.

Thêm vào đó, Tổng thống Philippines cũng chấp thuận việc thuê 10.000 chuyên gia y tế nhằm tăng cường cho lực lượng hiện tại và bổ sung một số quyền lợi cho các nhân viên y tế.

Theo Reuters, tính đến cuối ngày 2-8, Philippines đã ghi nhận 5.032 ca nhiễm mới COVID-19. Đây là mức tăng hằng ngày cao nhất, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 của nước này lên 103.185, và có tới 2.059 ca tử vong.

Hiện Philippines là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong COVID-19 cao thứ hai ở Đông Nam Á, sau Indonesia.

Giữa tháng 3-2020, Tổng thống Duterte đã áp đặt việc phong tỏa mạnh mẽ và dài nhất đối với thủ đô Manila và các vùng lân cận để ngăn chặn lây nhiễm COVID-19 lúc đó.

Hồi tháng 6, Philippines bắt đầu nới lỏng một số hạn chế để phục hồi nền kinh tế vốn chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm