Philipines thừa nhận đá Ba Đầu ngoài vùng đặc quyền kinh tế

Ngày 11-5, ông Harry Roque - người phát ngôn của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã có phát ngôn rằng đá Ba Đầu “không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ)” của nước này, nhưng Philippines vẫn không từ bỏ tuyên bố chủ quyền khu vực này.

Theo báo Rappler, họp báo ngày 11-5, ông Rogue “nó (đá Ba Đầu) không nằm trong EEZ của chúng tôi, nó xa ở bên ngoài”. Ông Rogue còn nói phía những người chỉ trích đã cố tình làm lớn chuyện hơn 200 tàu Trung Quốc hiện diện ở khu vực đá Ba Đầu với mục đích công kích cách tiếp cận Trung Quốc của Tổng thống Duterte.

Phát ngôn viên Harry Roque trong cuộc họp báo ở thủ đô Manila, Philippines, ngày 11-5. Ảnh: RAPPLER

Ông Rogue cũng nói Philippines "không bao giờ nắm trong tay" đá Ba Đầu. Phát ngôn này cũng tương tự lời nói gây tranh cãi trước đó của Tổng thống Duterte rằng Trung Quốc đang "nắm trong tay" Biển Tây Philippines – phát ngôn bị các chuyên gia và nhà phê bình cho là làm suy yếu tuyên bố chủ quyền của Philippines với vùng biển này.

Ông Rogue nói phát ngôn của ông không làm suy yếu tuyên bố chủ quyền của Philippines với đá Ba Đầu.

“Nó không làm suy yếu bất cứ điều gì bởi vì chúng tôi không từ bỏ yêu sách của mình đối với đá Ba Đầu thể theo sắc lệnh tổng thống Marcos nối đá Ba Đầu với lãnh thổ Philippines” – ông Rogue nói tại cuộc họp báo.

Tuyên bố của ông Rogue mâu thuẫn với các tuyên bố của Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao nước này rằng đá Ba Đầu nằm trong vùng EEZ của Philippines. Philippines thời gian qua đã nhiều lần đệ đơn phản đối ngoại giao dựa trên cơ sở này.

Với sự hậu thuẫn của Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana, Lực lượng Đặc nhiệm Quốc gia trên Biển Tây Philippines (NTF-WPS) là lực lượng đầu tiên lên tiếng báo động về sự hiện diện của các tàu Trung Quốc ở khu vực đá Ba Đầu hồi cuối tháng 3.

Trong thời gian Trung Quốc duy trì hiện diện tàu ở đá Ba Đầu, Bộ Ngoại giao Philippines đệ trình công hàm phản đối ngoại giao gần như hàng ngày, yêu cầu Trung Quốc rút tàu khỏi đá Ba Đầu và các thực thể khác thuộc quần đảo Trường Sa.

Bộ Quốc phòng và cơ quan chức năng Philippines cũng cử tàu tuần tra và máy bay đến khu vực, tuyên bố bảo vệ ngư dân Philippines và đề phòng Trung Quốc. Trong một tuyên bố hồi tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana nhấn mạnh sẽ không lung lay quan điểm dù Trung Quốc có quân đội mạnh hơn Philippines.

Sau phát ngôn của ông Rogue, Rappler đã tìm tới Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana đề nghị giải thích về sự mâu thuẫn trong quan điểm của mình với phát ngôn của ông Rogue. Ông Lorenzana nói cả hai đều đúng trong một số điểm. Theo ông Lorenzana, thể theo sắc lệnh tổng thống Marcos thì gọi đá Ba Đầu là nằm trong EEZ hay gọi là lãnh thổ đều đúng.

Ý ông Lorenzana đề cập Sắc lệnh 1596 do Tổng thống Marcos ban hành vào năm 1978, xác định Nhóm đảo Kalayaan. Tuy nhiên, có tư duy pháp lý cho rằng sắc lệnh này đã bị bãi bỏ khi Philippines phê chuẩn UNCLOS vào năm 1984.

Về phía Việt Nam, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trong cuộc họp báo ngày 25-3 đã khẳng định hoạt động của tàu Trung Quốc tại đá Ba Đầu là xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.

Bà Hằng cho biết Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam và có thiện chí tuân thủ luật pháp quốc tế, tránh làm phức tạp thêm tình hình thực địa.

 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm