Pháp điều tra các hãng thời trang nổi tiếng liên quan vấn đề người Duy Ngô Nhĩ

Thẩm phán Văn phòng Công tố chống khủng bố quốc gia Pháp đã mở một cuộc điều tra bốn tập đoàn thời trang nổi tiếng, bao gồm Uniqlo và Zara, với cáo buộc trục lợi từ hành vi cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc.

Theo hãng tin AFP, các thẩm phán hôm 1-7 cho biết họ đang điều tra thông tin cho rằng các công ty thời trang đa quốc gia trên đang “góp phần vào tội ác chống lại loài người”.

Cuộc điều tra dựa trên đơn khiếu nại hồi tháng 4 của tổ chức phi chính phủ bảo vệ các nạn nhân của tội phạm kinh tế Sherpa, liên minh công nghiệp dệt may Chiến dịch quần áo sạch (CCC), Viện Duy Ngô Nhĩ ở Châu Âu và một phụ nữ người Duy Ngô Nhĩ từng bị giam giữ ở Tân Cương.

Họ cáo buộc công ty sản xuất quần áo đa quốc gia Inditex, chủ sở hữu nhãn hàng thời trang Zara và các thương hiệu hàng đầu khác, hãng Uniqlo, tập đoàn thời trang SMCP của Pháp và hãng giày thể thao Skechers đã sử dụng sợi bông sản xuất từ Tân Cương.

Văn phòng Công tố chống khủng bố quốc gia Pháp đã mở một cuộc điều tra bốn tập đoàn thời trang nổi tiếng với cáo buộc trục lợi từ hành vi cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Đáp lại, Inditex khẳng định họ không liên quan đến bất kỳ hoạt động nào ở Tân Cương: "Chúng tôi có các biện pháp kiểm soát truy xuất nguồn gốc vật liệu nhập khẩu nghiêm ngặt. Những cáo buộc trong đơn kiện là vô căn cứ".

Theo đại diện của Inditex, công ty có "chính sách không khoan nhượng đối với hành vi cưỡng bức lao động" và có "các thủ tục đảm bảo những việc làm như vậy sẽ không tồn tại trong chuỗi hoạt động” của họ.

Năm ngoái, một số thương hiệu thời trang lớn khác như H&M, Nike, Adidas và cả Uniqlo đều thông báo rằng họ sẽ ngừng mua bông từ Tân Cương, dẫn đến những lời kêu gọi tẩy chay các hãng thời trang này ở Trung Quốc.

Công ty sản xuất quần áo đa quốc gia Inditex, chủ sở hữu nhãn hàng thời trang Zara bị cáo buộc sử dụng nguyên liệu sợi bông sản xuất ở Tân Cương. Ảnh: REUTERS

Trung Quốc đã nhiều lần bị cộng đồng quốc tế chỉ trích và cáo buộc cưỡng bức lao động, giam giữ và tiến hành triệt sản nhiều phụ nữ người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, AFP đưa tin.

Rất nhiều nhóm hoạt động vì quyền con người cho rằng ít nhất một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số đã bị bắt giam trong các trại cải tạo ở khu vực Tân Cương.

Phần mình, chính quyền Bắc Kinh đã nhiều lần bác bỏ mọi cáo buộc trên và khẳng định các chính sách của họ ở Tân Cương là cần thiết để chống lại chủ nghĩa bạo lực cực đoan.

Trước đó, Mỹ đã công bố lệnh cấm nhập khẩu đối với một số công ty hoạt động ở Tân Cương, bao gồm nhà sản xuất vật liệu tấm pin mặt trời Hoshine Silicon Industry.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm