Phản ứng của các nước khi WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch

Ngày 11-3, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã tuyên bố dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 là đại dịch toàn cầu, theo báo South China Morning Post (SCMP).

WHO cho biết việc tuyên bố đại dịch toàn cầu không làm thay đổi chính sách và khuyến cáo của tổ chức này trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19. 

Một số quốc gia và vùng lãnh thổ đã có những phản ứng đầu tiên sau tuyên bố của WHO. 

Phản ứng mạnh mẽ của Mỹ ngay sau tuyên bố của WHO

Động thái đầu tiên của Mỹ sau khi WHO tuyên bố đại dịch là một loạt chính sách "đóng cửa" phòng dịch.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ban hành lệnh cấm du khách châu Âu nhập cảnh vào Mỹ. Lệnh cấm áp dụng từ ngày 13-3 và sẽ kéo dài 30 ngày. Sau tuyên bố tại Nhà Trắng, ông Trump đã giải thích lại trên Twitter rằng lệnh cấm không áp dụng đối với hàng hóa đến từ châu Âu.

Sinh viên tại bang Washington sẽ phải học trực tuyến. Ảnh: REUTERS

Các trường học lên kế hoạch chuyển các tiết học sau kỳ nghỉ xuân sang giảng dạy trực tuyến. Riêng tại TP Seattle, tất cả các trường công sẽ bị đóng cửa trong hai tuần.

Tính đến chiều 12-3, Mỹ đã có 987 người nhiễm COVID-19, trong đó 35 bệnh nhân đã tử vong, theo SCMP.

Trung Quốc tuyên bố đã vượt qua đỉnh dịch

Không lâu sau khi WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc tuyên bố nước này đã vượt qua đỉnh dịch.

Chính quyền tỉnh Hồ Bắc cũng nới lỏng đi lại và khôi phục hoạt động kinh tế một số địa phương trong tỉnh, sau khi số ca nhiễm mới trong ngày 11-3 giảm xuống còn 15 người, trong đó TP Vũ Hán chỉ có 8 người.

Hiện ở Trung Quốc đã có một số tỉnh, thành cho phép học sinh đi học trở lại và dự kiến tuần tới số trường mở cửa đón học sinh đi học lại sẽ nhiều hơn.

Cũng trong ngày 12-3, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã ban hành những hướng dẫn về phòng chống và kiểm soát dịch COVID-19 cho các trường từ mẫu giáo đến trung học và các tổ chức giáo dục đại học. Các hướng dẫn vừa mới ban hành này bao gồm kiến thức cơ bản về virus gây dịch COVID-19, hướng dẫn xây dựng hệ thống phòng, chống dịch bệnh của trường học và công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường học trước và sau khi mở cửa trở lại. Bắc Kinh không nói rõ liệu những thay đổi này có liên quan tới tuyên bố của WHO hay không.

Học sinh đi học trở lại ở TP Hải Đông, tỉnh Thanh Hải (Trung Quốc). Ảnh: THX

Hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã ngày 12-3 cho biết Trung Quốc đã ưu tiên chăm lo sức khỏe của người dân trong và ngoài nước, thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.

Về kinh tế, phản ứng nhanh chóng và linh hoạt là những gì Trung Quốc đã học được từ cuộc chiến với COVID-19. Ngay trước khi WHO tuyên bố COVID-19 thành đại dịch toàn cầu, chính phủ Trung Quốc đã công bố các biện pháp mới để hỗ trợ hoạt động ngoại thương và đầu tư nước ngoài để chuẩn bị cho các diễn biến xấu nhất của dịch bệnh ở bên ngoài quốc gia này.

Đến hết ngày 11-3, Trung Quốc có tổng cộng 80.793 ca nhiễm bệnh. Trong đó, 3.169 bệnh nhân đã tử vong và 62.793 bệnh nhân đã xuất viện, theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc.

Hong Kong không bất ngờ với tuyên bố của WHO

Hong Kong cho biết vùng lãnh thổ này không có kế hoạch điều chỉnh chiến lược phòng, chống dịch COVID-19 của mình ngay cả sau khi WHO coi đây là "đại dịch", người đứng đầu Trung tâm Bảo vệ sức khỏe Hong Kong - ông Wong Ka-hing nói với SCMP

Giám đốc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe Hong Kong - ông Wong Ka-hing. Ảnh: SCMP

"Tôi không bất ngờ về quyết định của WHO. Nhiều quốc gia và nhiều chuyên gia đã nói trước kia rằng dịch bệnh lần này đã là một đại dịch. Quyết định này không tác động hay thay đổi cách Hong Kong đối phó với dịch bệnh", ông Wong phát biểu trên đài phát thanh địa phương.

Ông Wong cũng nhắc lại khuyến cáo rằng người dân nên tránh đi ra nước ngoài khi không cần thiết và cho biết 1/3 số ca nhiễm ở Hong Kong có liên quan đến những người nhiễm bệnh từ bên ngoài vùng lãnh thổ này.

Hong Kong đã có 129 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó có ba bệnh nhân đã tử vong, theo SCMP

Đại dịch không ảnh hưởng đến lễ cầu nguyện của đạo Hồi

Còn ở Malaysia, Bộ trưởng các vấn đề tôn giáo Zulkifli Mohamad Al-Bakri nói rằng không cần phải hoãn các buổi lễ cầu nguyện của đạo Hồi vào ngày thứ Sáu hàng tuần, trang tin Channel News Asia ngày 12-3 cho biết.

Theo lời ông Zulkifli, tình hình COVID-19 ở Malaysia đang trong tầm kiểm soát và chính phủ không yêu cầu hoãn các buổi lễ trong ngày thứ Sáu của đạo Hồi. 

Bộ trưởng các vấn đề tôn giáo Malaysia - ông Zulkifli Mohamad Al-Bakri. Ảnh: BERNAMA (MALAYSIA)

“Những lời cầu nguyện vào thứ Sáu là bắt buộc đối với tất cả nam giới Hồi giáo nhưng vẫn phải tiến hành một số điều chỉnh, chẳng hạn như rút ngắn bài giảng”, ông Zulkifli nói.

“Các tín đồ cần phải "thanh tẩy" và phải đeo khẩu trang và các nhà thờ Hồi giáo phải cung cấp thuốc khử trùng tay để phòng ngừa dịch bệnh”, ông nói tiếp.

Ông Zulkifli cũng nói rằng những người biểu hiện triệu chứng của COVID-19 không cần phải tham dự những lời cầu nguyện vì họ được xem là những người bị bệnh.

Trước đó, Kuala Lumpur cho biết chỉ hủy bỏ lễ cầu nguyện vào thứ Sáu của đạo Hồi và thay bằng các lễ cầu nguyện theo giờ nếu tình hình dịch vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Đến chiều 12-3, Malaysia đã có 149 trường hợp nhiễm bệnh và chưa có bệnh nhân nào tử vong, theo SCMP.

Một số nước đã chuẩn bị từ khi WHO chưa công bố đại dịch

Trước khi WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu, một số nước có cũng những bước đi mạnh mẽ hơn để phòng chống dịch.

Ngày 11-3, Ấn Độ thông báo sẽ tạm hoãn cấp mới hầu hết thị thực nhập cảnh đối với công dân các nước trên thế giới, theo SCMP. Lệnh cấm có hiệu lực đến ngày 15-4. Một số trường hợp ngoại lệ là người có hộ chiếu ngoại giao, quan chức nhà nước, nhân viên Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế, người lao động và chuyên gia tham gia các dự án ở Ấn Độ.

Ấn Độ đang có 73 ca nhiễm bệnh và chưa có người nào tử vong vì COVID-19, theo SCMP.

Trong khi đó, Thủ tướng Canada, ông Justin Trudeau cho biết Ottawa đang xem xét tăng cường các biện pháp ngăn chặn dịch COVID-19, theo báo National Post (Canada).

"Vấn đề không phải thời gian. Vấn đề là tình hình thực tế của dịch bệnh. Chúng tôi sẽ giám sát chặt chẽ những việc cần làm để bảo vệ người dân Canada", ông Trudeau nói.

Thủ tướng Canada cho biết trọng tâm là "đảm bảo các biện pháp hiện tại là đủ" để không phải có những bước đi khác nghiêm trọng hơn trong tương lai.

Canada đã phát hiện tổng cộng 103 trường hợp nhiễm bệnh, một bệnh nhân trong số này đã tử vong.

Toàn thế giới đã phát hiện hơn 124.600 ca nhiễm COVID-19, có 4.624 bệnh nhân đã tử vong và 68.087 bệnh nhân đã được chữa trị thành công, theo SCMP. Các ổ dịch mới của thế giới là Iran, Ý, Hàn Quốc, Pháp và Tây Ban Nha. 

Việc giặt giũ có giúp ngăn chặn COVID-19?
Việc giặt giũ có giúp ngăn chặn COVID-19?
(PLO)- Khi COVID-19 đã thành đại dịch toàn cầu, tất cả mọi người đều tìm cách bảo vệ bản thân và cũng có băn khoăn rằng việc giặt giũ có giúp ngăn ngừa dịch bệnh.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm