Ông Trump lên tiếng về cuộc biểu tình ở Hong Kong

Tổng thống Mỹ Donald Trump chắc chắn Trung Quốc đại lục và Hong Kong sẽ có thể giải quyết êm xuôi những bất đồng sau khi các cuộc biểu tình phản đối dự luật dẫn độ ở Hong Kong biến thành bạo động, theo tờ South China Morning Post (SCMP).

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: SCMP

“Đó là các cuộc biểu tình rầm rộ. Hôm nay tôi đã xem qua và đó thật sự là một triệu người”, Tổng thống Trump nói ngày 12-6, nhắc tới các cuộc biểu tình khổng lồ ở Hong Kong hôm 10-6 nhằm phản đối dự luật dẫn độ sửa đổi, theo đó cho phép đưa người phạm tội ở Hong Kong sang Trung Quốc đại lục xét xử.

Khi được hỏi liệu người biểu tình đang muốn gửi thông điệp gì tới Bắc Kinh, Tổng thống Trump nói: “Tôi không biết họ đang gửi đi thông điệp gì. Ý tôi là họ đang tổ chức biểu tình mà thôi”.

Tổng thống Trump cho biết ông hiểu được “nguyên nhân biểu tình”, song ông nói thêm: “Tôi chắc chắn họ sẽ có thể giải quyết êm thấm. Tôi hy vọng họ (Hong Kong) có thể giải quyết vấn đề với Trung Quốc”.

Những bình luận trên của ông Trump đưa ra trong cuộc gặp với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tại Nhà Trắng hôm 12-6.

Các bình luận của nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra sau khi Hong Kong bị rung chuyển bởi các cuộc biểu tình nhằm phản đối dự luật dẫn độ được đề xuất trên. Cảnh sát đã bắn hơi cay và đạn cao su vào người biểu tình đang phong tỏa các tuyến đường bên ngoài trụ sở chính quyền, làm hơn 70 người bị thương.

Khi các cuộc đụng độ dữ dội nổ ra giữa người biểu tình và giới chức vào chiều 12-6, Cảnh sát trưởng Hong Kong Steven Lo Wai-chung tuyên bố “tình trạng bạo động”. Ông nói rằng cảnh sát không có lựa chọn nào ngoài việc phải sử dụng vũ lực.

Cảnh sát Hong Kong dùng hơi cay, đạn cao su nhằm vào người biểu bình. Ảnh: Apple Daily

Theo SCMP, đây cũng là lần đầu tiên ông Trump có các phát ngôn công khai liên quan tới dự luật dẫn độ của Hong Kong. Dự luật gây tranh cãi này đã bị một số nghị sĩ, quan chức Mỹ cùng các quan chức châu Âu chỉ trích, đồng thời cũng kéo theo các cuộc biểu tình ở ít nhất 29 TP trên thế giới.

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 12-6 kêu gọi “tất cả các bên kiềm chế và hạn chế bạo lực”.

“Việc quan trọng là chính phủ Hong Kong phải tôn trọng quyền tự do ngôn luận và quyền của người dân trong việc tụ tập một cách hòa bình” – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói trong cuộc họp báo hôm 12-6.

Bà Kellyanne Conwa, -cố vấn cấp cao của Nhà Trắng, ngày 12-6 cho biết Tổng thống Trump có thể nêu vấn đề biểu tình ở Hong Kong với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi họ gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Nhật Bản cuối tháng này.

Về phần mình, bất chấp bị dọa giết, Trưởng Đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) vẫn tuyên bố dự luật sẽ được thông qua sớm, khẳng định dự luật là cần thiết để bịt lỗ hổng pháp lý và để Hong Kong không trở thành thiên đường của tội phạm.

Bà Carrie Lam: ‘Tôi đã hy sinh nhiều cho Hong Kong’

Theo trang tin HKFP (Hong Kong), trong một cuộc phỏng vấn ghi hình sáng 12-6 và phát vào tối cùng ngày trên đài TVB, khi được hỏi về việc liệu bà có rút dự luật dẫn độ sang Trung Quốc hay không, Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam đã lấy dẫn chứng về việc dạy con để trả lời.

Trưởng Đặc khu Hong Kong Carrie Lam trong cuộc phỏng vấn phát trên đài TVB tối 12-6. Ảnh: HKFP

Bà Carrie Lam cho biết bản thân không thể đáp ứng mỗi lần con trai mình đưa ra yêu cầu bởi việc làm này có thể giúp mối quan hệ giữa họ tốt đẹp trong ngắn hạn nhưng trong dài hạn, con trai bà sẽ trở nên hư đốn và bà phải chịu trách nhiệm về điều đó. Việc người dân biểu tình phản đối dự luật cũng giống như việc con trai bà đưa ra yêu cầu.

Khi được hỏi về những ý kiến chỉ trích, cáo buộc bà "bán rẻ Hong Kong", bà Carrie Lam bật khóc. "Tôi lớn lên với người dân Hong Kong. Tình yêu của tôi dành cho nơi này đã khiến tôi hy sinh cá nhân rất nhiều", bà nói.

Cũng trong cuộc phỏng vấn, bà Lam mô tả cuộc biểu tình là một vụ “bạo động” có tổ chức.

Ảnh từ trên cao ghi lại cảnh hơn 1 triệu người đổ ra các tuyến đường để biểu tình ở Hong Kong. Ảnh: Apple Daily

“Đây không phải là hành động vì tình yêu Hong Kong”- Trưởng đặc khu Hong Kong nhấn mạnh. Bà thêm rằng việc chiếm giữ các con đường đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới Hong Kong và người biểu tình đã dùng tới các biện pháp mang tính sát thương để tấn công cảnh sát như châm lửa đốt, dùng các thanh kim loại, ném gạch và phá hủy các cơ sở công cộng.

 “Chúng tôi phải kịch liệt lên án hành động này” – bà Lam nhấn mạnh.

Sáng 12-6, hàng chục ngàn người tràn xuống các con đường chính ở Hong Kong để biểu tình phản đối cuộc họp dự luật dẫn độ sửa đổi cho phép dẫn độ các nghi phạm tới nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Trung Quốc đại lục. Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Hong Kong sau đó đã quyết định hoãn buổi thảo luận dự luật (dự kiến diễn ra trưa 12-6).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm