Ông Trump đổi giọng về chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria

Trước việc Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị tiến hành chiến dịch quân sự ở Syria, chỉ trong vòng 24 giờ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chuyển từ đe dọa "xóa sổ nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ" sang ngôn từ mềm mỏng hơn khi thông báo tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sang thăm Nhà Trắng.

Tuy nhiên, ông Trump đã không hủy kế hoạch rút quân khỏi Syria, đồng thời vẫn cố gắng thuyết phục Ankara không xâm lược Syria và tấn công vào lực lượng người Kurd. Việc này đã khiến cho các nhà lập pháp từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa phẫn nộ, và khiến các đồng minh của Washington bối rối.

"Điều này thực sự nguy hiểm" - Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi nói. 

Vấn đề bắt đầu nảy sinh khi Nhà Trắng thông báo vào đêm muộn 6-10 rằng họ sẽ không can thiệp vào cuộc chiến mà Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị tiến hành. Trong khi đó, tuyên bố không nhắc đến những nỗ lực của Washington nhằm tránh khỏi một hành động quân sự như vậy. Điều này khiến cho người ta kết luận rằng Tổng thống Trump đã làm lơ trước quyết định của Ankara.

Quyết định của Tổng thống Trump đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt, đến từ cả những người ủng hộ trung thành nhất của ông như lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mitch McConnell.

Ngày 7-10, Tổng thống Trump đã nhắc đến ý định rút khỏi xung đột ở Syria qua một tuyên bố trên Twitter: "Bây giờ đã là lúc các bên khác trong khu vực phải bảo vệ chủ quyền của họ". Nhưng ông cũng gay gắt đe dọa "sẽ hủy diệt và xóa sổ nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ" nếu Ankara đi quá xa trong hành động quân sự ở Syria.

Lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ tập trung gần biên giới Syria. Ảnh: BBC

Tổng thống Trump nhấn mạnh mong muốn rút quân hoàn toàn khỏi Syria và thông báo rút 50-100 quân khỏi khu vực xung đột ở Syria vì lý do an toàn. Trong khi đó, giới lãnh đạo quân sự Mỹ khuyến cáo nên duy trì lực lượng Mỹ ở Syria để đảm bảo thực sự đẩy lùi được các tay súng thuộc tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Với một giọng điệu tương đối thân thiện hơn, ngày 9-10, tổng thống Mỹ cho biết Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan sẽ thăm Nhà Trắng vào ngày 13-11. Ông cũng nhắc lại việc Ankara là đối tác thương mại lớn của Mỹ, là nhà cung cấp thép trong sản xuất máy bay F-35.

Tuy nhiên, trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ đã bị loại khỏi dự án sản xuất F-35 vì không chịu chấm dứt hợp đồng mua hệ thống tên lửa S-400 từ Nga. Và đến tháng 3-2020, Mỹ sẽ chấm dứt việc hợp tác với các nhà cung cấp Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Trump nói Ankara hiểu rằng "bất kỳ cuộc chiến không cần thiết nào cũng sẽ tàn phá nền kinh tế và đồng tiền của nước này".

Tổng thống Trump cho biết dù các lực lượng Mỹ "có thể" sẽ rời khỏi Syria, Mỹ sẽ không bỏ rơi người Kurd trước nguy cơ bị tiêu diệt trong các hành động quân sự của Ankara.

Người Kurd luôn đứng về phía Mỹ trong cuộc chiến chống IS. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ coi người Kurd là lực lượng khủng bố và có khả năng đe dọa đến an ninh quốc gia.

Ngày 8-10, tướng về hưu Joseph Votel, người từng đứng đầu Bộ Chỉ huy Trung tâm cho các hoạt động quân sự của Mỹ ở Syria, cho rằng sự tin tưởng lẫn nhau là thành tố quan trọng trong quan hệ giữa Mỹ và người Kurd.

"Trong tuần qua, những thay đổi đột ngột về chính sách trong thời khắc vô cùng quan trọng đã làm rạn nứt lòng tin, cũng như giới hạn những đồng minh của chúng ta trong một số lựa chọn rất hạn chế" - tướng Votel viết trên báo The Atlantic.

Ông Jonathan Schanzer, một học giả chuyên nghiên cứu về Syria tại Quỹ Bảo vệ dân chủ có trụ sở tại Washington, cho rằng dù cho Thổ Nhĩ Kỳ có lựa chọn xâm nhập một cách hạn chế vào lãnh thổ Syria, xung đột cũng có thể nhanh chóng leo thang.

"Tổng thống Trump đang gia tăng gấp đôi nguy cơ leo thang xung đột" -chuyên gia nói. "Ông ấy đang cố gắng chứng minh với người dân Mỹ rằng quyết định của mình là đúng đắn. Nhưng dĩ nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đang xem đó là một tín hiệu "bật đèn xanh"".

Theo các quan chức Mỹ, ngày 8-10, lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đã tràn qua biên giới để chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào Syria, tuy nhiên có vẻ như cuộc tấn công chưa thực sự bắt đầu.

Các quan chức giấu tên từ lực lượng tình báo quân sự Mỹ cho biết khoảng 5.000-10.000 quân Thổ Nhĩ Kỳ đang tập trung gần biên giới và đã sẵn sàng cho cuộc tấn công.

Nguồn tin cho biết Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ bắt đầu chiến dịch bằng các loạt không kích, sau đó là tấn công bằng pháo binh hạng nặng và đưa quân vào sâu lãnh thổ Syria. Trong khi lực lượng người Kurd chỉ được trang bị một số vũ khí phòng không, như các tên lửa đất đối không, và họ còn phải phòng thủ trước lực lượng bắn tỉa của đối phương.

Các nhà phê bình cáo buộc Tổng thống Trump đang từ bỏ một đồng minh của Mỹ, đẩy người Kurd vào tình thế buộc phải chiến đấu. Nếu họ không thể đứng vững trước cuộc tấn công của người Thổ Nhĩ Kỳ, ngay cả những trại giam giữ hàng ngàn chiến binh IS ở Syria cũng có thể bị đe dọa.

Những người ủng hộ Tổng thống Trump cho rằng việc đe dọa trừng phạt sẽ khiến ông Erdogan xem xét lại kế hoạch, hoặc hành động quân sự một cách hạn chế để không gây ra những tổn thất đối với nền kinh tế đất nước. Còn Tổng thống Trump luôn nhấn mạnh ông đang giữ cam kết về việc chấm dứt cuộc chiến ở Trung Đông, nhưng vẫn cảnh báo ông sẵn sàng nhắm vào nền kinh tế Ankara nếu binh lính Mỹ bị tấn công.

Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, Phó Tổng thống Fuat Oktay cho biết nước này sẽ không cúi đầu trước những thách thức từ phía Mỹ. Trong một phát biểu ngày 8-10, ông còn khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ đang có kế hoạch tấn công lực lượng người Kurd và thiết lập một khu vực tái định cư cho người tị nạn Syria.

"Đối với những mối quan tâm an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi xác định con đường riêng nhưng chúng tôi cũng đặt ra những giới hạn phù hợp" - ông Oktay nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm